Học sinh được chọn nhóm tổ hợp ở THPT nhưng trường rất khó đáp ứng hết nguyện vọng

Học sinh được chọn nhóm tổ hợp ở THPT nhưng trường rất khó đáp ứng hết nguyện vọng
4 giờ trướcBài gốc
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh vào lớp 10 được tự chọn các môn học do nhà trường xây dựng ở cấp trung học phổ thông, bên cạnh một số môn bắt buộc.
Việc xây dựng các tổ hợp môn tại trường trung học phổ thông cần đáp ứng nhu cầu của học sinh nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Cân bằng giữa nguyện vọng của học sinh và khả năng tổ chức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết việc xây dựng nhóm tổ hợp môn lựa chọn cần đáp ứng nhiều yếu tố.
Theo đó, nhà trường áp dụng định hướng dựa trên nhu cầu xã hội (đặc biệt là xu hướng về khoa học, STEM, trí tuệ nhân tạo…), tổ hợp xét tuyển và phương thức tuyển sinh của các trường đại học như kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội hay kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội...
Quan trọng hơn cả, quá trình xây dựng nhóm môn lựa chọn này cần cân bằng giữa nguyện vọng đăng ký của học sinh cũng như năng lực đội ngũ giáo viên của trường.
Tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp, mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng tổ hợp môn, nhà trường luôn cố gắng tối đa để đáp ứng nguyện vọng một, chỉ chuyển sang nguyện vọng hai khi thực sự cần thiết.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp. Ảnh: website nhà trường
“Việc lựa chọn đúng tổ hợp môn ngay từ đầu không chỉ tạo động lực học tập, giúp học sinh phấn đấu hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm thời gian, công sức. Ngược lại, nếu phải thay đổi tổ hợp môn sau lớp 10 hoặc 11, học sinh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như phải học bù trong hè, vượt qua bài kiểm tra chuyển môn, ảnh hưởng đến thời gian củng cố các năng lực khác.
Nhận thức được điều đó, công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường ngày càng được chú trọng. Ngoài việc lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong chương trình trung học cơ sở, các trường trung học phổ thông hiện nay đều chủ động tổ chức tư vấn cho cả học sinh và phụ huynh ngay từ đầu cấp.
Nhiều trường công khai các tổ hợp môn sẽ tổ chức giảng dạy trong 3 năm học, giúp học sinh lựa chọn đúng đắn và phù hợp với phương án tuyển sinh của các trường đại học.
Một số trường tổ chức thêm những buổi gặp mặt phụ huynh, học sinh trước ngày nhập học để định hướng lựa chọn môn học, như tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp - nơi bộ phận tuyển sinh đóng vai trò tích cực trong việc đồng hành, tư vấn kỹ lưỡng cho phụ huynh ngay từ khi tìm hiểu trường đến khi nộp hồ sơ và nhập học”, thầy Tùng thông tin.
Dù vậy, việc cân bằng giữa nguyện vọng của học sinh và khả năng tổ chức giảng dạy cũng là một thách thức với nhiều trường học. Theo chia sẻ của hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại tỉnh Thanh Hóa, nhà trường đang xây dựng các lớp học theo tổ hợp môn định hướng.
Về nguyên tắc, học sinh sẽ là người quyết định các môn học lựa chọn của mình, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các trường đều gặp khó khăn trong khâu tổ chức, nhất là khi nguồn lực giáo viên còn hạn chế.
Căn cứ vào tình hình thực tế của đội ngũ giảng dạy từng môn học, nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức các lớp theo hướng ưu tiên phù hợp với năng lực học sinh.
Với điểm đầu vào học sinh thuộc nhóm khá, những em đủ điều kiện theo học sẽ được xếp vào lớp A - lớp dành riêng cho học sinh có học lực khá trở lên.
Đối với số đông học sinh còn lại, nhà trường ưu tiên thành lập các lớp học theo định hướng tổ hợp C00 và D00, có thiên hướng về các môn khoa học xã hội, giúp các em dễ tiếp cận hơn trong quá trình học tập cũng như thuận lợi khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Khi số học sinh đăng ký vào một tổ hợp nào đó vượt quá khả năng tổ chức, nhà trường đã có phương án điều chỉnh cụ thể. Ngay từ khi học sinh đến nộp hồ sơ, nhà trường đã bố trí cán bộ thường trực để tư vấn, đồng thời phát phiếu đăng ký tổ hợp môn để học sinh và phụ huynh mang về suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng.
Trên phiếu đăng ký, học sinh được chọn hai nguyện vọng, trong đó nguyện vọng hai đóng vai trò dự phòng trong trường hợp nguyện vọng một có số lượng đăng ký vượt quá khả năng giảng dạy.
Sau khi tổng hợp các đăng ký, nhà trường sẽ tổ chức một buổi tư vấn tập trung để tiếp tục điều chỉnh, giải đáp thắc mắc và tạo điều kiện cho học sinh thay đổi nguyện vọng nếu cần thiết, đảm bảo quyền lợi học tập của các em được đặt lên hàng đầu”, vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Đảm bảo đủ giáo viên và cơ sở vật chất đáp ứng nguyện vọng của học sinh
Cùng tư vấn về việc lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh, thầy Lê Khánh Toàn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lâm Nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội) cho rằng, việc xác định tổ hợp môn lựa chọn ngay từ lớp 10 vẫn là một bài toán khó cho cả học sinh và nhà trường (trong khâu tổ chức lớp).
