Học sinh được trải nghiệm nghề nghiệp trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp.
Ngày 12/12, HĐND TP Đà Nẵng bắt đầu phiên thảo luận hội trường tại kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố khóa X.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Minh Hải - Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế. Theo đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với phát triển của thành phố, chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động, tình trạng thiếu lao động cục bộ vẫn còn xảy ra.
“Sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa bền vững, tỷ lệ người lao động trúng tuyển thông qua các ngày hội việc làm chưa nhiều. Nhu cầu nhiều nhưng tỷ lệ đạt dưới 10%”, ông Hải nêu rõ.
Ngoài ra, thông tin thị trường lao động, việc làm chưa phổ biến đến cơ sở, đến người lao động, khả năng đáp ứng về trình độ, kỹ năng lao động, kỹ năng việc làm, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…
Đại biểu Hải kiến nghị, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động để xác định mục tiêu đào tạo từng giai đoạn, bố trí nguồn lực tương ứng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường trong giải quyết việc làm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng khả năng kết nối cung cầu lao động; hoàn thành cơ sở dữ liệu về xây dựng việc làm; xây dựng các app thông tin về thị trường lao động đến tay người dân; đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng cho rằng, đối với chính sách dạy nghề, ngành LĐTB&XH đã có nhiều chính sách tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng, tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, lớp 12, gắn kết học sinh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Ông Hoàng cho hay, theo báo cáo của Sở GD&ĐT và Sở LĐTB&XH trong năm 2023 toàn thành phố có 17.366 học sinh thi tuyển sinh lớp 10, trong đó 14.866 đỗ trong kỳ thi tuyển sinh này, còn khoảng 2.500 học sinh không đỗ. Có 1.779 học sinh đi học nghề, số còn lại không học nghề. So với các địa phương khác, tỷ lệ học sinh theo học nghề ở Đà Nẵng thuộc dạng cao.
Đối với việc đào tạo, Đà Nẵng có 61 trường dạy nghề và cơ sở giáo dục đào tạo. 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp và 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Năm 2024, thành phố tuyển được 33.000/46.000 chỉ tiêu, đạt trên 70%.
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Đà Nẵng cho biết, hiện công tác tuyên truyền chưa mạnh và nhận thức về học nghề của người dân chưa cao.
"Ngành LĐTB&XH tuyên truyền rất khó, mong các địa phương cùng đồng hành. Hiện nay điểm đỗ đại học rất thấp vì thế nhiều gia đình vẫn cho con học đại học, vẫn thích phổ cập đại học...", ông Hoàng chia sẻ.
Cạnh đó, trang thiết bị học tập tại các trường chưa cập nhật kịp thời, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề chưa gặp nhau. Doanh nghiệp không quan tâm việc dạy nghề, đôi lúc tự tuyển và tự đào tạo.
Thời gian tới, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết sẽ tham mưu UBND TP triển khai kế hoạch giai đoạn dạy nghề 2025-2030 tầm nhìn 2045. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về việc học nghề. Tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đội ngũ giáo viên... liên kết các trường, tăng cường công tác kiểm tra. Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục tổ chức ngày hội việc làm, xuất khẩu lao động, phối hợp ngân hàng chính sách cho vay vốn làm ăn...
Ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, vấn đề dạy nghề, việc làm là vấn đề thường xuyên và có sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt trong điều kiện thành phố định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực mới.
Ông Thắng cho biết thêm, sắp tới cùng với việc đổi mới, thành phố sẽ có các ngành lớn hơn, công tác này sẽ tập trung vào đầu mối cụ thể, sẽ giúp cho việc định hướng đào tạo nghề, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố phù hợp hơn.
Hoàng Vinh