Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên), Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Gần 2.100 học sinh Trường THPT Thạch Bàn đã cùng trải nghiệm phiên tòa giả định với một vụ án có thật đã được các luật sư biên tập về nội dung và thay đổi tên cho nhân vật. Học sinh hiểu thêm về các quy định của pháp luật, nhất là về các quy định khi sử dụng mạng internet thông qua các câu hỏi giao lưu với luật sư.
Đây là mô hình mà thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh triển khai, nhất là trong đợt cao điểm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật năm nay nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, qua đó giúp học sinh có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm hình thành thói quen tuân thủ pháp luật của học sinh.
Phiên tòa giả định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại Trường THPT Thạch Bàn. Ảnh: Thống Nhất
Ngày 5/11, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) tổ chức thành công chương trình "Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Sự kiện không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn khơi dậy tinh thần học tập, nghiên cứu pháp luật trong từng học sinh.
Điểm nhấn của chương trình là phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích, làm nhục người khác”. Tại đây, học sinh đã tự tin nhập vai thẩm phán, công tố viên, luật sư và hội đồng xét xử, mang đến một trải nghiệm thực tế về quy trình xét xử, từ đó giúp các con hiểu sâu hơn về nguyên tắc công bằng và tầm quan trọng của pháp luật trong xã hội. Phiên tòa giả định cũng góp phần khắc sâu niềm tự hào và trách nhiệm công dân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phiên tòa giả định tại Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bên cạnh đó, học sinh đã được tham gia cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật" với các câu hỏi về hiến pháp, pháp luật và các vấn đề pháp lý tại Thủ đô. Đây là cơ hội để các em mở rộng kiến thức và nâng cao nhận thức về pháp luật một cách sinh động và hấp dẫn.
Các trạm truyền thông phổ biến pháp luật cũng được bố trí quanh khuôn viên trường với các chủ đề như Luật Trẻ em, Luật Giao thông, Luật Thủ đô và Luật Dân sự. Tại đây, học sinh vừa chơi vừa học qua các trò chơi như Hỏi xoáy đáp xoay, Vua Tiếng Việt và workshop tìm hiểu luật, giúp tiếp thu kiến thức pháp luật một cách trực quan và hiệu quả.
Để hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, ngày 4/11, hai lớp 6A3 và 6A4 Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã lựa chọn luật Quyền trẻ em để giới thiệu trước học sinh toàn trường, nhằm nâng cao hiểu biết về quyền lợi cũng như trách nhiệm của trẻ em, từ đó giáo dục ý thức tự bảo vệ bản thân, nâng cao trách nhiệm học tập.
Thông qua các video và bộ câu hỏi trắc nghiệm thú vị, chủ đề “Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh trong nhà trường về bốn nhóm quyền của trẻ em.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ hào hứng tham gia chương trình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), đã phối hợp với Công an quận tổ chức chuyên đề “Phòng ngừa xâm hại trẻ em và tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn quận Cầu Giấy”. Chuyên đề đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp các em học sinh nhận thức sâu sắc về quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ bản thân cũng như ứng phó với các tình huống nguy cơ.
Ngày 5/11, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng đã tổ chức điểm lễ hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024”. Tham dự lễ hưởng ứng có gần 700 giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn.
Một tiết mục văn nghệ tuyên truyền về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại lễ phát động. Ảnh: Minh Phú
Tại buổi lễ, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng đã yêu cầu các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, không chỉ trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2024, mà cần đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên. Các nhà trường cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, giáo viên trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng.
Các nhà trường cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng trường học an toàn, góp phần giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Các nhà trường cũng kịp thời đề xuất các cấp khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, để những hạt nhân nòng cốt này sẽ lan tỏa giá trị tích cực...
Minh Trang