Học người xưa tiết kiệm

Học người xưa tiết kiệm
2 giờ trướcBài gốc
Sử sách ghi lại, khi Vua Lê Hoàn cho xây điện “lợp ngói bạc”, sứ giả nhà Tống là Lý Nhược Chuyết và Lý Giám sang sách phong cho vua chức An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, sử nước ta viết: "Vua hằng ngày đem những thứ châu báu kỳ dị bày chật cả sân để khoe là giàu có". Tuy nhiên, Vua Lê Hoàn lại biết cách dùng mẹo “bắt được hũ vàng, hũ bạc” khi cày ruộng tịch điền, để khuyến khích nông dân nghề làm ruộng. Đó cũng là một chính sách để kích thích nền kinh tế rất đáng lưu tâm.
Vua Tự Đức học được tính tiết kiệm từ mẹ và luôn răn dạy hoàng tộc về điều này.
Thời Trần, thượng hoàng Trần Minh Tông từng răn con, khuyên đừng lấy sự bủn xỉn làm giàu. Nhưng, đến thời Trần Dụ Tông thì nhà vua làm nhiều chuyện đáng xấu hổ như công nhiên gọi các nhà giàu ở Đình Bảng, Nga Đình vào gá bạc để vét tiền, sai nô tì trồng rau, làm quạt bán để kiếm lợi, khiến sử thần Ngô Thì Sĩ phải phê rằng: “Sau này cơ đồ về tay con người phường trò họ Dương (tức Dương Nhật Lễ) thì số tiền Đình Bảng, Nga Đình thua bạc và món lời vườn rau, quạt giấy bán đắt kia phỏng có làm gì!”.
Việc tiết kiệm hiệu quả nhất mà các triều đại phong kiến nước ta áp dụng chính là tiết kiệm sức người, trong đó, chính sách “ngụ binh ư nông” là một cách tiết kiệm hiệu quả. Chính sách này được áp dụng từ thời Đinh, tiền Lê, trải qua các thời Lý, Trần, hậu Lê đều phát huy hiệu quả. Khi đất nước không có chiến tranh, một phần binh lính được cho về quê làm ruộng, hết hạn lại đổi phiên cho bộ phận quân đội túc trực.
Có thể thấy rõ cách thực hiện chính sách này qua chỉ dụ của Vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 6 (1465), rằng: "Vào tháng 5, tháng 6, đương mùa làm ruộng, những quân nhân ứng dịch ở thường ban thì cho ở lại túc trực và làm các việc giữ cửa, coi nhà, canh điếm, lợp nhà, cắt cỏ, nuôi voi, còn các sắc quân ở các sảnh, viện và những thợ ở cục Bách tác thì giữ lại một nửa làm việc, còn thì cho về làm ruộng". Việc này được thực hiện theo lời tâu của Thái bộc tự thiếu khanh hành Thượng bảo tự thiếu khanh Lê Đình Tuấn.
Vua Lê Thánh Tông cũng ban hành những quyết sách để tiết kiệm công sức, tiền bạc cho dân, như vào mùa hè năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua ra lệnh ngừng việc xây cung thành, vì theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lúc đó “có nhiều tờ tâu gửi lên, nói là mất mùa, giá gạo cao vọt, cho nên vua sai hoãn lại”. Hoặc, thời Vua Lê Hiến Tông, vào năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), sử viết: “Vua ban lệnh nói rõ việc cấm chỉ cỗ bàn xa xỉ”.
Chính sử triều Nguyễn mô tả Vua Gia Long là người rất tiết kiệm. Bộ sử “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chép việc năm Gia Long thứ 5 (1806), nhà vua từng lấy ngọc liệu để trang sức mũ, xà cừ để trang sức đai, thị thần xin lấy châu ngọc để thay, nhưng nhà vua nói: “Thiên tử là quý, châu ngọc có quý gì” và không nghe theo lời bàn này.
Vua Minh Mạng thể hiện chính sách tiết kiệm có phần... cực đoan hơn cả vua cha. Khi Vua Gia Long qua đời và Vua Minh Mạng vừa lên nối ngôi, năm 1821, chuẩn bị thực hiện chuyến Bắc tuần, nhà vua đã sai sửa soạn các dịch trạm từ Phú Xuân ra Bắc, cùng các hành cung dọc đường. Nhà vua dụ rằng: “Đặt hành cung để phòng lúc dừng chân nên làm bằng gỗ tạp và cỏ tranh, cần tiết kiệm, không chuộng mỹ quan, đến như cầu cống, đường sá có chỗ nào vỡ lở hư nát thì sửa lại, cũng bất tất phải làm cao rộng”.
