Những ngày gần đây, thông tin phản ánh của một số sinh viên Đại học Duy Tân tốt nghiệp năm 2024 về việc họ học ngành học Răng - Hàm - Mặt nhưng trên bằng lại ghi bác sĩ nha khoa gây chú ý trên mạng xã hội. Điều này gây băn khoăn vì sao có sự khác biệt giữa ngành tuyển sinh và ngành ghi trên bằng tốt nghiệp.
Hơn thế nữa, vụ việc này tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho không ít sinh viên đang theo học ngành Răng - Hàm - Mặt tại đại học này, bởi các em không biết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được cấp bằng gì. Một số chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại trong vấn đề quản lý cấp phát văn bằng cũng như chất lượng đào tạo nhóm ngành Sức khỏe ở đại học tư thục.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho sinh viên là điều mà cơ sở giáo dục đại học nào cũng phải hướng đến.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.
"Sinh viên học ngành nào thì rõ ràng là trường phải cấp bằng ngành đó, làm sao có chuyện học một ngành mà cấp bằng ngành khác được. Sao các trường khác không vậy mà ĐH Duy Tân lại để xảy ra. Các em theo học Răng - Hàm - Mặt mà lại cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ nha khoa thì không được. Việc làm này trái tôn chỉ, mục đích đào tạo", ông Lê Như Tiến khẳng định.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, nhà trường tuyển sinh ngành nào thì phải cấp bằng đúng ngành đó. Điều này không chỉ thể hiện uy tín của cơ sở giáo dục mà còn là tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ông lý giải: "Như chúng ta đã thấy, nếu bằng cấp không có sự thống nhất thì trong quá trình ứng tuyển công việc sẽ rất khó khăn cho các em. Trong vụ việc tại Đại học Duy Tân, có thể thấy, không thể cứ làm nhận phản ứng rồi in lại phôi bằng, cấp lại cho sinh viên là xong chuyện, vì như thế là lãng phí và gây ra tâm lý hoang mang cho sinh viên cũng như cha mẹ các em.
Tại sao các em học ngành Răng - Hàm - Mặt mà lại cấp bằng bác sĩ nha khoa? Phải có câu trả lời thỏa đáng cho vụ việc này để cảnh báo cho các đơn vị khác cần thực hiện nghiêm quy trình, quy định về cấp phát văn bằng".
Trong khóa tốt nghiệp đầu tiên, ngành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt của Đại học Duy Tân có 14 sinh viên đạt loại xuất sắc (chiếm 23,3%) và 37 sinh viên đạt loại giỏi (chiếm 61,6%) trong tổng số 60 sinh viên theo học.
Ông Lê Như Tiến nhìn nhận: "Có một số cơ sở đào tạo tôi thấy là tỷ lệ sinh viên giỏi, thậm chí là xuất sắc rất cao. Trong khi đó, nhiều trường uy tín cùng đào tạo lĩnh vực này tỷ lệ giỏi, xuất sắc lại thấp hơn nhiều. Tại sao lại như vậy?
Sinh viên sau khi ra trường sẽ làm được việc chuyên môn đã được đào tạo ở trường, đó mới là đích đến của tấm bằng".
Cùng trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc Đại học Duy Tân cấp bằng bác sĩ nha khoa cho sinh viên học ngành Răng - Hàm - Mặt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.
"Đây có thể nói là một chuyện rất lạ đời, tại sao lúc tuyển vào là ngành Răng - Hàm - Mặt mà khi cấp bằng tốt nghiệp lại là bác sĩ nha khoa? Việc này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết và có ý kiến như thế nào?", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đặt dấu hỏi.
Theo bà An, từ vụ việc ở Đại học Duy Tân cũng là bài học kinh nghiệm cho các cơ sở giáo dục đại học. "Do đó, tôi nghĩ những việc như thế này, nếu là sự nhầm lẫn thì có lẽ không nên để xảy ra ở bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào vì chúng ta đang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước", bà An nhấn mạnh.
Cùng trao đổi với phóng viên, một chuyên gia giáo dục đại học, đồng thời là lãnh đạo tại một trường đại học ở Hà Nội cho rằng, nhà trường cần thực hiện "cam kết" cấp bằng đúng với ngành học trong giấy báo trúng tuyển đại học và mã ngành đào tạo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Đại học Duy Tân mở ngành Răng - Hàm - Mặt (mã ngành 7720501) theo quyết định số 1675/QĐ-BGDĐT, bắt đầu đào tạo từ năm 2018.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ, thời điểm tuyển sinh này áp dụng Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ban hành giáo dục và đào tạo cấp IV trình độ đại học có hiệu lực ngày 25/11/2017, ngành Răng - Hàm - Mặt có mã ngành 7720501.
Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 22/7/2022 thay thế Thông tư 24, ngành Răng - Hàm - Mặt có mã ngành là 7720501.
Chuyên gia giáo dục đại học cho rằng, trong trường hợp này, có sự bất nhất giữa thông tin ngành tuyển sinh và thông tin ngành in trên bằng tốt nghiệp. "Mặc dù Đại học Duy Tân đã tiến hành in lại phôi bằng đúng ngành Răng - Hàm - Mặt để cấp lại cho sinh viên, tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì nhà trường cũng đã đánh mất một phần niềm tin của các em, của xã hội. Thực chất, trong việc cấp bằng thường phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng. Qua sự việc lần này, có thể dư luận cũng đánh giá năng lực quản lý của bộ phận đào tạo cũng như lãnh đạo nhà trường", vị này chia sẻ.
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhìn nhận, từ vụ việc ở Đại học Duy Tân có thể thấy, sự thiếu sự thống nhất giữa thông tin ngành khi tuyển sinh và thông tin ngành khi tốt nghiệp có thể dẫn đến sự sụt giảm niềm tin của người học, của xã hội. Do đó, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, thì nhà trường cũng nên rút kinh nghiệm trong quản lý để không xảy ra tình trạng tương tự.
Hơn thế nữa, theo chuyên gia, đây là khóa tuyển sinh ngành Răng - Hàm - Mặt đầu tiên của Đại học Duy Tân tốt nghiệp, để xảy ra sự việc này cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Tuệ Nhi