Học sinh TP.HCM nêu giải pháp cho 2,3 triệu tấn thức ăn thừa

Học sinh TP.HCM nêu giải pháp cho 2,3 triệu tấn thức ăn thừa
14 giờ trướcBài gốc
Học sinh trường Phổ thông Năng khiếu giành giải nhất khối học sinh trong cuộc thi Hackathon Logistics Nhân đạo 2025. Ảnh: BTC.
Trong cuộc thi Hackathon Logistics Nhân đạo 2025, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) và sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM xuất sắc gây ấn tượng với giám khảo và giành giải nhất nhờ việc kiến tạo giải pháp logistics nhân đạo - cụ thể là ý tưởng đột phá giúp tối ưu vận chuyển thực phẩm cho người yếu thế và phân phối thức ăn thừa.
Trong vòng chung kết, đội Scammersn't, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) hướng tới bài toán lãng phí thực phẩm - khi Việt Nam có đến 2,3 triệu tấn thức ăn dư mỗi năm chưa được tái phân phối.
Theo đó, đội thi của trường Phổ thông Năng khiếu đề xuất xây dựng hệ sinh thái kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng thông qua nền tảng FoodBank.
Giải pháp mà nhóm đưa ra bao gồm hệ thống tem dán QR sinh học kèm thông tin sản phẩm và hạn sử dụng, giúp tracking real-time (theo dõi thời gian thực), tăng độ tin cậy từ cả doanh nghiệp lẫn người nhận.
Việc giao hàng được tập trung tại cấp phường/xã thay vì từng hộ riêng lẻ, từ đó giảm chi phí giao hàng chặng cuối và tăng độ chính xác nhờ vào sự am hiểu địa bàn của cán bộ địa phương.
Đội thi của Đại học Kinh tế TP.HCM giành giải nhất của khối sinh viên và nhận giải thưởng 25 triệu đồng. Ảnh: BTC.
Bên cạnh đó, nhóm cũng xây dựng chiến dịch truyền thông “Trao bữa ăn - Gửi yêu thương”, kết nối với các nền tảng giao hàng nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia quyên góp bằng các động lực cụ thể như huy hiệu, quảng bá hay giảm chi phí.
Trong khi đó, đội AIDvance (sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM) tập trung vào tối ưu hóa last-mile delivery (giao hàng chặng cuối) cho người yếu thế bằng cách xây dựng mô hình giao hàng cộng đồng hóa.
Thay vì sử dụng lực lượng thương mại, nhóm đề xuất huy động những “shipper đặc biệt” là người dân địa phương, từng là người yếu thế, nay trở thành cầu nối nhân đạo.
Các công cụ công nghệ sẵn có như Zalo, TimeStamp Camera và Google Sheets được nhóm sinh viên tận dụng để điều phối, giám sát, tránh lãng phí nguồn lực và tăng tính khả thi trong mở rộng mô hình.
Công tác giao hàng được thực hiện theo lịch cố định hoặc tại điểm tập trung như UBND xã, trạm y tế, giúp đảm bảo an toàn và tính chính thống.
"Giải pháp này không chỉ giúp tối ưu hóa việc vận chuyển thực phẩm, mà còn kết nối con người với con người, từ đó lan tỏa sự nhân đạo, hiệu quả và bền vững trong công cuộc hỗ trợ cộng đồng người yếu thế", nhóm sinh viên chia sẻ.
Hackathon Logistics Nhân đạo 2025 là sáng kiến của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Đại học Kühne Logistics (KLU), dưới sự chỉ đạo của Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM. Cuộc thi được tổ chức với sứ mệnh nâng cao hiệu quả cứu trợ thiên tai và khủng hoảng nhân đạo tại Việt Nam.
Không đơn thuần là một cuộc thi, chương trình còn là cơ hội để kết nối các nhà sáng tạo, các chuyên gia logistics và cộng đồng học sinh, sinh viên cùng giải quyết thách thức nhân đạo, hướng tới một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau.
Mỗi giải pháp được đề xuất không chỉ thể hiện sự đổi mới mà còn mang đến hy vọng cứu sống nhiều mạng người trong những tình huống khẩn cấp. Những ý tưởng xuất sắc từ cuộc thi hứa hẹn sẽ mở ra những hướng đi mới trong việc tối ưu hóa vận chuyển và phân phối hàng cứu trợ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.
Thái An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/hoc-sinh-tphcm-neu-giai-phap-cho-2-3-trieu-tan-thuc-an-thua-post1547774.html