Học Lịch sử không phải 'nỗi sợ' khi thầy cô là người kể chuyện truyền cảm hứng

Học Lịch sử không phải 'nỗi sợ' khi thầy cô là người kể chuyện truyền cảm hứng
15 giờ trướcBài gốc
Lịch sử không chỉ là những mốc thời gian khô khan hay những sự kiện lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa. Lịch sử là câu chuyện về một dân tộc, là ký ức hào hùng được gìn giữ và truyền lại qua từng thế hệ. Trong hành trình ấy, những người thầy, người cô dạy Lịch sử chính là những “người kể chuyện” đầy tâm huyết, luôn tìm tòi, sáng tạo để đưa học sinh bước vào thế giới lịch sử một cách sống động và gần gũi.
Nhập vai nhân vật để xua tan nỗi sợ học Lịch sử
Cô Trần Thị Thoan – giáo viên môn Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Chuyên Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) nhiều năm vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhờ thành tích giảng dạy.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thoan cho biết, để học tốt Lịch sử, yếu tố đầu tiên là phải thay đổi thái độ tiếp cận. “Học Lịch sử không phải chỉ để thi. Học Lịch sử là để hiểu những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, biết được vì sao ngày hôm nay chúng ta lại sống trong một xã hội như bây giờ, từ đó có thể vận dụng những bài học lịch sử vào cuộc sống hiện tại.
Không ít em xem Lịch sử như một môn học thuộc lòng đơn thuần. Các em thường có suy nghĩ: chỉ cần ghi nhớ càng nhiều sự kiện, ngày tháng càng tốt, miễn sao trả lời đúng trong bài kiểm tra. Chính cách học này khiến môn Sử trở nên khô khan, nhàm chán, và học sinh dễ bị lẫn lộn giữa các sự kiện” - cô Thoan cho biết.
Khi học sinh mở lòng, học với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái, việc ghi nhớ và hiểu bài sẽ trở nên tự nhiên hơn, không còn là áp lực. Cô Thoan cùng các giáo viên trong tổ bộ môn Lịch sử cũng luôn tìm kiếm và áp dụng những phương pháp giảng dạy sáng tạo, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả.
“Khi học bất kỳ nội dung nào, tôi luôn khuyến khích học sinh sơ đồ hóa kiến thức. Từ việc lập sơ đồ tư duy, các em sẽ có cái nhìn tổng quan về các mốc sự kiện, nhân vật, bối cảnh lịch sử một cách hệ thống, dễ nhớ và dễ liên kết” - cô Thoan chia sẻ.
Bên cạnh đó, học sinh còn được khuyến khích tìm hiểu tài liệu ngoài sách giáo khoa như tranh ảnh, phim tài liệu, hoạt hình lịch sử hoặc các video tư liệu trên Internet để mở rộng kiến thức, làm giàu thêm vốn hiểu biết.
Cô Trần Thị Thoan (áo trắng) cùng học sinh trong tiết thực hành môn Lịch sử. Ảnh: NVCC.
Một điểm đặc biệt trong lớp học của cô Thoan là sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Với mỗi chuyên đề, học sinh không chỉ học bài trên sách mà còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động mô phỏng như: đóng kịch, tranh biện, thuyết trình, vẽ tranh lịch sử, biểu diễn trang phục truyền thống, hay thiết kế sơ đồ diễn biến các sự kiện lịch sử.
“Ví dụ, khi học về lịch sử các nước Đông Nam Á, chúng tôi tổ chức các buổi thi nhận diện quốc kỳ, trang phục truyền thống của từng quốc gia, hoặc cho học sinh nhập vai vào các nhân vật lịch sử, tái hiện lại sự kiện. Những hoạt động như vậy khiến các em rất hào hứng, nhớ bài lâu hơn, hiểu bài sâu hơn” - cô kể.
Không chỉ đổi mới phương pháp dạy, hình thức kiểm tra đánh giá của môn Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Cao Bằng cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Nếu trước kia, học sinh rất sợ khi bị gọi lên bảng trả bài, thì bây giờ các em có thể được đánh giá thông qua những bài luận, tranh biện, dự án nhóm hoặc thậm chí bằng những bức tranh minh họa cho bài học.
Theo cô, cách đánh giá này không chỉ giúp học sinh bớt áp lực mà còn khuyến khích các em chủ động tìm hiểu sâu, sáng tạo trong cách trình bày, đồng thời rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện - một kỹ năng rất cần thiết trong học tập và cuộc sống.
Không khí lớp học cũng là yếu tố quan trọng giúp Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Với cô Thoan, mỗi tiết học là một cơ hội để khơi gợi trí tò mò và khơi dậy niềm yêu thích môn học trong học sinh.
“Tôi thường bắt đầu tiết học bằng một câu chuyện thú vị, một hình ảnh gợi mở, một đoạn thơ, một câu hỏi bất ngờ hay thậm chí là một trò chơi nhỏ có liên quan đến bài học. Nhờ đó, không khí lớp học trở nên sôi động, học sinh hứng thú hơn khi tiếp cận bài mới" – cô chia sẻ.
Lịch sử, xét cho cùng, không chỉ là tập hợp của những con số, sự kiện, hay các mốc thời gian khô khan. Đó là câu chuyện của con người, của một dân tộc, của những giá trị sống còn tồn tại mãi với thời gian.
Với những đổi mới trong tư duy và phương pháp giảng dạy, những giáo viên tâm huyết như cô Trần Thị Thoan đang từng ngày biến Lịch sử trở thành một hành trình khám phá thú vị, một bài học về cuộc sống, về tình yêu quê hương, dân tộc chứ không chỉ là một môn học “học thuộc lòng” đơn thuần.
“Lịch sử không phải để học thuộc, mà là để thấu hiểu, suy ngẫm và trân trọng. Khi đã yêu môn học này, các em sẽ không bao giờ còn cảm thấy áp lực hay sợ hãi nữa” - cô Thoan cho hay.
Mời cả nghệ sĩ, nghệ nhân về biểu diễn cho học trò
Với niềm đam mê và tâm huyết dành cho nghề giáo, thầy giáo trẻ Phùng Chí Tân – giáo viên Trường Trung học cơ sở Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố phân môn Lịch sử (Môn Lịch sử và Địa lí) năm học 2023-2024.
Thầy Tân luôn không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng bài học và khơi dậy niềm yêu thích Lịch sử trong học sinh. Theo thầy, thành công lớn nhất của một giáo viên dạy Lịch sử không chỉ nằm ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn là khả năng khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi học trò.
Trong quá trình giảng dạy, thầy Tân đã linh hoạt lồng ghép những nội dung Lịch sử địa phương vào từng tiết học, giúp học sinh hiểu rõ hơn về vùng đất mình đang sống và học tập.
Trong năm học vừa qua, thầy đã tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại Đình Hậu Ái, Chùa Kim Hoàng và làng tranh Đỏ. Tại đây, các em được giao lưu với nghệ nhân tranh đỏ Đào Đình Chung, Hoa hậu Ngọc Hân để hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống; gặp gỡ cụ Lê Danh Ngân để tìm hiểu về đình làng Hậu Ái và nhân vật lịch sử Đỗ Kính Tu.
Không chỉ vậy, thầy Tân còn khéo léo lồng ghép các trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, nhảy dây... vào các giờ học và hoạt động trải nghiệm, giúp học sinh vừa học vừa chơi, tăng sự gắn kết và hiểu sâu hơn về văn hóa dân gian. Thầy cũng tổ chức những buổi học ngoại khóa tại Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Quân sự Việt Nam, kết hợp với nội dung bài học một cách hợp lý, từ đó giúp học sinh ghi nhớ kiến thức hiệu quả.
Học sinh được tự mình nghiên cứu, thu thập thông tin và sáng tạo các sản phẩm với hình thức đa dạng như video, tập san, mô hình... Bên cạnh đó, các em còn được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm nhằm khẳng định sự hiểu biết của bản thân.
