Học sinh cấp 3 đứng tên bài báo khoa học quốc tế, tranh luận tính thực chất

Học sinh cấp 3 đứng tên bài báo khoa học quốc tế, tranh luận tính thực chất
9 giờ trướcBài gốc
Mới đây, dư luận xôn xao việc một nhóm tác giả Việt bị gỡ bài báo trên tạp chí Journal of Intelligent & Fuzzy Systems thuộc Nhà xuất bản Sage.
Bài báo bị gỡ có tên “Ứng dụng học sâu vào mạng cảm biến không dây để theo dõi cảm xúc của học sinh THPT”, xuất bản trực tuyến ngày 3/8/2023 và bị gỡ trong chiến dịch điều tra của Nhà xuất bản Sage từ đầu năm 2024 tới nay. Tác giả chính của bài báo là PGS.TS Lê Quang Thảo, giảng viên khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong danh sách tác giả còn có 3 học sinh THPT các trường: Reigate Grammar School, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu.
Theo thông báo gỡ bài, nhà xuất bản phát hiện bài báo có một hoặc nhiều trong số các dấu hiệu như: Thao túng trích dẫn, bao gồm các trích dẫn không liên quan đến nội dung bài báo; Có những đoạn rối rắm, thừa thãi và các cụm từ bị xuyên tạc; khả năng có sự tham gia trái phép của bên thứ ba trong quá trình nộp bài...
Theo PGS Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, việc một số học sinh phổ thông đứng tên đồng tác giả trong nghiên cứu khoa học là hiện tượng ít gặp nên dễ gây thắc mắc. Tuy nhiên, điều nhà trường quan tâm nhiều hơn là những đóng góp khoa học của học sinh cho nghiên cứu.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là tính thực chất trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh; sự đóng góp của các em trong các nghiên cứu được công bố trên bài báo khoa học quốc tế.
Trao đổi với VietNamNet, một tiến sĩ ở lĩnh vực khoa học công nghệ cho rằng, việc học sinh tham gia và đóng góp thực chất, tích cực vào các công trình nghiên cứu khoa học là rất khó.
"Trên thế giới cũng có trường hợp đặc biệt - thường là các thần đồng, song tỷ lệ rất ít. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, để làm được công trình nghiên cứu có tính khoa học, phù hợp và công bố dưới dạng bài báo quốc tế thường phải từ trình độ thạc sĩ khoa học, tiến sĩ trở lên", vị này nói.
Theo vị này, với vốn kiến thức của mình, học sinh THPT thường chỉ tham gia được vào những công đoạn như: khảo sát, thu thập dữ liệu, thống kê, hay trong thực nghiệm là tiến hành làm thí nghiệm.
"Trong một số trường hợp, người hướng dẫn có thể đưa cho học sinh một công thức sẵn có, và các em chỉ việc làm theo để thu thập dữ liệu thực nghiệm. Khi tiến hành thí nghiệm, nhiều em chỉ thực hiện một cách máy móc theo chỉ dẫn của thầy cô. Miễn là làm đúng theo phương pháp nghiên cứu đã được hướng dẫn, thực hiện một vài thí nghiệm và thu thập dữ liệu một cách trung thực, thì vẫn có thể được xem là có đóng góp - thậm chí được đưa tên vào danh sách đồng tác giả nếu phù hợp.
Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn thu thập dữ liệu - một trong chuỗi hàng chục bước của quá trình nghiên cứu khoa học. Để thực sự đóng góp vào việc phát hiện hoặc xây dựng một kết luận khoa học mới thì rất khó, bởi học sinh thường chưa có đủ nền tảng kiến thức chuyên sâu. Việc đi từ dữ liệu đến kết luận đòi hỏi năng lực phân tích, áp dụng các công cụ và phương pháp khoa học phức tạp, điều mà chỉ những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mới có thể đảm nhận", vị này phân tích.
Theo nhiều chuyên gia, những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên thường mới làm được công trình nghiên cứu có tính khoa học, phù hợp và công bố dưới dạng bài báo quốc tế. Ảnh minh họa: T.H
Tuy nhiên, vị này cho rằng, động cơ tham gia đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh THPT mới là điều cần tranh luận, xem xét.
“Nếu các em tham gia cùng thầy đơn giản vì đam mê khoa học và góp sức tích cực vào công trình, rồi được điền tên đồng tác giả thì cũng là việc tốt, không nên ngăn cấm. Nhưng nếu động cơ hướng đến chỉ là có tên trong bài báo quốc tế để thuận lợi vào đại học hay xin học bổng du học... đại khái là những động cơ không trong sáng thì cần phải đẩy lùi. Bởi việc này, đầu tiên không tốt cho chính học sinh, và sau đó không có lợi cho cộng đồng nghiên cứu”, vị này phân tích.
Ông cho rằng, kể cả trong trường hợp động cơ tốt, việc học sinh THPT tham gia các công trình nghiên cứu cũng không nên khuyến khích.
“Ở bậc THPT, các em chỉ cần lo học đúng với cấp độ, kiến thức phù hợp lứa tuổi. Lên đại học cố gắng học những kiến thức đại cương, nền tảng cốt lõi cho tốt, rồi nâng dần lên ở trình độ thạc sĩ rồi đến tiến sĩ nghiên cứu vẫn kịp. Chứ không cần phải 'nhảy cóc' - học sinh THPT nghiên cứu khoa học. Việc này làm được thì tốt nhưng thực sự không nên tung hô, kéo lệch”, ông nói.
Một tiến sĩ khác đang công tác tại một trường đại học ở Hà Nội cho rằng “khoa học không có biên giới” và thậm chí khi một bài báo được gửi đến cho tạp chí thì người phản biện đôi khi còn không biết tác giả là ai - một người trẻ 17, 20 tuổi hay là một giáo sư 80 tuổi.
“Đúng là việc làm nghiên cứu không phải việc của sinh viên, chứ chưa nói đến học sinh phổ thông, ít nhất phải từ sinh viên sau đại học. Số lượng sinh viên đại học và học sinh THPT công bố được tạp chí quốc tế rất nhỏ. Do đó, người công bố được bài báo quốc tế khi còn ở độ tuổi sinh viên hoặc học sinh phải là trường hợp đặc biệt”.
Vị này cho hay, một trong những người nổi tiếng trên thế giới có bài báo đăng ở tạp chí quốc tế khi còn là học sinh THPT là nữ diễn viên người Mỹ gốc Israel Natalie Portman, về chủ đề Hóa học.
“Các em học sinh hoàn toàn có thể đảm nhiệm khâu khảo sát, lấy số liệu thống kê, thậm chí viết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, hiện tượng các thầy vì mục tiêu thực dụng nào đó mà hỗ trợ cho học sinh, sinh viên của mình có bài báo để xin học bổng đại học, thạc sĩ…”, vị này nói.
Tuy nhiên, vị tiến sĩ cho hay, với từng trường hợp, chỉ những người trong cuộc mới biết động cơ cụ thể, còn người ngoài rất khó để đánh giá.
Thanh Hùng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-cap-3-dung-ten-bai-bao-khoa-hoc-quoc-te-tranh-luan-tinh-thuc-chat-2403797.html