Học sinh lo đề thi Ngữ văn lớp 10 'khó nhằn', giáo viên bật mí cách làm bài đạt điểm cao

Học sinh lo đề thi Ngữ văn lớp 10 'khó nhằn', giáo viên bật mí cách làm bài đạt điểm cao
5 giờ trướcBài gốc
Nguyễn Trần Bảo Nam, học sinh lớp 9, một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, em đã có hành trình đủ dài chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tuy nhiên sát kỳ thi không tránh khỏi tâm lý lo lắng.
Kỳ thi năm nay, em đặt mục tiêu thi vào các trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam; THPT Chuyên Ngữ và nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng. Thi chuyên với tỉ lệ chọi cao, thí sinh đều giỏi nên em xác định học thêm từ năm lớp 7 để chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức vững vàng. Trước kỳ thi, em dành nhiều thời gian để luyện đề, rèn kỹ năng làm bài cũng như tâm lý vào phòng thi.
Theo nam sinh, trong 3 môn thi năm nay, em lo lắng nhất là Ngữ văn vì dù barem chấm theo ý nhưng yêu cầu thí sinh viết phải có cảm xúc, sáng tạo, liên hệ thực tế mới đạt điểm cao.
Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên thi theo chương trình đổi mới, đề thi ra ngoài sách giáo khoa, mình phải sẵn sàng tinh thần tiếp nhận một văn bản xa lạ. Trong suốt quá trình học, cô giáo đã dạy và rèn cho Nam cũng như các bạn kỹ năng làm dạng bài đồng thời yêu cầu học sinh đọc thêm sách báo để lấy dẫn chứng làm phong phú cho bài viết của mình.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 6-7/6 tới.
Theo nam sinh, trước đây, học sinh chỉ cần học thuộc, ghi nhớ kiến thức cô giáo dạy và khi thi "bê" vào bài đã đạt điểm thì với phương pháp học mới đòi hỏi học sinh chủ động tư duy, đọc sách nhiều hơn.
“Cách học cũ thi xong học sinh có thể quên hết nhưng với cách học mới giúp phát triển năng lực văn chương, hữu dụng hơn cho cuộc sống về sau. Và đó cũng là điều khiến em cảm thấy thích thú hơn đối với môn học”, Nam nói.
Ngoài học ở trường, mỗi môn em học thêm ở trung tâm 1-2 buổi. Ngoài ra, về nhà em thường thức đến 12 giờ để giải quyết bài tập và luyện đề. Với mỗi đề mới, em thường bấm thời gian đúng như thời gian dự thi để làm bài, sau đó tự chấm và rút kinh nghiệm.
"Thời gian đầu, có thể chưa có kỹ năng nên viết sa đà, không cân đối được thời gian. Dần dần, học sinh biết phân chia hợp lý cho mỗi phần, mỗi câu đảm bảo kết thúc bài thi trước khoảng 5 phút để soát lại toàn bộ bài, phát hiện lỗi sai", Nam nói.
Tổng ôn và dành thời gian luyện đề
Cô Bùi Thị Thanh Hương, giáo viên tổ Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay đặc biệt vì đây là năm tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt nhất là, môn Ngữ văn theo đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội công bố trước đó, thí sinh sẽ thi ngữ liệu mới hoàn toàn không có trong sách giáo khoa.
“Việc ra đề thi ngoài sách giáo khoa là nhằm kiểm tra được năng lực đọc hiểu, năng lực viết văn của học sinh, tránh tình trạng học thuộc, học tủ và làm theo văn mẫu”, cô Hương nói.
Cũng theo cô Hương, chỉ còn ít ngày nữa đến kỳ thi, thời điểm này học sinh cần rà soát lại một lượt kiến thức, đặc trưng thể loại, phương pháp làm các dạng bài. Từ đó, xác định, khi cầm đề trên tay, các em phải áp dụng vào bài làm sao cho hiệu quả nhất.
Giáo viên cũng đã chỉ ra cho học sinh các lỗi có thể gặp trước và trong quá trình làm bài thi môn Ngữ văn. Đó là có em vội vàng làm bài mà không đọc kỹ đề, không xác định đúng dạng bài, yêu cầu nghị luận, phạm vi nghị luận dẫn đến làm sai đề, lạc hướng. Cũng có trường hợp thí sinh gặp lỗi diễn đạt như trình bày bài viết không đúng bố cục, sai chính tả, sai ngữ pháp, lấy dẫn chứng ngô nghê, không tiêu biểu, không phân tích cả nội dung và nghệ thuật. Ngoài ra, học sinh lưu ý, hình thức trình bày bài viết sạch đẹp, gọn gàng cũng là điểm cộng cho bài viết môn này.
Để làm bài đạt điểm cao nhất, cô Hương lưu ý học sinh, hệ thống lại kiến thức môn học theo sơ đồ tư duy.
Ở phần đọc hiểu, khi làm bài sẽ có các câu hỏi nhỏ, các em cần trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm.
Ở phần viết đoạn văn nghị luận văn học, bài văn nghị luận xã hội, từ nay đến kỳ thi, học sinh cần xác định rõ các kiểu bài và phương pháp làm, đặc biệt chú ý với các dạng bài về thể loại thơ và truyện. Đề có thể có các yêu cầu khác nhau như, phân tích nội dung chủ đề, phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật, phân tích nhân vật, phân tích chi tiết truyện đặc sắc… hay nghị luận về một vấn đề xã hội, vấn đề cần giải quyết.
Sau khi đọc kỹ đề, xác định hướng làm bài, học sinh lưu ý làm đúng cấu trúc kiểu bài, triển khai bài viết được chặt chẽ, có sự liên kết, liên hệ thực tế sinh động để đạt điểm cao. Trong quá trình diễn đạt, vốn từ sử dụng cũng phần nào đánh giá năng lực văn chương của học sinh. Rõ ràng những em sử dụng các kiểu câu, biện pháp nghệ thuật, bài viết sẽ hấp dẫn hơn những bài chỉ toàn câu đơn.
Cô Hương khuyên học sinh, còn rất thời gian các em cần có kế hoạch ôn tập hợp lý cho cả 3 môn thi. Trong đó, môn Ngữ văn các em cần chăm chỉ luyện đề để rút ra kinh nghiệm phân chia thời gian làm bài, kiến thức nào chưa nắm chắc cần bổ sung, cũng cố.
Ngoài ra, cô Hương cũng cho rằng, đối với thí sinh khi vào phòng thi cần giữ vững tâm lý để làm bài hiệu quả. Thực tế vẫn có những em vì quá áp lực, lo lắng nên quên hết kiến thức đã học sẽ rất bất lợi.
Với môn Ngữ văn năm nay không còn nhân đôi như những năm trước. Điểm 3 bài thi được tính hệ số 1 nên đảm bảo công bằng giữa các môn học, không gây áp lực cho thí sinh chẳng may làm không tốt một môn nào đó.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 6-7/6 tới. Thí sinh thực hiện 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ lấy kết quả tuyển sinh vào lớp 10. Thí sinh thi vào trường THPT chuyên thực hiện thêm bài thi môn chuyên.
Hà Linh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hoc-sinh-lo-de-thi-ngu-van-lop-10-kho-nhan-giao-vien-bat-mi-cach-lam-bai-dat-diem-cao-post1745270.tpo