Giáo sư, tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc).
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, giáo sư, tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc) đánh giá rất cao giá trị, ý nghĩa bài viết đầy thuyết phục về cả lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thông điệp thể hiện qua bài viết không chỉ là sự tiếp nối quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, mà còn là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu, nỗ lực, nói không với lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; tập trung mọi lực lượng, sức người, sức của để bứt phá ngoạn mục; đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Giáo sư, tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc)
Theo học giả Thành Hán Bình, thông điệp thể hiện qua bài viết không chỉ là sự tiếp nối quan điểm xuyên suốt Đảng Cộng sản Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, mà còn là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu, nỗ lực, nói không với lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; tập trung mọi lực lượng, sức người, sức của để bứt phá ngoạn mục; đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nhấn mạnh trong thế giới ngày nay, tham nhũng, lãng phí là một "vấn nạn mang tính toàn cầu", mỗi quốc gia đều đối mặt với tình trạng này trong các khu vực, ngành nghề, lĩnh vực; ông Thành Hán Bình nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, một mặt thể hiện lập trường nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vấn đề này; mặt khác, cho thấy ban lãnh đạo dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tô Lâm, sẽ kế thừa truyền thống tốt đẹp được Bác Hồ đề cao về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, Việt Nam ngày nay đang trên con đường trở thành "cường quốc tầm trung của thế giới" và tiến trình hiện thực hóa những mục tiêu phấn đấu, phát triển theo lộ trình với hai dấu mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và thành lập nước. Trong quá trình đó, việc phòng chống tham nhũng, lãng phí có ý nghĩa hết sức quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định đến việc có thực hiện được các mục tiêu này hay không.
Do vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra thông điệp và lời hiệu triệu qua bài viết, hết sức kịp thời và cần thiết, là sự nhắc nhở quan trọng với toàn Đảng, nhằm kêu gọi toàn thể đảng viên thực hành tiết kiệm, phản đối lãng phí, nói không với tham nhũng, lãng phí, tạo tiền đề để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra đến giữa thế kỷ này.
Là nhà nghiên cứu về Việt Nam và các vấn đề Đông Nam Á, giáo sư Thành Hán Bình cho rằng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, nhất là ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo với quan điểm cho rằng tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp của mọi người, những câu ca dao như "Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng" được người dân thuộc lòng và đề cao. Đến thời đại ngày nay, xã hội càng phát triển, trình độ văn minh càng cao, điều kiện vật chất càng dồi dào, thì chúng ta càng phải kiên trì truyền thống tốt đẹp từ xa xưa, thực hành tiết kiệm, kiên quyết phòng chống lãng phí. Đây không chỉ là tiêu chí của một xã hội văn minh, còn là nhu cầu của thời đại, là nội hàm cốt lõi của mô hình xã hội tiết kiệm.
Từ những phân tích trên, giáo sư, tiến sĩ Thành Hán Bình khẳng định, thông điệp của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, có tầm nhìn xa trông rộng, làm cho mọi người được khai sáng và giác ngộ, chắc chắn sẽ có tác dụng hiệu triệu và cảnh tỉnh hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân.
HỮU HƯNG Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc