Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của các kỳ thi riêng đang trở thành xu hướng khi ngày càng nhiều trường tổ chức các kỳ thi này với hàng trăm trường sử dụng chung kết quả và hàng chục nghìn thí sinh tham dự.
Ghi nhận cho thấy, năm 2025, nhiều trường đại học tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng với dự kiến mở rộng quy mô tuyển sinh. Các kỳ thi riêng cũng được các cơ sở giáo dục đại học lên phương án đổi mới hơn phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Năm nay, đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào ngày 30/3 tại 25 tỉnh, thành phố. Từ ngày 20/1 đến 20/2, trường đã mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025.
Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), số lượng thí sinh đăng ký đến thời điểm hiện tại là 130.489. Hạn đóng lệ phí thi đến hết ngày 23/2 nên số lượng thí sinh chính thức đăng ký dự thi dự kiến vẫn còn tăng.
Năm 2025, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực đã được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy.
Thí sinh dự thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên khởi động kỳ thi đánh giá tư duy trong mùa tuyển sinh năm 2025. Đợt 1 của kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày 18 và 19/1 tại 13 tỉnh, thành phố với 6.891 thí sinh dự thi.
Kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội giảm 3 đợt thi so với năm ngoái. Hai đợt thi còn lại sẽ diễn ra vào các ngày 8 và 9/3; ngày 26 và 27/4.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, tuy số đợt thi giảm nhưng các kíp thi của từng đợt tăng lên, nên dự kiến số thí sinh tham dự kỳ thi tăng so với năm 2024.
Hiện có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả của kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội để xét tuyển.
Các đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 15/3 đến 18/5. Thí sinh bắt đầu đăng ký ca thi từ ngày 23/2 tới đây.
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi.
Đáng chú ý từ mùa tuyển sinh năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ có thêm cách thức xét tuyển vào trường sư phạm khi mới đây Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã công bố đề án tổ chức kỳ thi độc lập để xét tuyển năm 2025. Đây là trường sư phạm thứ ba có kỳ thi riêng, sau Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Nhà trường tổ chức 8 môn thi, gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Nội dung đề thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó chủ yếu thuộc lớp 12. Dự kiến, kỳ thi sẽ được tổ chức trong tháng 6.
Trước xu thế tuyển sinh của các trường đại học, nhiều thí sinh lựa chọn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tăng cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh này cũng đang tạo áp lực lên thí sinh và gia đình.
Bên cạnh việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, không ít thí sinh dồn sức luyện thi đánh giá năng lực, trong đó có em dự kiến dự thi nhiều đợt thi khác nhau.
Hoàn thành đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội, em Nguyễn Linh Chi, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Bắc Kạn (Bắc Kạn) cho biết: “Sau đợt 1, em sẽ tập trung ôn luyện phần còn yếu để cải thiện ở đợt thi thứ 2. Đây mới là đợt thi chính thức của em”.
Em Nguyễn Gia Trí, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, em chọn tham gia thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Để chuẩn bị cho đợt 1 kỳ thi này vào tháng 3 tới đây, Trí cho biết: “Em dành nhiều thời gian ôn tập theo dạng thức câu hỏi, cấu trúc bài thi như đề thi tham khảo mà nhà trường đã công bố. Bên cạnh việc tự học, em vừa đăng ký tham gia luyện thi tại một trung tâm luyện thi online. Vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa lo thi đánh giá năng lực, em rất áp lực nhưng cố gắng hết sức để tăng cơ hội vào đại học”.
Trước việc thí sinh chọn ôn thi đánh giá năng lực tại các trung tâm luyện thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, thí sinh cần học tập nghiêm túc, chăm chỉ trong từng bài học, từng giờ kiểm tra và làm quen với đề thi tham khảo của kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu các em học tốt toàn bộ chương trình THPT thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện thi lan man tại các trung tâm.
Để hỗ trợ thí sinh trong việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra sách hướng dẫn thi đánh giá năng lực. Đây là tài liệu chính thức đầu tiên và duy nhất do Trung tâm khảo thí biên soạn nhằm hỗ trợ học sinh tự học, ôn tập và chuẩn bị hiệu quả cho kỳ thi đánh giá năng lực.
Dù nhiều trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào nhưng PGS.TS Nguyễn Phong Điền lưu ý, tùy theo quy chế tuyển sinh mà mỗi trường có sự quy đổi điểm của kỳ thi sang thang điểm khác nhau. Vì vậy, thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin trong quá trình đăng ký xét tuyển.
Nguyễn Hoài