Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Bảo Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Xuân Hòa, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết lo lắng. Em cho biết, đã nhận được thư mời nhập học có điều kiện từ một trường đại học tại Amsterdam (Hà Lan), với yêu cầu điểm tốt nghiệp từng môn từ 6,5 trở lên.
“Môn Toán năm nay khó hơn mọi năm, em sợ mình không đạt chuẩn. Hiện em dự định sẽ viết thư giải trình và xin xác nhận từ trường cấp 3 để phản ánh tình hình chung của kỳ thi năm nay”, Châu chia sẻ.
Học sinh tại điểm trường THPT Lê Quý Đôn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua.
Lo lắng của Châu không phải cá biệt. Nhiều học sinh khác cũng rơi vào trạng thái "bất an" vì sợ kết quả thi không đáp ứng được yêu cầu của các trường đại học quốc tế, nhất là những nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Phần Lan, nơi có những chương trình yêu cầu điểm tốt nghiệp cụ thể.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, điểm thi tốt nghiệp không phải là yếu tố định đoạt toàn bộ con đường du học. “Điểm thi tốt nghiệp không phải là tất cả. Một bộ hồ sơ mạnh cần nhiều yếu tố như học bạ toàn khóa (GPA), bài luận cá nhân, kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa và đặc biệt là tinh thần cầu tiến, bản lĩnh cá nhân”, Tiến sĩ Lê Bảo Thắng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy tại Mỹ, Canada, Úc hay Anh, học sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện cơ bản. Điểm số từng môn thi không phải yếu tố bắt buộc, trừ khi tham gia những chương trình học bổng đặc biệt hoặc hệ đào tạo yêu cầu chuyên sâu.
Cô Đỗ Thị Ngọc Anh, giáo viên IELTS tại DOL English, người từng nhận học bổng Thạc sĩ và tốt nghiệp loại xuất sắc tại Anh cho biết: “Tôi từng hướng dẫn nhiều học sinh xin học bổng toàn phần dù điểm thi tốt nghiệp không quá nổi bật. Quan trọng là học sinh biết cách xây dựng hồ sơ, thể hiện được nội lực và tiềm năng qua bài luận, phỏng vấn và các hoạt động khác”. Theo cô Ngọc Anh, du học không tìm người hoàn hảo, mà tìm người có khả năng thích nghi. Khi học sinh biết nhìn lại chính mình sau thất bại, tự bổ sung kỹ năng còn thiếu, nâng cấp hồ sơ, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành và tư duy cầu thị.
Một phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh có con vừa nhận thư mời từ Purdue University (Mỹ) cũng chia sẻ: “Chúng tôi từng rất căng thẳng vì sợ cháu không đạt điểm cao môn Toán. Nhưng khi hiểu rõ các trường quốc tế đánh giá tổng thể, không tuyệt đối hóa một kỳ thi, chúng tôi đã yên tâm hơn”.
Thầy Trần Thiện Minh, giáo viên luyện thi IELTS và SAT, từng nhận học bổng trung học tại Mỹ chia sẻ: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một cột mốc. Điều khiến bạn nổi bật hơn trong mắt hội đồng tuyển sinh là cách bạn đối diện với thất bại, vấp ngã và biến những trải nghiệm đó thành chất liệu cho bài luận hoặc phỏng vấn”.
Thầy Tony, chuyên gia tư vấn du học, cũng khẳng định: “Nhiều học sinh được nhận học bổng và thư mời nhập học trước cả khi có điểm thi chính thức. Điều các trường cần là sự chủ động, trung thực và thái độ cầu tiến. Nếu kết quả không như mong đợi, bạn hoàn toàn có thể giải trình minh bạch và chứng minh bản thân ở những khía cạnh khác”. Theo thầy Tony, nhiều trường đại học sẵn sàng tiếp nhận thư giải trình từ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. “Nếu bạn chứng minh được mình có năng lực học thuật, có thái độ nghiêm túc, chủ động cải thiện bản thân và không giấu giếm điểm yếu, bạn vẫn có cơ hội như những người đạt điểm cao”, ông nói.
Những học sinh sớm biết chủ động bổ sung các yếu tố khác trong hồ sơ như chứng chỉ IELTS, SAT, thư giới thiệu từ giáo viên hoặc thư giải trình thường sẽ được đánh giá cao hơn bởi họ cho thấy sự linh hoạt và cam kết thực sự với hành trình học tập sắp tới. Không ít trường hợp từng bị từ chối học bổng, nhưng sau khi cập nhật thêm hoạt động ngoại khóa hoặc sửa lại bài luận cá nhân theo chiều sâu trải nghiệm, đã “lội ngược dòng” để nhận được cơ hội du học mong muốn.
Chuyên gia tư vấn du học Đức Đặng chuyên hướng dẫn du học sinh tại các nước châu Âu cũng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có thể đã khiến nhiều học sinh lo lắng, nhất là với những đề thi Toán, tiếng Anh được đánh giá là khó. Nhưng điểm số dù có giá trị nhưng không phải là tất cả. Giấc mơ du học vẫn rộng mở nếu học sinh hiểu rằng con đường học tập không khép lại vì một kỳ thi, mà có thể rộng ra từ chính nỗ lực vươn lên, với sự kiên định, linh hoạt và niềm tin vào chính mình.
Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc