Học giả Lăng Đức Quyền trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.
Là người có nhiều năm học tập, công tác tại Việt Nam, dành nhiều thời gian, tâm huyết quan tâm, nghiên cứu về Việt Nam, ông Lăng Đức Quyền đánh giá, Việt Nam đang tiến hành một cuộc sắp xếp, cải cách bộ máy hết sức mạnh mẽ, bao trùm rất nhiều lĩnh vực, nhằm đạt tới mục tiêu "tinh, gọn, mạnh".
Chuyên gia Lăng Đức Quyền nhấn mạnh, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh giản lần này là một "cuộc cách mạng", cho thấy sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, sự cấp thiết cũng như những khó khăn, thách thức khi tiến hành cải cách.
Việc sắp xếp, tinh giản lần này là một "cuộc cách mạng", cho thấy sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, sự cấp thiết cũng như những khó khăn, thách thức khi tiến hành cải cách.
Học giả Trung Quốc Lăng Đức Quyền
Theo vị học giả này, việc hoàn thành những mục tiêu đề ra của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy với những biện pháp hết sức quyết liệt, sẽ góp phần quan trọng vào hiện thực hóa những mục tiêu lớn, có tính chất tổng thể mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra.
Nói về cải cách bộ máy ở Trung Quốc, ông Lăng Đức Quyền cho biết, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt cải cách trong các giai đoạn khác nhau. Trong đó, Quyết định của Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX khẳng định, việc đi sâu cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước là một cuộc cách mạng sâu sắc nhằm thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng cũng như những định hướng cần kiên trì trong cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước ở Trung Quốc.
Học giả Lăng Đức Quyền trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.
Chuyên gia Lăng Đức Quyền khẳng định, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia là một công trình phức tạp, mang tính hệ thống, nhất thiết phải căn cứ vào yêu cầu của thời đại mới, quản trị hiệu quả đất nước và xã hội, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thực hiện tư tưởng phát triển lấy người dân làm trung tâm, kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Những điều này có liên quan mật thiết với việc sắp xếp bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cũng như tổ chức, thực hiện; do vậy, cần đi sâu cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước, để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra.
2024 là "một năm hết sức phi thường" của Việt Nam, với nhiều "việc lớn" đã làm rất thành công, như chuyển giao suôn sẻ thế hệ lãnh đạo cao nhất, bảo đảm ổn định chính trị, an toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế trên 7%.
Chia sẻ thêm về những thành tựu của Việt Nam trong năm 2024, chuyên gia Lăng Đức Quyền nhấn mạnh, đây là "một năm hết sức phi thường" của Việt Nam, với nhiều "việc lớn" đã làm rất thành công, như chuyển giao suôn sẻ thế hệ lãnh đạo cao nhất, bảo đảm ổn định chính trị, an toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế trên 7%. Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục kế thừa, phát huy mạnh mẽ, đưa đất nước vươn mình, hướng tới phát triển, phồn vinh, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Từ cuối năm ngoái đến nay, hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã có chuyến thăm lẫn nhau, đạt được hàng loạt nhận thức chung quan trọng nhằm dẫn dắt quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ở mức độ cao, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược tiếp tục bước lên tầm cao mới.
HỮU HƯNG - HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc