Học sinh thừa cân, béo phì ở TPHCM cao hơn rất nhiều so với cả nước và mức 'báo động đỏ' trong khu vực

Học sinh thừa cân, béo phì ở TPHCM cao hơn rất nhiều so với cả nước và mức 'báo động đỏ' trong khu vực
15 giờ trướcBài gốc
Thông tin trên vừa được Sở Y tế TPHCM cho biết chiều 9/7 tại hội nghị "Sơ kết hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân 6 tháng đầu năm 2025".
Theo đó, tính từ tháng 10/2024 tới nay, Sở Y tế TPHCM đã nhập dữ liệu thành công hơn 1,21 triệu học sinh các cấp, từ mầm non tới THPT, chiếm khoảng 72% so với tổng số học sinh trên địa bàn.
Dữ liệu cho thấy, có hơn 37% học sinh thừa cân, béo phì (hơn 20,69% thừa cân; 17% béo phì).
Học sinh thừa cân, béo phì. Ảnh: Sở Y tế TPHCM.
Liên quan tới tình trạng thừa cân, béo phì, trong một hội nghị khoa học diễn ra hồi cuối năm 2024, chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Hồng Phương (UNICEF Việt Nam) đã lên tiếng báo động.
Theo chuyên gia, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã gia tăng. Cụ thể, ở nhóm trẻ từ 5 tới 19 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% hồi năm 2010 lên tới 19% vào năm 2020.
Riêng khu vực thành thị ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì được ghi nhận 26,8% vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 18,3%, khu vực miền núi là 6,9%.
Chuyên gia UNICEF Việt Nam còn so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ghi nhận vào năm 2020, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì trung bình vào khoảng 17,3%.
Hội nghị Sơ kết 6 tháng ngành Y tế TPHCM.
Nếu so sánh riêng với các nước trong khu vực nhưng có mức thu nhập thấp và trung bình thì tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì của Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, tỷ lệ này là 13,4% tại Campuchia; 16,6% tại Lào; 14,1% tại Myanmar; 14,5% tại Philippines; 18,0% tại Indonesia. Dữ liệu này được ghi nhận vào năm 2020.
Chuyên gia cảnh báo: Nếu không can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em từ 5 tới 19 tuổi bị thừa cân, béo phì.
So với các dữ liệu được chuyên gia UNICEF Việt Nam đưa ra, tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh ở TPHCM hiện nay (37%) ở mức báo động, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước ghi nhận hồi năm 2020 (26,8%).
Còn nếu so sánh với tỷ lệ thừa cân béo phì trung bình của trẻ ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ghi nhận hồi năm 2020 là 17,3%, thì tình trạng thừa cân, béo phì của học sinh ở TPHCM ở mức "báo động đỏ".
Đỗ Bá
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ty-le-thua-can-beo-phi-o-hoc-sinh-tai-tphcm-cao-hon-rat-nhieu-so-voi-ca-nuoc-va-muc-bao-dong-do-trong-khu-vuc-169250710072128944.htm