Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.
Chiều 21/4, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tham vấn về mô hình giáo dục học sinh tài năng cho Việt Nam”. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Bộ, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì, nhằm đề xuất một mô hình giáo dục học sinh tài năng phù hợp với điều kiện, đặc thù và xu thế phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, các nhóm nghiên cứu đã trình bày: Cơ sở lý luận về giáo dục tài năng từ các tiếp cận quốc tế; Phân tích thực trạng giáo dục học sinh tài năng tại Việt Nam, tập trung vào mô hình trường chuyên hiện hành; Mô hình đề xuất ba tầng: Câu lạc bộ ươm mầm – Lớp phát triển tài năng – Trường năng khiếu.
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, học sinh tài năng là chủ đề quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của nhà trường và xã hội.
Các em không chỉ là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình phát triển chiến lược quốc gia. Đây là nhóm đối tượng đặc biệt cần được quan tâm đúng mức, bởi còn nhiều khoảng trống trong việc phát huy tối đa tiềm năng của học sinh tài năng.
Toàn cảnh hội thảo.
Thực tế cho thấy, quá trình tuyển chọn học sinh tài năng hiện nay vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào thành tích học thuật, trong khi chúng ta mong muốn thế hệ trẻ không chỉ xuất sắc về kiến thức, mà còn toàn diện về tư duy, năng lực sáng tạo và phẩm chất cá nhân.
“Nếu chúng ta trao cho học sinh tài năng cơ hội, các em sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, mang lại giá trị lớn cho xã hội” - Viện trưởng Lê Anh Vinh nhìn nhận. Vì thế, điều quan trọng là cần xây dựng môi trường giáo dục lý tưởng, để học sinh tài năng có thể phát triển toàn diện và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Ông Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam nâng lên rõ rệt, được quốc tế ghi nhận. Vì vậy, ông Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, mô hình giáo dục học sinh tài năng phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong kỷ nguyên mới là cần thiết.
Cho rằng, nguồn nhân lực luôn giữ vai trò then chốt, dẫn dắt sự phát triển ở mọi quốc gia, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, cần phát hiện, nuôi dưỡng và bồi dưỡng năng khiếu để tạo nguồn nhân tài, đặc biệt trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là ưu tiên chiến lược của đất nước.
Ông Tạ Ngọc Trí chia sẻ tại hội thảo.
Cùng quan điểm, NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội nhấn mạnh, cần thiết tháo gỡ những thách thức liên quan đến cơ sở pháp lý và chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên. Ông cũng đề xuất triển khai đề tài ở quy mô thí điểm, với hệ thống tiêu chí nhận diện được xây dựng đơn giản, phù hợp và gần gũi với đời sống thực tế.
Hội thảo diễn ra thành công.
Hội thảo cũng là dịp kết nối giữa lý luận – thực tiễn – chính sách, hướng tới việc hình thành chiến lược quốc gia về phát triển tài năng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tại phiên tham vấn ghi nhận nhiều góp ý sâu sắc từ đại biểu, xoay quanh các vấn đề như: phát huy hơn nữa giá trị của hệ thống trường chuyên, phương pháp nhận diện học sinh tài năng, cá nhân hóa chương trình học, đào tạo giáo viên và xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bộ giữa các cấp.
Minh Phong