Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 6 tháng triển khai thí điểm mô hình kết hợp giữa trạm y tế và trường học trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học, tỷ lệ học sinh bị sâu răng đã giảm đáng kể.
Chăm sóc răng miệng cho học sinh - Ảnh: PV
Cụ thể, trong đợt 1 (tháng 4 - 5.2024) có 6.719 học sinh tiểu học được khám và chăm sóc, đạt tỷ lệ tham gia 88,7% so với tổng số học sinh. Đến đợt 2 (tháng 10 - 11.2024) có 6.612 học sinh tái khám, chiếm 97,9%.
Các biện pháp điều trị dự phòng, bao gồm bôi vecni fluor, trám bít hố rãnh và tư vấn vệ sinh răng miệng, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ sâu răng chung ở học sinh giảm từ 63,3% trong đợt 1 xuống còn 50,7% trong đợt 2, trong đó tỷ lệ sâu răng cối vĩnh viễn giảm đáng kể từ 40,44% ở đợt 1 còn 22,33% ở đợt 2.
Tỷ lệ viêm nướu cũng giảm mạnh từ 45,2% ở đợt 1 còn 33,67% ở đợt 2. Tình trạng sâu răng của học sinh đã được phát hiện, ghi nhận và báo cáo cho giáo viên, phụ huynh/người giám hộ để đưa trẻ đi điều trị kịp thời, đồng thời tỷ lệ sâu răng mới được hạn chế bằng biện pháp điều trị dự phòng như bôi vecni flour cho 100% học sinh được khám, trám bít hố rãnh cho những học sinh có nguy cơ cao.
Sở Y tế TP.HCM đánh giá đây là những kết quả tích cực, minh chứng cho sự hiệu quả của chương trình trong việc cải thiện sức khỏe răng miệng học sinh.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế chương trình thí điểm cũng chỉ ra những khó khăn thách thức, đặc biệt là sự thiếu hụt nhân sự y tế chuyên trách tại các trạm y tế và trung tâm y tế so với số lượng học sinh; chưa có cán bộ chuyên trách nha học đường ở các trạm y tế, hầu hết là kiêm nhiệm chưa được đào tạo về kỹ năng lâm sàng. Đối với huyện Cần Giờ, vị trí địa lý xa trung tâm và lực lượng nhân sự hạn chế đã gây trở ngại trong việc triển khai kỹ thuật và vận chuyển vật tư, thiết bị y tế đến các điểm trường.
Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tổng kết và xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng chương trình thí điểm mô hình trường - trạm trong chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học năm 2025 và những năm tiếp theo.
Sở Y tế TP tin tưởng với nỗ lực không ngừng từ ngành y tế, giáo dục và sự ủng hộ của toàn xã hội, mô hình trường - trạm chắc chắn sẽ mang lại những giá trị lâu dài, góp phần xây dựng một thế hệ học sinh khỏe mạnh và tự tin hơn trong tương lai; khẳng định cam kết của TP trong việc chăm sóc và bảo vệ thế hệ trẻ, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh và bền vững.
Trước đó, từ tháng 4.2024, Sở Y tế TP.HCM bắt đầu triển khai thí điểm mô hình kết hợp giữa trạm y tế và trường học, trong đó thành lập các tổ nha lưu động bao gồm các nhân viên từ trường học, trạm y tế, trung tâm y tế, được sự hỗ trợ của 2 bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt đầu ngành của TP (Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Răng hàm mặt thành phố). Các tổ nha lưu động của Trung tâm y tế đã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng cho các học sinh đang học tại 7 trường tiểu học tại 4 quận, huyện như quận 1, quận 5, quận 6 và huyện Cần Giờ.
Hồ Quang