Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Trong vụ án Phó Đức Nam (Mr. Pips) lừa đảo bị bắt giữ trên địa bàn quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) với số tiền khoảng 5.300 tỷ đồng, Cơ quan điều tra xác định có nhiều học sinh, sinh viên tham gia, sẽ bị xử lý nghiêm.
Trên 950 vụ tội phạm công nghệ cao
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), nhiều cử tri đã cùng đề cập đến vấn đề tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian qua.
Đơn cử, bà Nguyễn Thị Huệ, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh, hiện nay tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và tài sản của nhân dân.
Cử tri đề nghị Trung ương, TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng truy tìm nguồn tiết lộ thông tin cá nhân của công dân, xử lý nghiêm việc mua bán dữ liệu cá nhân; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại… để bảo vệ tài sản cho người dân.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bùi Thị Minh Hoài cho biết, thời gian qua lực lượng Công an TP Hà Nội đã tích cực, chủ động phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Loại tội phạm này rất phức tạp, cá nhân tôi cũng thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại thuộc dạng này. Cơ quan chức năng của cả nước và Hà Nội đang rất tích cực triệt phá. Nhân dân cũng cần cảnh giác hơn. Phải cùng nhau tuyên truyền, cảnh báo cho người thân của mình, nhất là không tiếp tay cho loại tội phạm này...”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Nhóm tội phạm này không chỉ sử dụng các thủ đoạn tinh vi, đa dạng, mà còn lợi dụng yếu tố địa lý - thường xuyên điều hành hoạt động lừa đảo từ nước ngoài - để né tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng trong nước. Đây là thách thức lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm mới, nguy hiểm và khó kiểm soát này.
Trước tình hình đó, Công an TP Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng chức năng các địa phương, tập trung đấu tranh quyết liệt, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây lừa đảo công nghệ cao.
Riêng trong năm 2024, Công an Hà Nội đã phát hiện, điều tra và xử lý trên 950 vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, trong đó có gần 500 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, với tổng thiệt hại ước tính hơn 850 tỷ đồng.
Nhiều chuyên án lớn đã được phá thành công, bóc gỡ các tổ chức tội phạm sử dụng hình thức mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, ngân hàng, hay tuyển cộng tác viên online để lừa đảo người dân. Trong đó có những vụ việc các đối tượng cầm đầu điều hành từ nước ngoài như Campuchia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)....
Thu giữ tài sản 5.300 tỷ đồng từ vụ TikToker Mr Pips
Lấy dẫn chứng về loại tội phạm này, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, năm 2024 đã phá 2 vụ án lớn liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó có vụ án liên quan đến Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ cầm đầu.
Cơ quan công an đã bắt giữ, khởi tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Không tố giác tội phạm, Rửa tiền với 33 bị can, truy nã quốc tế 5 bị can, thu giữ tài sản lên đến 5.300 tỷ đồng.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, liên quan đến vụ án này, ở quận Cầu Giấy có nhiều học sinh, sinh viên tham gia và “những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”, phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia.
Vụ thứ hai, đối tượng Đỗ Huy Hoàng (quê Bắc Giang) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn dụ dỗ người dân chuyển tiền để đầu tư tiền ảo. Cơ quan chức năng thu giữ tổng giá trị các tài sản xe ô tô, bất động sản khoảng 500 tỷ đồng, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng phong tỏa số tiền 22 tỷ đồng.
“Lỗi này phần lớn đến từ người dân. Mặc dù Công an Hà Nội nói riêng và lực lượng công an cả nước nói chung, cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhiều lần cảnh báo, nhưng người dân vẫn không biết đề phòng, vẫn sập bẫy lừa đảo.”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói và cho rằng việc này “đáng phải lên án”.
Một số tang vật vụ án bị cơ quan chức năng thu giữ.
Bài học “việc nhẹ, lương cao”
Từ vụ Mr Pips lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng không chỉ là tội phạm mạng tinh vi, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh khi nhiều học sinh, sinh viên - người trẻ sa chân thành “mắt xích” cho tội phạm.
Luật sư Lê Thị Nhung, Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts bày tỏ, không ít sinh viên bị lôi kéo mà không ý thức được tính chất pháp lý của hành vi. Họ không có động cơ chiếm đoạt tài sản, chỉ nghĩ đang làm công việc online hoặc giúp người khác chuyển tiền. Với nhóm này, cần xử lý đúng mức độ, đặt yếu tố giáo dục lên hàng đầu thay vì trừng phạt cứng nhắc (nếu có).
Theo bà Nhung, các chiêu trò mạo danh tuyển cộng tác viên, việc làm tại nhà với thu nhập hấp dẫn vốn không còn mới. Dù nhiều lần được cảnh báo, vẫn có không ít sinh viên bị lôi kéo vào hệ thống “chốt đơn”, “giới thiệu bạn bè”, hay “đầu tư sinh lời cao”, vô tình trở thành công cụ cho các đường dây rửa tiền trá hình.
Trong một số vụ án trước đây, đã có những sinh viên bị khởi tố vì hành vi bán tài khoản ngân hàng hoặc tiếp tay chuyển tiền. Nhiều người khai rằng họ thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc đơn giản nghĩ đó chỉ là “kiếm tiền online”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, với vụ án Mr Pips, việc nhiều học sinh, sinh viên cùng dính líu (nếu có) là điều chưa từng có. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi phạm tội có yếu tố chủ động, có nhận thức rõ sai phạm mà vẫn tiếp tay, thì việc xử lý nghiêm là hoàn toàn cần thiết.
Song song với công tác điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới xuất hiện. Hàng chục chiến dịch tuyên truyền được tổ chức trên nền tảng mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp... đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Đồng thời lưu ý, thông điệp “Không quen biết, không gặp mặt, không chuyển tiền” trở thành “kim chỉ nam” giúp người dân nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.
Đăng Chúng