Học sinh làm quen với AI, phát triển kỹ năng công dân số

Học sinh làm quen với AI, phát triển kỹ năng công dân số
10 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường trung học cơ sở Phước Tân 3 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) trong giờ học tin học. Ảnh: H.Yến
Tùy theo điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục, việc “phổ cập AI” và “bình dân học vụ số” được thực hiện theo những cấp độ khác nhau.
Những bức tranh hòa bình từ nét vẽ của AI
Với công cụ Bing Image Creator của Microsoft, em Lê Thanh Hải, lớp 5/2, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa), đã viết prompt (câu lệnh) để ứng dụng AI này thay mình vẽ một bức tranh với chủ đề “Em yêu hòa bình”. Đó là bức tranh rất đông người lính và nhân dân quây quần bên nhau dưới “rừng” cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, quanh họ còn có những chú chim bồ câu đang tung cánh bay.
Không riêng gì Thanh Hải, ngày 12-4, rất đông học sinh của 36 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã được trải nghiệm hoạt động vẽ tranh bằng AI trong Ngày hội STEM. Đúng như khẩu hiệu của trải nghiệm “Ý tưởng của bạn - nét vẽ của AI”, tùy theo ý tưởng, trí tưởng tượng riêng mà mỗi học sinh sẽ viết những câu lệnh khác nhau và tạo được những bức tranh khác nhau chỉ trong vòng vài phút. Với công cụ này, ngay cả những học sinh “không có hoa tay” nhưng có ý tưởng sáng tạo tốt vẫn có thể tạo ra được tác phẩm ưng ý, khác biệt.
Trước đó, nhiều học sinh ở Đồng Nai đã sử dụng công nghệ AI để sáng tác truyện tranh, làm video clip. Cũng bằng cách lên ý tưởng, viết câu lệnh, ứng dụng AI có thể thay con người vẽ hẳn một tác phẩm truyện tranh, thực hiện một video clip với nội dung hoàn chỉnh.
Cô NGUYỄN THỊ THU LINH cho biết: “AI hiện được học sinh, giáo viên và các chuyên gia trong ngành giáo dục quan tâm sử dụng. AI đang dần thay đổi cách dạy và học, giúp học sinh tiếp cận kiến thức linh hoạt. Đặc biệt, AI còn mang lại cơ hội học tập công bằng cho mọi học sinh. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai, AI có thể khiến học sinh lệ thuộc, ảnh hưởng tư duy sáng tạo. Một số thông tin từ AI có thể thiếu chính xác. Do đó, cần sử dụng AI kết hợp với phương pháp học truyền thống để công nghệ thực sự trở thành công cụ hỗ trợ bền vững cho giáo dục”.
Không chỉ dừng lại ở bước làm quen, trải nghiệm, một số trường học đã đưa nội dung về AI trở thành hoạt động học tập thường xuyên để học sinh hiểu về AI và biết cách sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực, điển hình là Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).
Theo thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, AI robotics là một trong những hoạt động STEM được nhà trường triển khai từ 2 năm nay. Theo đó, tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đều được học mỗi tuần một tiết về AI robotic. Đối với bậc trung học phổ thông, do đặc điểm định hướng nghề nghiệp nên những học sinh có lựa chọn môn học liên quan công nghệ thông tin sẽ được học nội dung này.
Thời gian tới, Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng sẽ tiếp tục cho học sinh làm quen với AI bằng cách kết hợp với các hoạt động giáo dục khác, đặc biệt là môn Tin học.
Ở khối trường công lập, Trường trung học cơ sở (THCS) Tam Phước (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) đã có nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn học sinh sử dụng AI phục vụ việc học tập, hoạt động phong trào. Hơn 2 ngàn học sinh của trường đã có tài khoản giáo dục AI Copilot của Microsoft, đây cũng chính là tài khoản AI để học sinh tham gia trường học số. Nhà trường đã tập huấn, hướng dẫn cho học sinh cách sử dụng AI phục vụ việc học, trong hoạt động phong trào và tham gia các cuộc thi, hội thi. Trong đó có 2 học sinh đã đoạt giải B và giải C, bảng B Cuộc thi Sáng tạo truyện tranh, video clip truyền thông bằng AI do Sở Thông tin và truyền thông (nay là Sở Khoa học và công nghệ) và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức vào tháng 10-2024.
Để mỗi học sinh là một công dân số
Bằng cách tiếp cận ở nhiều mức độ, học sinh đã bắt đầu có những hiểu biết ban đầu về AI và cách sử dụng AI phục vụ việc học tập, cũng như các mục đích khác trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng AI như thế nào để đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích và không bị lệ thuộc vào AI là vấn đề cần lưu tâm.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Linh, Tổ trưởng chuyên môn Toán - Tin, Trường THCS Tam Phước đã tham gia khóa tập huấn Nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức vào tháng 9-2024. Sau khóa tập huấn này, cô Linh đã triển khai lại cho giáo viên trong tỉnh, đồng thời cũng là báo cáo viên của nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn học sinh sử dụng AI.
Theo đó, học sinh được hướng dẫn cách viết câu lệnh để AI hiểu và sử dụng chính nguồn tư liệu được cung cấp để trả lời vấn đề mà học sinh cần tìm hiểu. Cô Linh cũng cung cấp các câu lệnh mẫu để học sinh hiểu cách viết câu lệnh hiệu quả.
Theo cô Linh, học sinh bắt đầu sử dung AI thì nên sử dụng các trợ lý ảo dành cho giáo dục; nên chú trọng cấu trúc đặt câu lệnh, câu hỏi có đầy đủ thành phần: vai trò, bối cảnh, giao nhiệm vụ, khuôn mẫu, giọng điệu... Để bảo mật thông tin, không nên khai thông tin xác thực về bản thân để tránh trường hợp rủi ro, bị đánh cắp thông tin…
“Trong chương trình tin học có học công cụ lập trình cơ bản như Scratch để các em trực tiếp thử nghiệm AI. AI không hoàn hảo, luôn cần học sinh có tư duy phản biện để đánh giá. Hãy tận dụng AI để cá nhân hóa việc học thật hiệu quả” - cô Linh chia sẻ.
Việc sử dụng AI chỉ là một trong số rất nhiều kỹ năng của một công dân số. Điều này đang được ngành giáo dục triển khai và bắt đầu từ bậc tiểu học.
Tháng 10-2024, Sở Giáo dục và đào tạo đã ban hành công văn về việc triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học từ năm học 2024-2025. Trong đó, đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm mã nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Trang bị kỹ năng công dân số giúp học sinh có kỹ năng và năng lực học tập, sống và làm việc an toàn, hiệu quả trong môi trường số ngày càng phát triển.
Thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”, Sở Khoa học và công nghệ đã triển khai nhiều buổi tập huấn liên quan đến ứng dụng AI trong cán bộ, công chức. Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Tạ Quang Trường cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ, giáo viên và tiến tới là cả học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh.
Để trở thành công dân số, học sinh cần biết cách bảo vệ dữ liệu cá nhân, tránh tin giả và sử dụng internet an toàn. Các em có thể tương tác với AI, với môi trường số để phục vụ hiệu quả việc tự học; tăng cường dùng AI thiết kế các sản phẩm công nghệ như: hình ảnh, video, vẽ truyện tranh để phát triển tư duy sáng tạo. Công nghệ cũng như các trợ lý ảo AI luôn phát triển từng ngày, học sinh cần chủ động học hỏi liên tục để bắt kịp với sự phát triển của thế giới số.
Hải Yến
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/hoc-sinh-lam-quen-voi-ai-phat-trien-ky-nang-cong-dan-so-1f53e45/