Phần thi chào hỏi đến từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Ngày 15/12, Sở GD&ĐT tổ chức chung kết Hội thi tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các trường THPT, Trung tâm GDTX tỉnh Nghệ An năm 2024.
Hội thi gồm 2 vòng trực tuyến và chung kết bằng hình thức sân khấu hóa. Vòng chung kết có sự tham gia của 10 đội tuyển với gần 150 thí sinh, diễn viên đến từ 10 đơn vị được tuyển chọn từ cơ sở.
Đại diện ban tổ chức hội thi tặng cờ lưu niệm cho đại diện các đơn vị tham gia vòng chung kết. Ảnh: Hồ Lài
Trước đó, vòng thi trực tuyến đã diễn ra từ ngày 15/11 đến 05/12 với sự tham gia của 109 trường THPT và TT GDTX trên địa bàn tỉnh. Kết quả 10 đội xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – Phó trưởng ban tổ chức hội thi nhấn mạnh, bình đẳng giới là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Bình đẳng giới trở thành một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh.
Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Phó trưởng ban tổ chức chào mừng các đội thi tham gia vòng chung kết. Ảnh: Hồ Lài
Với ngành giáo dục tỉnh, những năm qua công tác bình đẳng giới đã có nhiều hoạt động và đạt được kết quả rõ nét, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cộng đồng, xã hội vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong môi trường học và gia đình, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang diễn ra với nhiều hình thức khác nhau.
Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) mang đến hội thi vũ điệu kết đoàn trong phần thi chào hỏi. Ảnh: Hồ Lài
Từ ý nghĩa trên, hội thi tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức nhằm mục đích đa dạng hóa các hoạt động, hình thức phổ biến, tuyên truyền. Qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, chính sách, các quy định về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Vòng chung kết gồm 4 phần thi, được Ban giám khảo chấm trực tiếp. Ảnh: Hồ Lài
Đồng thời thông qua hội thi, lan tỏa các thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự hưởng ứng của thanh niên, học sinh.
Tại vòng chung kết, 10 đội chơi tham gia tranh tài gồm Trường THPT Quế Phong, THPT Lê Lợi, THPT Quỳnh Lưu 4, THPT Hoàng Mai, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Thanh Chương 3, THPT Đô Lương 4, THPT Kỳ Sơn, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner và Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu.
Phần thi hùng biện của các đội thi. Ảnh: Hồ Lài
Các đội chơi sẽ trải qua 4 phần thi gồm chào hỏi, kiến thức, tiểu phẩm và hùng biện. Nội dung thi tập trung vào vấn đề tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối tượng dự thi là học sinh THPT tại các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh, nhằm lan tỏa thông điệp tích cực về bình đẳng giới. Ảnh: Hồ Lài
Tham gia hội thi, các đội còn giới thiệu về truyền thống hiếu học, lịch sử, văn hóa đặc sắc của địa phương mình. Đồng thời thể hiện kiến thức, kỹ năng qua các phần thi sân khấu hóa, lan tỏa các thông điệp tích cực về bình đẳng giới.
Hồ Lài