Không chỉ dừng lại ở lớp học, thầy Tân còn xây dựng những kịch bản sân khấu hóa, lồng ghép yếu tố kịch, hát, rap vào tiết học, giúp lịch sử trở nên gần gũi, sống động và dễ tiếp thu hơn. Thầy trực tiếp liên hệ với các nghệ sĩ nổi tiếng như Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, nghệ sĩ Danh Thái để ghi hình những video giới thiệu về các loại hình nghệ thuật sân khấu, lồng ghép vào bài giảng nhằm mang lại bất ngờ và hứng thú cho học sinh.
Ngoài ra, thầy Tân còn sáng lập các câu lạc bộ như Em yêu Lịch sử và Em yêu Dân ca để học sinh có thêm không gian phát huy niềm đam mê, giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống.
Thầy Phùng Chí Tân cùng học sinh trong một buổi học chuyên đề môn Lịch sử. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ về động lực thực hiện những sáng kiến này, thầy Tân cho biết: “Là một giáo viên trẻ, tôi hiểu học sinh của mình cũng là những người trẻ, có đam mê lịch sử nhưng đôi khi chưa có phương pháp tiếp cận hợp lý, dẫn đến tâm lý e ngại khi học môn này. Vì vậy, tôi muốn thay đổi cách dạy và cách học, giúp học sinh tiếp cận lịch sử một cách gần gũi, sinh động, từ đó nuôi dưỡng tình yêu lịch sử, tình yêu đất nước trong các em”.
Thầy Tân tiết lộ thêm, học sinh Trường Trung học cơ sở Vân Canh đã có nhiều hoạt động sáng tạo và ý nghĩa nhằm lan tỏa tình yêu Lịch sử và văn hóa địa phương tới cộng đồng. Các em đã khéo léo đưa những câu chuyện lịch sử, tác phẩm văn học giàu giá trị vào thiết kế video giới thiệu sách trong dự án “Trang sách ước mơ hồng”, mang đến những câu chuyện hấp dẫn, sinh động và giàu cảm xúc.
Dự án của học sinh Trường Trung học cơ sở Vân Canh được trưng bày tại triển lãm giáo dục Showcase EduLightenUp 2025. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, học sinh tự tay thiết kế các trang Facebook giới thiệu về các danh nhân văn hóa địa phương, góp phần quảng bá những giá trị truyền thống đến bạn bè và cộng đồng. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường cũng tổ chức sân chơi “Rung Chuông Vàng” với những câu hỏi Lịch sử thú vị, giúp học sinh ôn luyện kiến thức một cách sôi động và hào hứng.
Các em còn sáng tạo ra nhiều mô hình, khẩu hiệu, logo chào mừng các ngày lễ lớn, qua đó rèn luyện tinh thần gắn bó và niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, học sinh đã thiết kế những sản phẩm như bao lì xì, móc khóa, túi vải in hình tranh Đỏ để gây quỹ ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong chuỗi hoạt động là việc các em tích cực tham gia vào dự án “Đọc sách ngày xuân”, giới thiệu về những nét đẹp văn hóa địa phương tới thầy cô và bạn bè quốc tế đến từ Ý, Myanmar, Indonesia... Thông qua các lớp học trực tuyến, học sinh cũng đã có dịp kết nối, chia sẻ về các di sản văn hóa với học sinh của 6 trường học khác tại Hà Nội, Nghệ An, Hòa Bình...
Sử dụng công nghệ giúp bài học thêm sinh động
Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Vũ Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào năm 2023. Cô Hằng cho rằng, để có một tiết học lịch sử hứng thú, bản thân giáo viên phải thực sự là người truyền lửa, tạo động lực và khơi gợi đam mê, sáng tạo, trao truyền tình yêu bộ môn Lịch sử đến với học sinh.
