Ưu tiên lựa chọn tổ hợp KHXH
Các năm gần đây, học sinh có xu hướng lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH - Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) để thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ cao hơn so với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN - Vật lí, Hóa học, Sinh học).
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này, có 37% thí sinh đăng ký bài thi KHTN và 63% thí sinh chọn bài thi KHXH. So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi KHXH tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Điểm trung bình các môn KHXH và KHTN. Nguồn: Bộ GDĐT
Thực tế cho thấy, liên tiếp trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH luôn áp đảo so với KHTN và có xu hướng tăng dần. Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong số 100 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất thì có tới 97 thí sinh thuộc tổ hợp KHXH.
Giai đoạn 2020-2024, mỗi năm cả nước có khoảng 900.000 đến một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Các em thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, cùng một bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH). Số chọn bài thi KHTN luôn thấp hơn KHXH, trừ ở TP HCM theo chiều ngược lại (khoảng 61% chọn thi KHTN).
Ghi nhận tại một số trường THPT cho thấy, số học sinh lựa chọn tổ hợp môn KHXH ở bậc học này cũng tăng đáng kể trong một vài năm trở lại đây.
Theo lý giải của học sinh, các em chọn tổ hợp môn KHXH ngày càng nhiều là do đề thi tốt nghiệp THPT tổ hợp môn này dễ đạt điểm cao hơn.
Thực tế, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, điểm trung bình các môn KHXH tăng nhẹ hàng năm. Ngược lại, các môn KHTN có điểm ổn định và thấp hơn.
Theo công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT của riêng năm 2024, môn Lịch sử và Địa lý đều tăng mạnh số điểm 10, tương ứng số điểm 10 tăng là 1.319 và 3.140 so với năm 2023. Trong số 200 thí sinh dẫn đầu về điểm thi tốt nghiệp THPT toàn quốc thì có tới 195 thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH.
Tạo cân bằng giữa các tổ hợp xét tuyển
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, việc điểm trung bình các môn KHXH tăng so với môn KHTN là một trong những nguyên nhân khiến thí sinh có xu hướng chọn bài thi KHXH để có lợi thế khi đăng ký xét tuyển đại học. Đây cũng là yếu tố có phần bất lợi giữa các tổ hợp khi xét tuyển đại học.
Theo ông Chương, trong bối cảnh không ít trường đang xét tuyển nhiều tổ hợp cho cùng một ngành, song lại lấy cùng mức điểm chuẩn, khiến các thí sinh đăng ký bằng tổ hợp có môn Tự nhiên thua thiệt. Bộ GDĐT đang nghiên cứu để có giải pháp công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.
Việc ngày càng nhiều học sinh lựa chọn các môn KHXH hơn so với KHTN là băn khoăn của các trường đại học khối kỹ thuật.
Bởi theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải, nếu sinh viên của các trường kỹ thuật không có nền tảng về KHTN, khi vào học khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ rất khó khăn và kém hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa mong muốn các sở GDĐT, trường THPT cần có định hướng về nghề nghiệp, tạo thế cân bằng trong việc học sinh chọn KHTN và KHXH trong việc học và thi.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, lượng thí sinh chọn bài thi KHXH nếu tiếp tục tăng trong những năm tới sẽ gây mất cân bằng nguồn lực, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Theo Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT đã công bố, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Như vậy bắt đầu từ năm 2025, các thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ được giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay và bài thi tổ hợp KHTN và KHXH không còn. Đây cũng là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Thí sinh sẽ có 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ 9 môn tự chọn.
Nguyễn Hoài