Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhiều bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa đại học phân vân lựa chọn hai ngành "nóng" nhất trong lĩnh vực công nghệ, đó là Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính.
Lựa chọn ngành phù hợp
Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính là hai ngành học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng thuộc lĩnh vực công nghệ. Chính sự gần gũi này khiến không ít thí sinh băn khoăn khi đứng trước lựa chọn nên theo học Công nghệ thông tin hay Khoa học máy tính?
Nhiều bạn trẻ đang phân vân lựa chọn ngành học trong tương lai. (Ảnh minh họa)
PGS. TS Vũ Việt Vũ, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, trường Đại học CMC cho biết, cả ngành học Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính đều quan trọng và bổ trợ cho nhau.
Tuy nhiên, ngành Công nghệ thông sẽ tin tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề còn ngành Khoa học máy tính lại tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển và tối ưu hóa công nghệ.
Đồng thời, ngành Công nghệ thông tin chú trọng vào ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển hệ thống, mạng và cơ sở dữ liệu để giải quyết vấn đề thực tế. Trong khi chương trình ngành Khoa học máy tính lại tập trung phát triển năng lực nghiên cứu và tư duy thuật toán.
Nhìn chung, cả hai ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính đều giữ vai trò then chốt và có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau trong sự phát triển công nghệ hiện nay, tạo ra cơ hội việc làm rộng mở. Dù chọn ngành nào, điều quan trọng vẫn là sự nỗ lực học tập, thực hành liên tục và cập nhật công nghệ mới.
Trường nào đào tạo tốt nhất?
Đại học Bách khoa Hà Nội - năm nay dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức, bao gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường vẫn tiếp tục giữ nguyên 2 tổ hợp tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính: A00, A01. Đồng thời, bổ sung 1 tổ hợp mới K01, bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin.
Trường Đại học Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính theo 3 phương thức, bao gồm: xét kết quả kì thi tốt nghiệp THPT và học sinh đoạt giải quốc tế; xét kết quả học tập THPT; xét kết quả đánh giá tư duy.
Năm nay, nhà trường xét tuyển 2 ngành học này theo 4 tổ hợp môn A00; A01; D07; GT1. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm ngoái ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển là 25,41 điểm.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2024, bao gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp; xét kết quả thi Đánh giá năng lực và Đánh giá tư duy; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, ngành Khoa học máy tính của nhà trường được đào tạo theo chương trình định hướng Khoa học dữ liệu. Năm 2024, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin dao động từ 24,25 - 26,4 điểm và ngành Khoa học máy tính lấy 26,31 điểm.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - năm 2025 dự kiến nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm theo 2 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Ngoài ra, nhà trường cũng xét tuyển theo lịch chung của Bộ GD&ĐT với 3 phương thức: xét kết thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Hiện nay, mức học phí của nhà trường dao động từ hơn 26 - 55,2 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM dự kiến tuyển sinh theo 2 phương thức, bao gồm: xét tuyển thẳng và xét tuyển tổng hợp. Đối với ngành Khoa học máy tính, nhà trường xét tuyển bằng khối A00; A01; A0T.
Năm 2025, mức học phí thấp nhất của trường Đại học Bách khoa TP.HCM là 30 triệu đồng/năm, có nhiều chương trình 80 triệu/năm. Đặc biệt, chương trình chuyển tiếp quốc tế lên tới 900 triệu đồng/năm.
An Nhi (Tổng hợp)