Công nhân lao động Công ty CP Dệt may Huế thi đua đạt năng suất trong lao động sản xuất
Từ những việc nhỏ
Tại Nhà máy May 3, Công ty CP Dệt may Huế, không ai không biết đến chị Nguyễn Thị Thanh Trang, một công nhân lành nghề, tận tâm với công việc và sống chan hòa với đồng nghiệp. Nhiều năm liền, chị được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Chia sẻ về công việc, chị Trang bộc bạch: “Tôi luôn cố gắng học hỏi không ngừng để có thể hoàn thành tốt các sản phẩm khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tôi cải tiến từng thao tác để tiết kiệm thời gian, tuân thủ nghiêm túc quy định, đúng giờ, giữ gìn vệ sinh nơi làm việc và luôn sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp”.
Chị Trang luôn xem việc học tập và làm theo Bác Hồ là kim chỉ nam cho hành động, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Ngày nào chị cũng đến sớm 15 phút để kiểm tra máy móc, chuẩn bị vật tư và ghi chú lại những vấn đề còn tồn đọng. Với chị, lời Bác dạy: “Bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang” chính là động lực để chị luôn nghiêm túc trong từng công đoạn, không làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất và tập thể.
Tấm giấy khen ghi nhận là điển hình trong học tập và làm theo lời Bác, do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố trao tặng, được anh Hồ Dương, đoàn viên Nghiệp đoàn xe thồ Bến xe phía Bắc trân trọng treo ngay ngắn trong căn nhà nhỏ của mình. Với anh, đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là lời nhắc nhở bản thân phải sống và làm việc sao cho xứng đáng mỗi ngày.
Là ủy viên ban chấp hành nghiệp đoàn, anh Dương luôn gương mẫu và thường xuyên nhắc nhở anh em đoàn viên chấp hành nghiêm túc nội quy, giữ gìn hình ảnh lịch sự, văn minh khi hành nghề. “Bác Hồ sống giản dị, hết lòng vì dân. Là người lao động, tôi chẳng làm được điều gì lớn lao, nhưng sống tử tế, không tranh giành khách là cách tôi chọn để học tập và làm theo Bác”, anh chia sẻ.
Không chỉ tận tâm với công việc mưu sinh, anh Dương còn đảm đương tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực nghiệp đoàn sinh hoạt. Anh chủ động phân bổ khách và hàng hóa vận chuyển cho các đoàn viên một cách hợp lý, đồng thời giữ gìn vệ sinh chung, tạo môi trường sinh hoạt sạch đẹp, gọn gàng.
Bên cạnh đó, anh kiên trì vận động các đoàn viên thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giao tiếp ứng xử văn hóa, tránh xa tệ nạn rượu chè, cờ bạc, và đặc biệt là không chèo kéo khách khi chạy xe.
Hành trình không hồi kết
Không chỉ là việc làm của từng cá nhân, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào rộng khắp trong các công đoàn cơ sở trên địa bàn thành phố. Các cấp công đoàn gắn việc học Bác với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tiêu hao vật tư, điện nước, vật liệu sản xuất; gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nội quy lao động, xây dựng tác phong công nghiệp. Từ đó, các công đoàn cơ sở đã cụ thể hóa thành các việc làm như: “Mỗi đoàn viên một việc tốt”, “Tổ sản xuất an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”.
Ông Nguyễn Tiến Hậu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP May Huế chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên lồng ghép nội dung học và làm theo Bác vào các buổi sinh hoạt tổ. Hàng quý, công đoàn tổ chức biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt, thi đua lao động sản xuất giỏi. Cách làm này không chỉ thiết thực mà còn giúp công nhân nhận ra giá trị của việc sống đúng, sống đẹp”.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Huế khẳng định, học tập và làm theo Bác được chúng tôi xác định là hành trình không hồi kết. Để tạo sức lan tỏa trong công nhân lao động, LĐLĐ thành phố lồng ghép việc học và làm theo Bác vào phong trào “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”.
“Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, LĐLĐ thành phố xác định công nhân, người lao động là nhóm đối tượng đặc biệt cần lan tỏa. Chúng tôi không đặt mục tiêu cao xa, mà bắt đầu từ việc khơi dậy tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và ý thức tiết kiệm, tương thân tương ái trong từng đơn vị. Mỗi việc tốt, mỗi sáng kiến, mỗi hành động nhỏ đều được ghi nhận, biểu dương, tạo sức lan tỏa từ chính môi trường lao động”, bà Trần Thị Minh Nguyệt cho biết.
Bài, ảnh: TUẤN KHOA