Học sinh chưa có hiểu biết rõ ràng về từng môn học, có xu hướng lựa chọn môn theo số đông dẫn tới sự mất cân đối trong công tác tổ chức lớp học và số tiết dạy của giáo viên.
Thầy Lê Khánh Toàn, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lâm Nghiệp, Trường Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
“Với Trường Trung học phổ thông Lâm Nghiệp, thuận lợi là bên cạnh đội ngũ giáo viên cơ hữu, trường còn mời giảng viên từ các trường đại học - vừa giúp điều tiết nhân sự linh hoạt, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Nếu một môn học có nhiều học sinh đăng ký, trường sẽ tăng số tiết và mời giảng viên chuyên ngành. Trường không cố định đội ngũ giáo viên theo biên chế như nhiều trường công lập khác, nên việc linh hoạt điều chỉnh phân công giảng dạy trở nên dễ dàng hơn.
Ở những nơi mà giáo viên không đủ tiết dạy do ít học sinh chọn môn, giải pháp thường thấy là chuyển họ sang giảng dạy các hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương.
Hiện nay, tổ hợp môn về lĩnh vực Khoa học xã hội tại trường đang có xu hướng quá tải do số lượng học sinh đăng ký nhiều, nhưng đội ngũ giáo viên vẫn cố gắng đáp ứng nhờ sự phù hợp về chuyên môn.
Ngược lại, tổ hợp Khoa học tự nhiên, với số học sinh đăng ký ít hơn, cũng được nhà trường linh hoạt điều tiết bằng cách giảm bớt giáo viên thỉnh giảng từ đại học”, thầy Toàn cho hay.
Về các môn ít học sinh lựa chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Vật lý, Hóa học,... Trường Trung học phổ thông Lâm Nghiệp đã có những điều chỉnh phù hợp. Với môn Mỹ thuật, do nhà trường trực thuộc Trường Đại học Lâm Nghiệp, nên có thể tận dụng đội ngũ giảng viên bộ môn sẵn có để tổ chức dạy học khi đủ sĩ số lớp.
Tuy nhiên, với môn Âm nhạc, do số lượng học sinh đăng ký ít và chi phí đầu tư cơ sở vật chất tương đối lớn, nhà trường vẫn đang khảo sát thêm nhu cầu và chưa triển khai chính thức.
Trong trường hợp số lượng đăng ký chưa đủ mở lớp, nhà trường linh hoạt tổ chức theo mô hình câu lạc bộ để đảm bảo học sinh vẫn có cơ hội tiếp cận, rèn luyện theo sở thích cá nhân.
Nói thêm về việc một số học sinh chuyển tổ hợp môn sau lớp 10, lớp 11, để giải quyết tình trạng này, thầy Toàn cho biết nhà trường tập trung vào công tác tư vấn, đặc biệt là tìm hiểu lý do thực sự của học sinh khi muốn chuyển tổ hợp.
Trường Trung học phổ thông Lâm Nghiệp phải kết hợp cả tư vấn học sinh lẫn phụ huynh để làm rõ nguyện vọng thực chất của các em. Nếu có học sinh thật sự muốn chuyển vì định hướng rõ ràng với tổ hợp mới, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện, nhưng phải thông qua đánh giá năng lực.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tùng khẳng định, về cơ sở vật chất và giáo viên cho các môn năng khiếu hoặc ít học sinh lựa chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Sinh học, Địa lý… Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp vẫn đảm bảo tốt việc tổ chức dạy học.
Nhà trường đã có sẵn phòng học chuyên biệt cho môn Mỹ thuật và Âm nhạc với điều kiện tốt và đội ngũ giáo viên ổn định.
Một tiết học Âm nhạc của học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp. Ảnh: website nhà trường
Dù không mời chuyên gia bên ngoài giảng dạy thường xuyên vì kinh phí hạn chế nhưng nhà trường vẫn tổ chức các buổi giao lưu, truyền cảm hứng với những chuyên gia, ca sĩ nổi tiếng để tạo động lực cho học sinh.
“Trong trường hợp số lượng học sinh đăng ký một tổ hợp vượt quá khả năng tổ chức, nhà trường chủ động cân đối lại lớp học, điều chỉnh định mức tiết dạy để không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và quyền lợi học sinh.
Nếu học sinh hoặc phụ huynh còn băn khoăn, sẽ được tư vấn lại kỹ lưỡng để đưa ra phương án phù hợp nhất, với nguyên tắc đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo nhà trường cũng đưa ra một số lời khuyên để việc lựa chọn môn học của học sinh ở bậc trung học phổ thông đạt hiệu quả. Theo đó, phụ huynh cần đánh giá đúng năng lực, sở trường của con em mình thông qua ý kiến của giáo viên giảng dạy, chuyên gia hướng nghiệp (nếu có) và các kết quả đánh giá học lực như kỳ thi vào lớp 10.
Sự kết hợp giữa nguyện vọng cá nhân của học sinh và quá trình tư vấn chuyên môn sẽ là chìa khóa để các em lựa chọn được tổ hợp môn phù hợp nhất, làm nền tảng vững chắc cho định hướng nghề nghiệp tương lai”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Đình Nam
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-duoc-chon-nhom-to-hop-o-thpt-nhung-truong-rat-kho-dap-ung-het-nguyen-vong-post252696.gd