Các chuyên gia tham gia trả lời các câu hỏi của người lao động. Ảnh: BTC.
Tham gia giải đáp là các chuyên gia: Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia BHXH Khu vực I; Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Các ý kiến tại chương trình phản ánh, những năm qua, các chính sách về tiền lương và BHXH có nhiều thay đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thích ứng với tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao tính công bằng và minh bạch.
Bên cạnh đó, việc cải cách tiền lương không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất lao động, tạo động lực để mỗi cá nhân phát triển kỹ năng, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Cùng với đó, những cải cách gần đây trong chính sách BHXH như mở rộng đối tượng tham gia, tăng cường hỗ trợ người lao động trong các chế độ thai sản, hưu trí, bệnh tật… đều nhằm đảm bảo quyền lợi ngày càng tốt hơn cho người lao động.
Song, không phải người lao động nào cũng nắm bắt, hiểu đúng về quyền lợi của mình để thể chủ động bảo vệ bản thân trước những thay đổi của chính sách.
Tuổi nghỉ hưu là vấn đề người lao động quan tâm, đặt câu hỏi. Ảnh: PV
Về điều kiện, thủ tục để được mua nhà ở xã hội, chuyên gia Nguyễn Văn Hà trả lời: Theo Luật Nhà ở 2023, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác; học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp; đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở cũng thuộc đối tượng được xem xét mua nhà ở xã hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nếu thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thì bước tiếp theo cần chứng minh những điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Đối với điều kiện về nhà ở, người được mua nhà ở xã hội phải là những người chưa sở hữu nhà tại nơi có dự án; chưa mua/thuê/thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại nơi có dự án; không ở nhà công vụ.
Đối với điều kiện về thu nhập: Trường hợp độc thân thì thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, còn cặp vợ chồng thì không quá 30 triệu đồng/tháng. Để chứng minh thu nhập cần xin xác nhận bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi làm việc xác nhận (thời gian một năm liền kề, tính từ thời điểm nộp hồ sơ).
Trường hợp không có hợp đồng lao động thì có thể xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú.
Với câu hỏi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính có ảnh hưởng gì đến thông tin cư trú, làm thủ tục hành chính của người dân hiện tại không, chuyên gia Vũ Minh Huyền cho hay, hiện nay, toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính mới là đưa ra phương án, đang trong quá trình thực hiện lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề án. Do vậy, thời điểm hiện nay, công dân làm thủ tục hành chính vẫn thực hiện bình thường. Sau 30-6-2025, các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn chi tiết về nội dung này.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà thông tin thêm: Từ 1-7-2025 sẽ có các đơn vị hành chính mới, tuy vậy, quan điểm của Đảng, Nhà nước cho đến thời điểm hiện nay, các thông tin vẫn được giữ nguyên; chỉ thay đổi khi thực hiện các giao dịch bắt buộc liên quan đến thủ tục hành chính.
Hà Phong