Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. ảnh: Quang Vinh
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho hay, sau khi triển khai áp dụng Thông tư 29/2024 về quản lý dạy thêm, học thêm, Hà Nội đã thành lập hơn 100 đoàn triển khai giám sát việc thực hiện Thông tư. Ghi nhận thực tế cho thấy các trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm ở, các hộ đăng ký kinh doanh tăng nhiều. Đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm. Điều đáng nói là mức thu phí học thêm bên ngoài cao hơn rất nhiều so với trước đây, dù tự nguyện.
Theo ông Cương, điều khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có chế tài xử lý vi phạm liên quan dạy thêm, học thêm, áp lực thời gian và nguồn lực kiểm tra ở cấp xã rất khó khăn, số lượng người thực thi nhiệm vụ rất ít.
Tại sao tình trạng dạy thêm, học thêm không giảm bớt, mà chỉ chuyển từ khu vực trong nhà trường ra bên ngoài? Trở lại với mục đích của việc siết dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Bộ GDĐT khẳng định: Với Chương trình GDPT 2018, Bộ đã quy định cụ thể số tiết mỗi môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học, vừa sức với học sinh. Bộ cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục, từ đó thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy, nhằm đạt mục tiêu phát triển năng lực học sinh. Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng là đã đảm bảo học sinh đạt yêu cầu. Nếu vẫn có em chưa đạt, trường phải có trách nhiệm phụ đạo kiến thức nên không được thu tiền. Tương tự, việc dạy thêm cho nhóm thi học sinh giỏi hay ôn thi cuối cấp nằm trong kế hoạch của trường. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức.
Ông Nguyễn Xuân Thành - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (cũ) phân tích: Bộ hạn chế học thêm trong nhà trường để hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Chúng ta cần khắc phục tình trạng học sinh hàng ngày tới trường dày đặc lịch học, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, vận dụng kiến thức. Thay vào đó, sau giờ học, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc... Những người làm nghề, tâm huyết với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này cần thiết.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh đầu cấp vừa diễn ra tại Hà Nội, có một băn khoăn rất nhiều học sinh đưa ra, đó là: Không học thêm liệu có thể đỗ vào lớp 10 được không? Ngay cả các bậc phụ huynh cũng rất lo lắng rằng, sinh lớp 9 nếu chỉ học 1 buổi sáng thì khó có kết quả tốt trong kỳ vào lớp 10… Như vậy rõ ràng cho dù siết dạy thêm, học thêm thì áp lực thi cử vẫn đang đè nặng lên người học.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) nêu quan điểm, cần khai thông điểm nghẽn từ cải cách thi cử. Trước mắt, rà soát lại quy định đánh giá học sinh, thay đổi cấu trúc đề thi, bỏ câu hỏi khó, công bố công khai và cho học sinh làm bài thi thử... Tất cả những điều này để học sinh thấy rõ, không phải học thêm mà cần nắm vững bài học trên lớp là thi sẽ đạt yêu cầu mong muốn.
Còn GS.TSKH Đỗ Đức Thái -Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy”, không để xảy ra kiểu đánh giá giáo dục tiểu tiết, chi phối mục tiêu giáo dục, tức không để xảy ra việc “thi gì, học nấy”.
Vi Cầm