Khi Vua Minh Mạng sai Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất về Bắc trước thu xếp việc thành, Lê Chất tâu rằng hành cung ở Bắc Thành xin cho dùng sơn đỏ. Vua Minh Mạng nói rằng: “Nơi tôn miếu làm đẹp thì nên, còn nơi vua ở thì nên mộc mạc để tỏ đức tiết kiệm, dùng văn vẻ làm gì!”.
Vua Minh Mạng cũng luôn nhắc nhở người nhà, các thành viên hoàng tộc giữ đức tính tiết kiệm. Khi ban cho em là Kiến An công là Đài 1.000 phương gạo, Thiệu Hóa công là Chẩn 500 phương gạo để ăn tiêu, nhà vua cũng dạy rằng: “Bớt sự tiêu phiếm, đức tính tiết kiệm là rất tốt, phải nên nghĩ đấy”.
Năm Minh Mạng thứ 7 (1847), khi đến xem chỗ thợ làm điện Thái Hòa, Vua Minh Mạng đã dụ bảo nội các rằng: Chỗ chính giữa cửa Đại Cung có khắc bài thơ trong có câu: “Nhất nhân thụ mệnh trị thiên hạ, thiên hạ nguyên phi phụng nhất nhân” (nghĩa là: Một người chịu mệnh trời để cai trị thiên hạ, nhưng không phải đem cả thiên hạ để cung phụng một người). Tứ thơ rất tinh vi và đẹp đẽ, ý nói vua nhận lĩnh mệnh trời để cai trị thiên hạ, nên lo lắng chăm nom mọi việc, khiến cho vạn vật đều được yên chỗ, chứ đâu phải chỉ lấy mọi sự đóng góp của thiên hạ để cung phụng riêng một người. Nay, xây dựng một phen, cũng vì chỗ vua ở là nơi tai mắt người ta trông vào, nên bất đắc dĩ phải làm, chứ chẳng phải có ý xa xỉ tự phụng.
Nhà vua cũng dẫn lại những tấm gương tiết kiệm từ thời xưa và có những câu bình luận rất xác đáng: “Ngày xưa, có vua ở nhà tranh, thềm đất, thực là có đức tính tiết kiệm; song ở thời xưa thì nên, chứ đời nay thì không được. Còn thời cận đại có vua thường mặc áo giặt lại (Ngụy Hiếu Văn đế tính tiết kiệm, thường mặc áo đã giặt lại) có quan khanh đại phu cưỡi xe trâu (Thường Cảnh nước Tề tuy làm quan to nhưng thanh bạch, vẫn đi xe trâu chứ không đi xe ngựa), đều là tiết kiệm nhỏ mọn mà thôi, chứ có ích gì đến việc dân sinh quốc kế? Lại như Vua Đạo Quang nhà Thanh xe loan không sơn son thếp vàng, mà bọc bằng vải, thay đổi luôn luôn, rất là phiền phí, ta rất không lấy làm phải”.
Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), triều Nguyễn tổ chức lễ tứ tuần đại khánh (sinh nhật 40 tuổi) của nhà vua rất long trọng, tốn kém. Tuy nhiên, nhà vua không muốn sự tốn kém khiến người dân phải gánh vác, khi thấy Phủ doãn Thừa Thiên lệnh cho nhân dân kinh thành, không cứ giàu hay nghèo, đều phải thắp đèn đuốc suốt mấy đêm chính lễ, nhà vua đã truyền chỉ cho Phủ doãn Thừa Thiên thông dụ cho xóm làng chợ búa rằng: “Nhà nào đủ ăn đủ mặc thì chiếu lệ treo đèn để tỏ lòng vui mừng chúc thọ cũng không hại, còn những nhà nghèo khó, thiếu thốn thì cũng nên dè xẻn, tiết kiệm”.
Kết thúc đợt lễ, Vua Minh Mạng còn nhắc lại rằng: “Vừa rồi trẫm thấy thần dân treo đèn phí tổn chút ít mà còn thương tiếc công của của dân khiến phải tiết kiệm nữa là trần thiết như thế, không tốn kém sao! Dẫu nhân dân muốn tỏ lòng thành tôn kính thì thực đáng khen, mà tự trẫm cũng nên theo việc gia ơn. Vậy, cấp cho dân 1.000 quan tiền”.
Trong số các bà hoàng của triều Nguyễn, hoàng thái hậu Từ Dụ (Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Phạm Thị Hằng, vợ Vua Thiệu Trị, mẹ Vua Tự Đức) nổi danh là một bà hoàng có đức tính tiết kiệm. Dù sống trong điều kiện không thiếu vàng bạc, nhung lụa nhưng bà luôn nhắc nhở con cháu rằng tất cả những thứ ấy là của dân, do dân cung nạp mà có, món gì cũng là máu mỡ của dân nên bà không tiêu xài phung phí. Theo sử sách, tất cả những quần áo gấm vóc bà đều xếp gọn trong rương, chỉ mặc trong các dịp lễ, tế, còn bà thì vẫn ăn mặc bình thường như bao người khác. Ăn uống bà không thích món ngon vật lạ mà chỉ ăn chay trường.
Vì có hiếu với mẹ nên Vua Tự Đức thường muốn tổ chức lễ mừng thọ và tôn cho bà các mỹ hiệu, nhưng bà đều từ chối. Như năm 1860, đình thần dự định làm lễ tôn mỹ danh, nhưng bà bảo với nhà vua: “Ta được hưởng sự phụng dưỡng của thiên hạ, nên phải biết lo những việc thiên hạ đang lo. Năm nay, không được mùa, dân đang lo chưa thể vui sướng được. Vậy, con phải lo với nỗi lo của dân. Vả lại, tính ta vốn cần kiệm, chẳng chuộng phù hoa. Con ạ, ngày nay hưởng được sự phú quý, ta thường lo sợ, tu tỉnh tâm đức, thế mà con còn muốn ban cho ta cái hư danh để làm gì? Để còn nặng cái lỗi thất đức hay sao? Vậy thì lễ này hội nọ nên bãi đi, ta chỉ nguyện các chư công và quần thần cùng con lo việc chính trị, giáo dục để quốc thái dân an thì còn gì vui bằng”.
Tính tiết kiệm của mẹ đã ngấm sâu vào tính cách Vua Tự Đức. Nhà vua thường đem điều này răn dạy quần thần và cả hoàng tộc. Theo “Đại Nam thực lục”, năm Tự Đức thứ 13 (1860), nhà vua đã ban 2 bài thơ thất ngôn “Trâm sắt viết chữ lên tường” (theo tích từ sách Đường thư, đời Đường Văn Tôn, Hán Dương công chúa thường dùng cái trâm sắt viết số thuế ruộng thái ấp lên tường) cho các công chúa là em mình. Lúc bấy giờ vua nghe thấy các công chúa nhiều người chuộng xa xỉ khoe mẽ, mỗi khi gặp thuyền nước Thanh đem hàng lại thì mua nhiều vật lạ, không biết tiếc của. Cho nên, vua dùng việc tiết kiệm của Hán Dương công chúa trong sách đời Đường ra đầu đề, sai Thái trưởng công chúa là Vĩnh Trinh, An Mỹ trưởng công chúa là Huy Nhu làm bài dâng lên. Nhân thể, vua làm bài thơ ấy ban cho các công chúa, là dạy việc tiết kiệm cho họ.
Năm sau, vì lo ngại phong tục nhân dân xa xỉ, Vua Tự Đức ban tờ dụ cho quan lại các địa phương rằng: “Phong tục là việc lớn, giáo hóa là việc cần, giáo hóa ở trên đã làm thì phong tục ở dưới sẽ tốt, vì cốt yếu có nơi có chốn vậy. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, sớm tối chăm lo sợ hãi, chỉ nghĩ đến việc chuộng tiết kiệm ngăn xa xỉ, để mưu tính cho nhân tâm phong tục được tốt. Không biết người dưới trông vào đó mà cảm hóa, quả đã đem lại thói thuần hậu kiệm ước hay chưa?”.
Vua Tự Đức nhắc nhở các quan rằng: “Xét ra, việc cổ động phong tục là trách nhiệm của quan địa phương. Các ngươi là đại thần ở địa phương, nên thể theo ý trẫm, gắng sức tiết kiệm làm gương mẫu, cho dân trông vào mà bắt chước”.
Lê Tiên Long
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/hoc-nguoi-xua-tiet-kiem-i748246/