Học sinh lớp 12 băn khoăn chọn trường hay chọn ngành: Chuyên gia nói gì?

Học sinh lớp 12 băn khoăn chọn trường hay chọn ngành: Chuyên gia nói gì?
19 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, quy chế tuyển sinh đại học có nhiều điểm mới. Cùng với việc xây dựng kế hoạch ôn thi phù hợp, học sinh bắt đầu tìm hiểu thông tin để chọn trường, chọn ngành, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn.
Loay hoay giữa chọn trường và chọn ngành
Đặt mục tiêu vào được những trường đại học top đầu, Hà Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang), đang tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường như Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Thương mại.
“Em nghĩ việc chọn trường quan trọng hơn và cần ưu tiên. Bởi khi học tập trong môi trường tốt, nền tảng cơ bản về kiến thức và kỹ năng cũng được trau dồi tốt hơn. Cùng với đó, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường được đảm bảo hơn” - Quỳnh Anh nói.
Nhiều học sinh lớp 12 vẫn đang loay hoay giữa chọn trường và chọn ngành. Ảnh minh họa: TT
Khác với Quỳnh Anh, học sinh Nguyễn Hải Yến, lớp 12D Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội), đang tìm hiểu về ngành học trước.
“Ngành học sẽ là yếu tố quan trọng, quyết định cho việc học, tạo cảm hứng và sự gắn bó lâu dài nên em đang ưu tiên tìm hiểu" - Yến cho hay.
Yến yêu thích ngành sư phạm, em dự định đăng ký ngành Giáo dục tiểu học hoặc Sư phạm Ngữ Văn. Còn về việc chọn trường, nữ sinh này cho biết sẽ dựa vào điểm thi thử, năng lực của bản thân để đặt nguyện vọng có khả năng trúng tuyển cao nhất.
Không chỉ riêng Quỳnh Anh và Hải Yến, nhiều học sinh lớp 12 cũng đang dành thời gian để tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học, ngành học học cụ thể. Tuy nhiên, nhiều em vẫn loay hoay chưa biết nên ưu tiên chọn trường hay chọn ngành.
Hiểu rõ sở thích, năng lực của bản thân
Theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, các sĩ tử nên ưu tiên việc chọn ngành học trước, sau đó mới chọn trường. Nếu có thể song song thực hiện cả hai thì quyết định cuối cùng sẽ đúng đắn nhất.
TS Hà Mạnh Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Bước vào giai đoạn nước rút, nhiều học sinh vẫn chưa biết nên ưu tiên chọn trường hay chọn ngành trước. Thực tế, ngành hot, trường top luôn là vấn đề được các sĩ tử quan tâm và cân nhắc lựa chọn. Tuy nhiên, học sinh nên có sự tìm hiểu dựa vào sở thích và năng lực phù hợp với bản thân.
Việc chọn ngành, chọn trường nên thực hiện theo từng bước. Khi học sinh hiểu rõ được bản thân mình muốn gì thì việc đưa ra quyết định đơn giản hơn và có được lựa chọn phù hợp nhất”.
Cũng theo TS Hà Mạnh Tuấn, việc học ngành hot, trường top nhưng khi ra trường vẫn không tìm được công việc phù hợp không phải là điều hiếm thấy.
"Tấm bằng đại học thôi là chưa đủ để sinh viên có việc làm tốt và mức thu nhập mong muốn. Bởi, để có được công việc phù hợp, thu nhập tốt còn liên quan đến nhiều yếu tố như khối lượng kiến thức học được, đam mê với nghề, khả năng ngoại ngữ và khả năng thích nghi với môi trường làm việc..." - TS Tuấn nhấn mạnh.
Theo TS Tuấn, thí sinh cần xác định sở thích của bản thân, có thể đặt ra các câu hỏi như: Bạn là người như thế nào? Bạn thích điều gì? Đâu là thế mạnh của bạn? Mục tiêu hướng đến là trở thành người như thế nào trong tương lai?...
"Ví dụ, một người có tính cách hướng ngoại, thích giao tiếp có thể chọn ngành Du lịch, Sư phạm. Nếu một người thích vẽ, sáng tạo, thiết kế, có thể cân nhắc chọn ngành Thiết kế đồ họa hoặc Mỹ thuật" - ông Tuấn gợi ý.
