Kỳ vọng trúng tuyển bằng học bạ bị lung lay
Nguyễn Minh Châu, sinh năm 2007, hiện là học sinh lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM. Ngay từ khi vào lớp 10, Minh Châu đã lên kế hoạch học tập chi tiết, chăm chỉ từng môn để có một học bạ xuất sắc, hướng đến mục tiêu vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
“Các anh chị khóa trước nói với mình rằng xét học bạ là một trong những cách dễ để vào trường hơn so với các phương thức khác. Chính vì vậy, mình đã cố gắng duy trì điểm số cao để yên tâm với phương án này,” Minh Châu chia sẻ.
Từ 2025, nhiều trường đại học lớn sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Tuy nhiên, gần đây, Minh Châu nhận được tin rằng trường Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ không còn xét tuyển học bạ từ năm 2025. Thông báo này khiến Châu bối rối, vì nữ sinh đã đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực vào phương thức tuyển sinh này. Châu chia sẻ: “Giờ mình chỉ còn hai phương án là kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực. Mình đang phải cân nhắc ôn tập lại và thay đổi phương pháp học để đáp ứng hai phương thức này.”
Năm nay, Châu dự định xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán học của trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Nữ sinh cho biết, việc đỗ vào ngành học bằng điểm thi THPT là một bài toán khó khi điểm xét tuyển của ngành vào năm gần nhất là 27.6 với các tổ hợp A00, A01, nghĩa là nữ sinh phải đạt trung bình 9.2 điểm/1 môn mới mong có cơ hội được đặt chân vào ngành học mơ ước.
Châu học tập chăm chỉ để đỗ vào đại học mơ ước.
Một trường hợp tương tự là Trần Đăng Khoa, sinh năm 2007, hiện là học sinh tại trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Từ lâu, Đăng Khoa đã nuôi mơ ước được học ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc, nơi mà anh trai của nam sinh từng theo học.
Đăng Khoa kể: “Anh trai mình đỗ vào trường nhờ xét học bạ, nên mình nghĩ bản thân cũng có thể đi theo 'con đường' tương tự. Mình đã chuẩn bị học bạ rất kỹ lưỡng, cố gắng đạt thành tích tốt để yên tâm hơn.” Nhưng đến khi biết trường sẽ cắt giảm chỉ tiêu xét học bạ từ 2025, Đăng Khoa cảm thấy khá hụt hẫng, vì đây từng là phương án an toàn nhất mà chàng trai nghĩ mình có thể dựa vào.
Khoa chia sẻ, trong các năm trước, trường Đại học Kinh tế Quốc dân thường dành từ 10-15% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên học bạ. Là một ngôi trường danh tiếng và có lượng thí sinh đăng ký đông, việc trúng tuyển vào đây không phải dễ dàng. Hiện nay, để trở thành sinh viên của trường, chỉ còn ba hình thức xét tuyển: tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tuy nhiên Khoa cho biết mình không có thành tích giải thưởng học sinh giỏi hay chứng chỉ ngoại ngữ, vì vậy không thể tham gia xét tuyển theo hai phương thức đầu. "Nếu bây giờ mới bắt đầu học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ thì sẽ rất tốn kém," Khoa nói. Do đó, nam sinh quyết định sẽ tập trung ôn luyện kỹ càng để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp, vì đây là lựa chọn duy nhất có thể giúp nam sinh có một tấm vé bước vào ngôi trường mơ ước.
Những phương án “an toàn” dần thu hẹp
Theo nhiều học sinh, phương thức xét tuyển qua học bạ từng được xem là "lối đi an toàn," đặc biệt cho những bạn không tự tin vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một số trường đại học lớn đã chính thức thông báo ngừng xét tuyển học bạ từ 2025. Lê Phương Anh, sinh năm 2007, hiện là học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng, cho biết mình đang phải tìm giải pháp khác để không bị phụ thuộc vào học bạ. “Trước đây mình nghĩ xét học bạ là ổn nhất cho mình vì nó ổn định hơn so với kỳ thi tốt nghiệp,” Phương Anh nói. Nhưng hiện tại, với những thay đổi này, nữ sinh nhận ra phải chuẩn bị nhiều phương án khác để không gặp bế tắc trong kỳ tuyển sinh.
Trước tình hình nhiều trường đại học dừng hoặc hạn chế xét học bạ, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra ý kiến nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn.
Tại hội nghị giáo dục đại học 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, trong phần thảo luận tại hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, thời điểm các trường xét tuyển sớm, thực chất học sinh lớp 12 vẫn chưa hoàn thành chương trình THPT là không hợp lý. Chưa kể trong công tác tuyển sinh, có những trường yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu trong thứ tự nguyện vọng đăng ký lên hệ thống. Việc này vừa không công bằng giữa các cơ sở đào tạo vừa làm mất cơ hội của thí sinh.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, thời điểm các trường xét tuyển sớm, thực chất học sinh lớp 12 vẫn chưa hoàn thành chương trình THPT là không hợp lý.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại. Ngoài ra, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại để tuyển sinh sẽ ít, khiến điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.
TS Lưu Trần Toàn, giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: “Phương thức xét học bạ từng là một cách hiệu quả để giảm áp lực thi cử cho học sinh, nhưng cũng có nhiều vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn, mỗi trường THPT có tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất khi sử dụng học bạ làm tiêu chí tuyển sinh.”
TS Trần Lưu Toàn cho biết, thực tế xét học bạ đã tạo ra tâm lý yên tâm quá mức ở một số học sinh, khiến các em ít dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp hoặc các kỳ thi năng lực khác. “Giảm chỉ tiêu hoặc bỏ hẳn xét tuyển qua học bạ là cách để các trường nâng cao chất lượng đầu vào, tránh những hệ lụy tiêu cực khi đánh giá không đồng đều từ các trường THPT,” ông giải thích.
Không chỉ có một con đường vào đại học
Trước sự thay đổi trong phương thức xét tuyển, nhiều học sinh đã bắt đầu tìm hiểu về các kỳ thi đánh giá năng lực và chứng chỉ quốc tế. Đây là một trong những phương án giúp các bạn bổ sung thêm điểm mạnh trong hồ sơ khi không còn xét tuyển qua học bạ.
Chẳng hạn, các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Quốc gia TP.HCM hiện nay đã tăng cường xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực, cho phép học sinh có thêm lựa chọn thay vì chỉ dựa vào điểm tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, một số trường còn khuyến khích học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEIC để tăng cơ hội vào đại học. Đối với các ngành học có tính cạnh tranh cao, các trường còn xem xét thêm các thành tích ngoài học bạ như giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi nghiên cứu khoa học.
Việc nhiều trường hạn chế xét học bạ cũng là cơ hội để hệ thống giáo dục hướng đến một quy trình tuyển sinh công bằng hơn. Điều này giúp hạn chế sự chủ quan trong đánh giá học bạ và đồng thời tạo động lực cho học sinh đầu tư vào việc học thật thi thật, thay vì chỉ cố gắng để có “học bạ đẹp”.
Từ phía học sinh, các bạn cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc xây dựng lộ trình học tập phù hợp. Thay vì đặt cược vào một phương thức xét tuyển duy nhất, các bạn cần tìm hiểu kỹ các phương án khác và chuẩn bị đa dạng, bao gồm thi tốt nghiệp, thi năng lực và các kỳ thi đánh giá chứng chỉ quốc tế.
"Từ phía học sinh, các bạn cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc xây dựng lộ trình học tập phù hợp. Thay vì đặt cược vào một phương thức xét tuyển duy nhất, các bạn cần tìm hiểu kỹ các phương án khác và chuẩn bị đa dạng, bao gồm thi tốt nghiệp, thi năng lực và các kỳ thi đánh giá chứng chỉ quốc tế", ông cho biết thêm.
Hiếu Nguyễn