Điều này thể hiện rõ ở tâm huyết của giáo viên trong từng khâu của bài dạy, từ công tác chuẩn bị đến tổ chức thực hiện trên lớp. Trước hết, giáo viên cần xác định rõ mục tiêu cần đạt và nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý của học sinh để lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Đây là yếu tố then chốt quyết định chất lượng một giờ học. Khi phương pháp và hình thức tổ chức phù hợp với yêu cầu bài học cũng như đặc điểm năng lực, tâm lý học sinh, tiết học sẽ trở nên hấp dẫn, khơi gợi được hứng thú và mang lại hiệu quả cao.
Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Vũ Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.
“Trong quá trình lựa chọn phương pháp giảng dạy, tôi luôn ưu tiên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, đồng thời tạo cơ hội để các em phát triển năng lực và hứng thú học tập. Những phương pháp như dạy học dự án, lớp học đảo ngược, sơ đồ tư duy, thiết kế mô hình, dạy học di sản, phòng tranh, trò chơi học tập, kể chuyện lịch sử hay dạy học nêu vấn đề thường xuyên được tôi áp dụng linh hoạt trong từng bài giảng.
Việc thiết kế bài dạy cũng đóng vai trò quan trọng giúp tiết học lịch sử trở nên sinh động và cuốn hút hơn. Tôi luôn tận dụng các công cụ và phần mềm hỗ trợ để xây dựng bài giảng như: PowerPoint, AI, Canva để thiết kế video, hình ảnh minh họa; đồng thời ứng dụng các phần mềm tạo câu hỏi và giao bài tập, tổ chức trò chơi trực tuyến như Google Forms, Quizlet, Kahoot, Azota, Plickers...” – cô Hằng chia sẻ
Mỗi tiết học, cô Hằng đều tạo điều kiện để học sinh được tham gia vào các hoạt động học tập một cách chủ động như thảo luận nhóm, đặt câu hỏi, chia sẻ ý kiến, phản biện, trình bày quan điểm cá nhân và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Với các tiết thực hành, cô thường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh như các cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi” hoặc yêu cầu thiết kế mô hình lịch sử.
Nhà giáo ưu tú cũng bày tỏ, ngoài những giờ dạy lịch sử trên lớp, nhóm bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Vũ Quang đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, bồi đắp niềm tự hào dân tộc như: Hồn xưa đất Việt; Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Tôi yêu Tổ quốc tôi; Ánh sao đầu súng; Âm vang Vũ Quang, Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ, Giữ gìn bản sắc văn hóa Hà Tĩnh…
Sau mỗi chủ đề lớn, các em thường thực hiện những dự án ngoại khóa viết kịch bản, quay phim và dựng các video ngắn hoặc phim tài liệu mini về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử hoặc các di tích lịch sử của địa phương và đất nước. Thiết kế các infographic trực quan, dễ hiểu hoặc vẽ tranh minh họa các sự kiện, nhân vật lịch sử để chia sẻ trên mạng xã hội và trưng bày tại trường. Những hoạt động này khơi dậy niềm đam mê, sức sáng tạo của học sinh từ đó gieo niềm yêu với bộ môn Lịch sử.
Các hoạt động thú vị của học sinh Trường Trung học phổ thông Vũ Quang. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra học sinh còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ, các di sản văn hóa, lịch sử; tham gia chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn… thông qua các hoạt động này vừa giáo dục truyền thống, lòng tự hào vừa giáo dục tinh thần, ý thức trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng.
“Nhà sử học Lê Mạnh Thát từng khẳng định: “Lịch sử là cuộc đời của dân tộc, là lời dạy bảo cho mỗi thế hệ.” Chính vì vậy, việc hiểu và học lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với giới trẻ, giúp các em hình thành tinh thần trách nhiệm, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và định hướng một tương lai tươi sáng. Thấm nhuần ý nghĩa đó, với vai trò là một giáo viên Lịch sử, tôi luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới và sáng tạo trong từng bài giảng, nhằm khơi dậy niềm yêu thích và đam mê môn học này cho học sinh” – cô Hằng bày tỏ.
Trần Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hoc-lich-su-khong-phai-noi-so-khi-thay-co-la-nguoi-ke-chuyen-truyen-cam-hung-post250693.gd