Cùng một chuyên ngành, mỗi trường sẽ có chương trình đào tạo, mức học phí khác nhau. Học sinh nên tìm hiểu chi tiết về các đề án tuyển sinh, chuẩn đầu ra yêu cầu để xác định môi trường phù hợp với bản thân.
Ví dụ, đối với ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ có một chương trình đào tạo chung. Trong khi đó, ngành Báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì phân ra các chuyên ngành.
TS HÀ MẠNH TUẤN, Phó trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội
Còn đối với những học sinh sau khi phân tích bản thân nhưng vẫn mông lung, chưa xác định được ngành học, TS Tuấn lưu ý nhất quyết không nên chạy theo số đông với tư duy “bạn đăng ký gì, tôi đăng ký như thế”. Vì mỗi người có sự khác nhau về sở thích, năng lực học tập và cả điều kiện kinh tế gia đình.
Nếu chạy theo số đông, học sinh có thể mắc phải sai lầm, chán nản, thậm chí bỏ dở giữa chừng trong quá trình học đại học.
Thay vào đó, thí sinh nên dành thời gian để trao đổi thêm với thầy cô giáo, cha mẹ để có được những lời khuyên cho việc đăng ký nguyện vọng. Định hướng của gia đình, điều kiện kinh tế cũng là một vấn đề mà học sinh cần lưu ý khi chọn ngành, môi trường học tập.
Học sinh nên tận dụng ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại các trường đại học, trường THPT để đặt câu hỏi và tìm hiểu kỹ hơn về một số ngành mà mình hướng tới. Mỗi năm, các trường đều tổ chức tư vấn, giải đáp thắc mắc cho sĩ tử theo nhiều hình thức, trực tiếp hoặc trực tuyến, để chia sẻ hơn về ngành học, chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, học sinh có thể tìm hiểu về ngành học thông qua các anh, chị khóa trước để có góc nhìn chân thực hơn.
Còn theo ThS Bùi Gia Huân, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Học viện Phụ nữ Việt Nam, học sinh nên thực hiện song song việc tìm hiểu về ngành học và trường học. Khi có sự tìm hiểu kỹ, xác định được sở thích, đam mê của bản thân và chương trình học đúng thì 4 năm trên giảng đường đại học sẽ là bước đệm để cho các em đi đúng hướng, tìm được công việc làm phù hợp với bản thân sau này.
"Cần tìm hiểu về cả ngành học và trường học để có thể đăng ký nguyện vọng phù hợp nhất. Tránh trường hợp ngành mình yêu thích nằm trong trường top, năng lực bản thân không đáp ứng, dẫn đến trượt nguyện vọng" - ThS Huân nói.
ThS Bùi Gia Huân, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, ThS Huân cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, học sinh chọn ngành lưu ý về nhu cầu của xã hội. Một số ngành đang cần nhiều nguồn nhân lực như Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm...
"Tuy nhiên, việc chọn ngành vẫn phải dựa vào những yếu tố hàng đầu, đó là năng lực, sở thích, mục tiêu hướng đến" - ThS Huân nhấn mạnh.
"Hiện nay, nhiều sĩ tử lo lắng rằng AI sẽ thay thế một số vị trí việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, AI chỉ là công cụ hỗ trợ.
Học sinh cũng nên có sự chủ động trong việc tự học, không nên phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ thông tin. Ngay khi bước vào môi trường đại học, các em nên phát huy năng lực và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nhạy bén với công nghệ. Thị trường lao động đang “khát” nguồn nhân lực như vậy".
ThS BÙI GIA HUÂN, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Học viện Phụ nữ Việt Nam
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra trong hai ngày 26 và 27-6.
Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra 2 ngày là 26 và 27-6. Theo đó, nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải làm 4 bài thi. Trong đó, có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn còn lại được lựa chọn trong số các môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lí, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Thí sinh thi theo chương trình cũ (Chương trình 2006) sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng 1 trong 2 bài Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Điểm thi được công bố ngày 16-7.
PHAN OANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/hoc-sinh-lop-12-ban-khoan-chon-truong-hay-chon-nganh-chuyen-gia-noi-gi-post848017.html