Học Kinh tế tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu

Học Kinh tế tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu
5 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và việc khai thác tài nguyên đặt ra nhiều thách thức, ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Có thể thấy rằng, ngành học này đang dần khẳng định vị thế là một trong những ngành học có ý nghĩa thiết thực và cấp thiết nhất hiện nay.
Được biết, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đang là đơn vị đầu ngành ở khu vực phía Nam đào tạo ngành học này.
Được doanh nghiệp đánh giá cao về kỹ năng thực hành, tư duy liên ngành
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Bắc Hải - Giảng viên Bộ môn Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên là ngành học trang bị cho sinh viên kiến thức kinh tế kết hợp với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, giúp xây dựng các chính sách kinh tế bền vững như định giá tài nguyên, đánh giá tổn hại môi trường, và quản lý rủi ro khí hậu. Đây là lĩnh vực thiết yếu để giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Từ nhu cầu cấp thiết của xã hội và nội dung đào tạo gắn liền thực tiễn và định hướng liên ngành, ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng, đào tạo và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Theo đó, các em có thể làm việc tại những cơ cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như sở ban ngành địa phương. Hơn nữa, người học còn có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ (NGOs), tổ chức quốc tế và cả công ty tư nhân liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Một số vị trí công việc điển hình của người học sau khi tốt nghiệp có thể kể đến như cán bộ quản lý tài nguyên thiên nhiên, chuyên viên phân tích tài chính môi trường, chuyên viên nghiên cứu chính sách môi trường, phát triển dự án môi trường hoặc tư vấn quản lý rủi ro môi trường, ….
Ngoài ra, các em còn có thể khởi nghiệp trong những dự án xanh như năng lượng tái tạo hoặc quản lý tài nguyên bền vững.
Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.
Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đối với ngành học Kinh tế tài nguyên thiên nhiên của nhà trường hàng năm là tương đối cao, trung bình đạt trên 90%.
Đặc biệt, hầu hết các em đều được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao nhờ nền tảng chuyên môn vững chắc và khả năng thích nghi tốt với yêu cầu công việc thực tế. Qua trao đổi, phía tổ chức và doanh nghiệp tuyển dụng đã ghi nhận sinh viên ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh về kỹ năng thực hành, tư duy liên ngành và tinh thần hợp tác nhóm, nhất là nhờ vào các chương trình đào tạo kết hợp thực tế và các dự án hợp tác quốc tế.
Với những thuận lợi đó, mức thu nhập khởi điểm của sinh viên Kinh tế tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trung bình dao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và vị trí công việc. Sau 2–3 năm kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, đạt 7–10 triệu đồng/tháng. Khi 4–5 năm kinh nghiệm có thể đạt mức trên 13 triệu đồng/tháng.
Cơ hội thực tập, thực tế, phát triển khả năng nghề nghiệp cao
Về công tác tuyển sinh, thầy Hải cho hay, ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng thí sinh đăng ký vào ngành học có xu hướng tăng dần, phản ánh sức hút của ngành học này.
Nói về lý khiến ngày càng nhiều người học lựa chọn ngành này, theo thầy Hải, nhà trường đã áp dụng nhiều phương thức xét tuyển như xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học bạ, và xét tuyển thẳng.
Bên cạnh đó, nhiều em lựa chọn theo học ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên không chỉ vì nhu cầu nhân lực lớn, mà còn bởi ý nghĩa xã hội sâu sắc của ngành trong việc giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững.
Hơn nữa, sinh viên nhà trường thường dễ dàng tiếp cận các cơ hội thực tập, tham quan thực tế cũng như nâng cao khả năng nghề nghiệp nhằm phục vụ yêu cầu sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ngoài ra, nhà trường còn có nhiều chương trình học bổng, trao đổi sinh viên quốc tế như MARE và SEAASIA, … Điều này đã tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội mở rộng kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm học tập và mạng lưới quan hệ quốc tế.
