Các nhà máy này với các nhân công ngồi chăm chỉ may suốt ngày chỉ nhận vài ba đô la tiền gia công; đại đa số lợi nhuận chảy vào túi các công ty Mỹ, là chủ sở hữu các nhãn hàng.
Đây là cách các công ty Trung Quốc tác động lên tâm lý người tiêu dùng Mỹ để thấy thiệt hại từ gánh nặng thuế cao có rơi lên vai họ, nhưng chịu nặng nhất vẫn là các công ty Mỹ và người tiêu dùng Mỹ. Từ tâm lý này có thể tạo ra các làn sóng dư luận ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ Mỹ.
Tin tức chủ yếu tập trung vào các biện pháp trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc như Mỹ áp thuế 145% lên một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc và ngay sau đó Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125% lên nhiều mặt hàng nhập từ Mỹ. Hoặc biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm ra khỏi Trung Quốc, được dự báo sẽ gây khó khăn cho nhiều ngành sản xuất, từ xe hơi đến chất bán dẫn, thậm chí cả ngành hàng không.
Thế nhưng các biện pháp gián tiếp ít được chú ý hơn lại có tác động lâu dài hơn. Chẳng hạn vào năm 2018 xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chiếm 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này nhưng tỷ lệ này giảm còn 12,8% vào năm 2023. Mức giảm này có thể do thuế cao nhưng cũng có thể do Trung Quốc nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để khỏi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã tăng cường tiêu dùng nội địa lấy đó làm động lực tăng trưởng lâu dài bằng các biện pháp cụ thể như trợ giá, thu cũ đổi mới.
Khác với hàng tiêu dùng từ Trung Quốc nhập vào Mỹ chủ yếu là do các công ty Mỹ đi thuê gia công, hàng nông sản sản xuất từ Mỹ sang Trung Quốc là của nông dân Mỹ như gia cầm, đậu nành. Thuế cao đánh trực tiếp vào túi tiền của nông dân ở những tiểu bang từng ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong tranh cử. Hiện nay thị trường Trung Quốc chiếm đến một nửa lượng đậu nành Mỹ xuất khẩu. Trung Quốc đã hủy giấy phép nhập khẩu từng cấp cho ba công ty xuất khẩu đậu nành lớn của Mỹ. Trong đợt thương chiến đầu tiên vào năm 2018, Chính phủ Mỹ phải bỏ ra hơn 28 tỉ đô la để giải cứu nông dân chịu thiệt hại do Trung Quốc áp thuế trả đũa. Lần này mức thuế trả đũa cao gấp mấy lần nên số tiền giải cứu nếu có cũng sẽ lớn hơn nhiều.
Các mặt hàng công nghệ như điện thoại iPhone, xe hơi Tesla cũng vậy, thuế cao sẽ ăn mạnh vào lợi nhuận của Apple hay của Tesla. Chính vì áp lực này mà Mỹ tuyên bố tạm thời miễn thuế cho nhiều mặt hàng công nghệ, kể cả điện thoại thông minh hay laptop.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ thương mại bên ngoài Mỹ, như hồi tháng 3 đã tổ chức đối thoại về kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tiến tới xây dựng một hiệp định thương mại tự do ba bên. Ở khía cạnh này, Mỹ khó lòng xây dựng các mối quan hệ thương mại mới vì cách đối xử với các đối tác lâu năm như với Canada và Mexico. Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn bàn cách hợp tác thương mại với Trung Quốc chứ không phải với Mỹ. Hai bên có khả năng sẽ tổ chức hội nghị cấp cao ở Trung Quốc vào tháng 7 tới.
Trong tay Trung Quốc còn có những vũ khí khác như lượng dự trữ ngoại hối bằng trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu Trung Quốc bán số trái phiếu này ra, giá của chúng sẽ giảm, lợi suất sẽ tăng và gây sức ép buộc Mỹ phải tăng lãi suất nếu muốn tiếp tục vay nợ thế giới. Mỹ cũng cần thương thảo với Trung Quốc trong nhiều vấn đề khác ngoài thương mại như việc bán TikTok, hợp tác trong lĩnh vực AI, xuất khẩu dịch vụ…
Vẫn có một vấn đề gây lo ngại cho Trung Quốc - họ đang chiếm đến một phần ba sản xuất công nghiệp của toàn thế giới, tăng từ mức 6% vào năm 2000; thế nhưng họ chỉ chiếm 13% tiêu thụ của thế giới. Điều đó có nghĩa hàng hóa Trung Quốc, từ xe hơi đến robot, từ đồ chơi đến máy móc điện tử đang tràn ngập mọi thị trường trên thế giới, một nỗi lo cho sản xuất nội địa của nhiều nước.
Nếu thế giới nói không với hàng Trung Quốc, chiến lược giảm phụ thuộc vào Mỹ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Trung Quốc cũng phải học cách tiêu thụ hàng hóa của thế giới mới tạo ra một mối quan hệ thương mại công bằng và bền vững.
Nguyễn Vũ