Học sinh mang thai, cha mẹ không biết: Hồi chuông cảnh báo

Học sinh mang thai, cha mẹ không biết: Hồi chuông cảnh báo
8 giờ trướcBài gốc
Đón thêm thành viên mới sẽ là niềm vui của mỗi gia đình, nhưng nếu đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ đang là học sinh thì lại là điều không ai mong muốn (Ảnh mang tính chất minh họa).
“Không biết”: Lỗ hổng nguy hiểm
Chuyện học sinh THPT, thậm chí là học sinh THCS mang thai từ nhiều năm nay đã không phải là cá biệt. Tại Thái Nguyên và nhiều tỉnh thành khác, không ít trường hợp học sinh mang thai ngoài ý muốn - thậm chí đến ngày sinh nở mà bố mẹ, thầy cô không hề hay biết. Đây không chỉ là vấn đề sức khỏe sinh sản, mà còn là sự đứt gãy trong mối liên kết giữa gia đình - nhà trường - học sinh.
Bác sĩ CKII Trần Thị Hạnh, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện A Thái Nguyên, thông tin: Việc người chưa trưởng thành, đặc biệt là trẻ vị thành niên mang thai tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, như tai biến sản khoa, nguy cơ sinh non, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, đến những tổn thương tinh thần lâu dài. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ chưa trưởng thành thường nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ, dễ bị bỏ rơi hoặc thiếu quyền lợi pháp lý như giấy khai sinh, bảo hiểm y tế...
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, dù đã triển khai giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) trong trường học, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, như: thiếu tài liệu phù hợp, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, giáo viên còn e dè khi nói về vấn đề “nhạy cảm”.
Thực tế cho thấy, đại đa số người mang thai đều có những thay đổi nhất định và sẽ không khó để nhận ra nếu có sự quan sát, để ý. Đơn cử như tăng cân, buồn ngủ, nôn ói, mệt mỏi, chán ăn hoặc thèm ăn... Do đó, việc cha mẹ ngày ngày vẫn ở cùng con mà không nhận ra là điều khó chấp nhận và cho thấy sự thiếu quan tâm của gia đình dành cho trẻ.
Tình yêu tuổi học trò: Định hướng sao cho đúng
Trong môi trường học đường, chuyện rung động đầu đời là điều hết sức bình thường và bố mẹ không nên ngăn cấm. Thay vào đó, bố mẹ cần dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện và chia sẻ với con. Phân tích cho con về những điều được, mất khi yêu… để con có sự chuẩn bị về mặt tâm lý nếu tình cảm đó không tồn tại lâu dài, đặc biệt là giúp con hiểu được không nên đi quá xa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nghĩ và làm được điều đó. Nhiều người đã chọn cách ngăn cấm khi biết con yêu. Đó được cho là phản khoa học, dễ khiến trẻ phản ứng và có những suy nghĩ tiêu cực, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập, cuộc sống của con.
Cũng do phần nhiều phụ huynh không muốn con mình yêu sớm nên khi biết con thích bạn nào đó, thường có sự ngăn cản. Do đó, rất ít em dám công khai, nói chuyện với bố mẹ về người yêu của mình. Điều này khiến nhiều bố mẹ không hề hay biết để có những cảnh báo. Do đó, có những em đã không giữ được bản thân mà không hiểu rõ hậu quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh truyền thông “giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản vị thành niên”cho giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương trong tháng 3-2025.
Qua trao đổi với nhiều giáo viên, chúng tôi nhận thấy, nhiều thầy cô không dám/không thể và không biết nói về tình dục, mang thai, phá thai... với học sinh thế nào. Vì cho rằng đó là vấn đề khá nhạy cảm và lo ngại bản thân đang “vẽ đường cho hươu chạy”.
Về phía phụ huynh, nhiều người do quá bận rộn với công việc, ít quan tâm đến con cái và thường chỉ nghĩ đến thành tích học tập nên đã bỏ qua sự thay đổi về tâm sinh lý của con. Điều này đã tạo ra khoảng trống cực kỳ nguy hiểm giữa cha mẹ và con cái. Trẻ không có chỗ để chia sẻ, giãi bày, tìm kiếm lời khuyên.
Theo chia sẻ của một số bác sĩ sản khoa: Có những em biết rõ mình mang thai nhưng không biết làm thế nào, không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng chửi… nên cứ để thế đến lúc sinh. Lại có những em thực sự không biết mình mang thai do thiếu kiến thức. Nhiều người cho rằng, một đứa trẻ sợ đến mức im lặng suốt 9 tháng, thì lỗi khi đó không hẳn thuộc về đứa trẻ, mà thuộc về những người lớn đã không xây dựng được một môi trường an toàn, đủ tin tưởng để trẻ dám nói sự thật.
Giải pháp không nằm trong lý thuyết
Trong những năm qua, ngành Y tế cũng như ngành Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cho các cấp học về giới cũng như sức khỏe sinh sản vị thành niên. Trong đó có việc tổ chức hoạt động truyền thông, tích hợp giáo dục giới tính vào một số môn học như sinh học, giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giáo dục giới tính vẫn được cho là “thêm vào nếu có thời gian”, mà chưa thực sự trở thành nội dung chính khóa.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng, giáo dục giới tính cần trở thành môn học bắt buộc. Bắt đầu từ tiểu học, nội dung cần phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý. Đồng thời phải sớm thay đổi tư duy của giáo viên, phụ huynh - để vấn đề giới tính không còn là điều “ngại nói”.
Trong một xã hội với đầy cám dỗ và không thiếu những quan điểm sống lệch lạc, thiếu chuẩn mực được công khai vô tư trên các nền tảng mạng xã hội, đã tác động tiêu cực tới nhận thức, hành vi của trẻ. Thực tế này càng cần sự quan tâm, gần gũi nhiều hơn nữa của gia đình, nhà trường (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) dành cho em, để các em hiểu, biết cách bảo vệ bản thân trước những cám dỗ, cũng như dám chia sẻ những điều khó nói.
Và xã hội cũng cần ngừng chỉ trích các em khi sự cố xảy ra. Hãy nhìn nhận các vụ việc như một hệ quả của sự thiếu hụt đồng bộ về giáo dục, thông tin, chăm sóc. Cảnh báo là cần thiết, nhưng trách nhiệm luôn nằm ở người lớn trước tiên.
T.H
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/hoc-sinh-mang-thai-cha-me-khong-biet-hoi-chuong-canh-bao-8df1965/