Đặc biệt, với phương châm "học đi đôi với hành", nhà trường luôn gắn thực tiễn vào công tác đào tạo bao gồm tham quan thực tế và phát triển kỹ năng mềm, thu hút các em muốn áp dụng kiến thức vào thực tế.
Cũng theo thầy Hải, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh còn có nhiều thế mạnh về giảng viên và cơ sở vật chất để thúc đẩy ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, Nhà trường nổi bật với đội ngũ giảng viên chất lượng cao, với hơn 10% là giáo sư, phó giáo sư cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Phần lớn giảng viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học uy tín trong và ngoài nước, đảm bảo chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường được đầu tư hiện đại với 7 phòng thí nghiệm, 7 phòng thực hành, 4 trạm thực nghiệm cùng vườn thí nghiệm chuyên ngành như Vườn Quan sát Khí tượng và Phòng Mô phỏng Dự báo Thời tiết, Phòng thí nghiệm Môi trường của nhà trường (đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005). Trường còn có hệ thống hơn 200 máy thực hành, thư viện với khoảng 10.000 đầu sách, tạp chí và tài liệu điện tử.
Hơn nữa, khuôn viên chính tại địa chỉ 236B Lê Văn Sỹ, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang được mở rộng với dự án cơ sở mới tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025. Cơ sở mới này dự kiến có thể phục vụ hơn 10.000 sinh viên học tập và nghiên cứu.
Đáng chú ý, so với các trường đại học khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường có lợi thế do là cơ sở giáo dục đại học công lập duy nhất ở khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Nhờ vậy, các cơ sở vật chất chuyên ngành, chương trình đào tạo được đảm bảo hiện đại, liên ngành và xuyên ngành.
Để ngành học phát triển hơn, thầy Hải cũng như đội ngũ giảng viên của ngành, Khoa bày tỏ mong muốn được tăng cường thêm nguồn kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, mở rộng hợp tác quốc tế. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời hy vọng có thêm các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để giáo dục và nghiên cứu phát triển bền vững được chú trọng hơn nữa.
Thầy Hải cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bạn thí sinh đang mong muốn học ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên.
Trước hết, các em cần là người có đam mê với những vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Đây cũng là động lực lớn nhất để theo đuổi ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, trong quá trình học cần chủ động học hỏi và áp dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt qua các dự án thực tập hoặc nghiên cứu. Đồng thời, tận dụng cơ hội học bổng và trao đổi quốc tế để mở rộng tầm nhìn và kỹ năng.
Về cảm nhận của sinh viên, qua khảo sát, Khoa cũng như nhà trường thấy rằng, sinh viên của ngành thường cảm thấy hài lòng với môi trường học tập năng động, các phòng thí nghiệm hiện đại cùng nhiều cơ hội thực tập, thực tế sát; đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, giúp các em tiếp cận kiến thức chuyên môn sâu rộng. Qua đó, giúp sinh viên có cơ hội đóng góp vào phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu mà chương trình mang lại.
Theo chia sẻ từ em Nguyễn Nhật Trường, hiện đang là sinh viên năm 3 khóa 11 ngành Kinh tế tài nguyên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, đây là ngành học này rất ý nghĩa, bởi nó giúp em hiểu cách quản lý tài nguyên hiệu quả. Không những vậy, thầy cô giảng viên cũng nhiệt tình; cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là phòng thư viện đã tạo điều kiện học tập rất thuận lợi cho sinh viên của ngành.
Còn theo em Ngô Long, sinh viên năm 2 khóa 12 ngành Kinh tế tài nguyên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh: “Em rất hài lòng về môi trường đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy của thầy cô nhà trường. Chính vì vậy, dù nhà xa nhưng em luôn cố gắng đi học đầy đủ vì mỗi khi đến lớp lại được gặp gỡ trao đổi với thầy cô, bạn bè cùng lớp để phát triển tư duy cần thiết cho tương lai sau này”.
Tường San
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hoc-kinh-te-tai-nguyen-thien-nhien-de-bao-ve-moi-truong-truoc-bien-doi-khi-hau-post251348.gd