Học gốm giữa thời AI, khôi phục kết nối với chính mình

Học gốm giữa thời AI, khôi phục kết nối với chính mình
6 giờ trướcBài gốc
Học gốm giữa thời AI không chỉ là sự quay về với đất, với gốm, không còn là lựa chọn mang tính nghệ thuật, mà là một khát vọng nhân văn giữa một xã hội đang được “nâng cấp” bằng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, và những công thức toàn cầu hóa, con người hiện đại đang dần trở nên… giống nhau. Những ngôi nhà “copy-paste” giữa các khu đô thị, những giá trị sống nhanh, sống vội, và cả một lớp trẻ trưởng thành giữa Instagram hơn là những mùa gieo trồng. Đó là sự khôi phục kết nối với chính mình.
Đất – Nơi khởi đầu của ký ức và sự sống
Đất, chất liệu tưởng như tầm thường, lại là thứ đầu tiên làm nên văn minh nhân loại. Trong văn hóa Việt, đất là mẹ, là nơi ta trồng cây, xây nhà, và an nghỉ. Gốm, vì thế, không chỉ là sản phẩm của nghệ thuật, mà là hình ảnh thu nhỏ của vòng đời con người: từ đất mà đến, rồi trở về với đất.
Việc đưa gốm vào học đường, nhất là trong môi trường giáo dục công lập, chính là cách để thế hệ trẻ có cơ hội chạm vào bản sắc bằng cả tay và tâm thức. Trong một nền giáo dục vẫn đang loay hoay giữa “kỹ năng mềm”, “giáo dục số”, “chuẩn quốc tế”, thì việc để học sinh sinh viên được tiếp xúc với làng nghề, với đất sét, với lửa nung là một cú ngoặt đẹp đẽ, khi giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn là dạy cách trở thành người Việt Nam.
Từ workshop gốm đến workshop về căn tính
Em Nguyễn Thúy Anh, sinh viên năm hai, chia sẻ một câu nói gây ám ảnh: “Gốm không dạy em tạo hình, mà dạy em giữ hình. Hình hài của văn hóa, của quê hương.” Câu nói đó mở ra một chiều sâu tư tưởng mới cho giáo dục: có thể, trong thời đại người ta sống nhiều với hình ảnh nhưng lại không còn hình dung ra chính mình, thì việc “giữ hình”, tức là giữ lại hồn cốt văn hóa, mới là sứ mệnh lâu dài nhất của giáo dục.
Từ giáo dục đến công nghiệp văn hóa, gốm bước vào thời đại mới
Đưa gốm vào học đường không dừng lại ở việc giữ nghề, mà còn là sáng tạo tương lai. Tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, sinh viên được khuyến khích phát triển các dự án khởi nghiệp văn hóa với gốm: làm quà tặng, đồ trang trí, sản phẩm du lịch... Một số nhóm sinh viên đã hợp tác với làng gốm Biên Hòa để tạo ra những sản phẩm mới, hiện đại trong kiểu dáng, nhưng vẫn mang hồn cốt truyền thống.
Nền giáo dục nhân văn: Dạy kỹ năng là chưa đủ, phải dạy tình yêu văn hóa
Ở thời điểm mà học sinh có thể viết code, dựng 3D, tạo nhân vật AI, nhưng không biết gốm Biên Hòa ở đâu, thì ta phải đặt lại câu hỏi: chúng ta đang đào tạo ai? Một người có nghề, hay một người có linh hồn?
Việc dạy gốm trong trường học không chỉ là hướng đi sáng tạo, mà là lời phản biện nhẹ nhàng với một nền giáo dục quá chú trọng vào “kỹ năng hội nhập” mà quên mất “căn tính định danh”. Khi bàn tay học trò chạm vào đất sét, họ không chỉ nặn thành bình, thành chậu – mà đang nặn lại một khái niệm đang bị méo mó: “người Việt Nam là ai trong thế giới này?”.
Gốm, di sản mềm, sức mạnh cứng
Có lẽ một ngày không xa, gốm sẽ trở thành môn học phổ thông như một cách tiếp cận giáo dục bản sắc. Không cần phải rao giảng về lòng yêu nước, chỉ cần để các em tự tay nhào nặn một bình gốm, hiểu quy trình nung lửa, hiểu vì sao hoa văn cổ lại có hình sóng nước hay cánh sen, đó đã là bài học về văn hóa thấm đẫm hơn mọi lý thuyết.
Gốm là một cuộc trở về, trở về với đất, với mình, và với nhau
Trong thế giới đang ngày càng lạnh lẽo và rối loạn bởi thông tin, có lẽ điều ta cần không phải thêm một phần mềm, mà là một “phần hồn”. Gốm có thể là một “phần hồn” như thế đủ mềm để lắng nghe, đủ cứng để chống đỡ, và đủ sâu để nuôi dưỡng những tâm hồn chưa kịp biết mình đến từ đâu.
PV/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/van-hoa/hoc-gom-giua-thoi-ai-khoi-phuc-ket-noi-voi-chinh-minh-post1199546.vov