Học sinh và phụ huynh 'đứng ngồi không yên' với những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Học sinh và phụ huynh 'đứng ngồi không yên' với những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
6 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đó. Điểm nổi bật nhất là kỳ thi sẽ chuyển đổi từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực tổng quát của học sinh. Điều này đòi hỏi các em phải nắm vững không chỉ kiến thức mà còn khả năng tư duy và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Nhiều học sinh cảm thấy hoang mang trước những thay đổi này. Các em cho biết, cách học và ôn tập theo chương trình mới có sự khác biệt lớn so với những gì đã quen thuộc trong nhiều năm qua. Em Phạm Hà Phương, học sinh lớp 12, Trường THPT Thượng Cát (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết: “Sự đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm chúng em phải thay đổi cách học rất nhiều, từ việc chỉ học thuộc lòng sang tìm hiểu sâu hơn về cách vận dụng kiến thức. Nhất là môn Văn sẽ thi hoàn toàn ngoài chương trình học của chúng em. Điều này không dễ dàng chút nào”.
Các em cũng đối mặt với áp lực lớn từ việc phải tham gia các kỳ thi thử và các lớp ôn tập chuyên biệt để thích nghi với dạng bài mới. “Em lo lắng không biết mình có thể làm tốt trong kỳ thi chính thức không, vì dạng đề thi mới đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, không chỉ là nhớ kiến thức” - em Phan Dương Minh Thu, học sinh Trường THPT Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bộc bạch.
Kỳ thi THPT 2025 đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy toàn diện
Không chỉ học sinh, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy áp lực và lo ngại cho con em mình. Bà Trần Thị Thúy Hà, một phụ huynh tại Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi không biết phải hỗ trợ các con thế nào khi mà kỳ thi thay đổi quá nhiều. Việc ôn tập không chỉ là nhồi nhét kiến thức mà con phải học cách tư duy và giải quyết vấn đề, điều mà gia đình khó có thể giúp đỡ được”.
Thầy Chu Tiến Đức, giáo viên môn Toán có kinh nghiệm lâu năm trong việc ôn thi đại học chia sẻ, đối với thay đổi của kỳ thi 2025, nếu nói không lo lắng thì không đúng, bởi vì các em học sinh vẫn chưa tiếp cận được hết với tất cả các đề thi. Do đó, giáo viên cần phải trang bị, cho học sinh dần tiếp cận với cấu trúc mới.
"Tuy nhiên, đề thi 2025 lại có sự phân hóa khiến tôi cảm thấy rất hay, đặc biệt là phần III của những môn trắc nghiệm phải điền đáp án, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và tính toán rất cẩn thận. Hơn nữa, việc phải tự ghi đáp án tránh những trường hợp học sinh khoanh bừa đáp án trắc nghiệm những câu khó mặc dù không biết làm. Cấu trúc mới như vậy giúp tạo ra một môi trường thi cử công bằng hơn vì kết quả của kỳ thi không phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng ghi nhớ mà vào tư duy và năng lực thực sự của mỗi học sinh” - Thầy Đức cho hay.
“Mặc dù em vẫn còn lo sợ với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng việc thay đổi cấu trúc đề thi giúp em không còn áp lực vì phải học thuộc lòng nhiều kiến thức, nhất là môn Ngữ Văn. Em tin rằng điểm số trong kỳ thi THPT sắp tới sẽ đánh giá đúng năng lực của từng bạn học sinh tụi em” - em Thịnh Ngọc Mai, học sinh lớp 12 Trường THPT Thượng Cát vui vẻ nói.
Em Thịnh Ngọc Mai - học sinh lớp 12 THPT Thượng Cát tin rằng điểm số trong kỳ thi THPT sắp tới sẽ đánh giá đúng năng lực của từng học sinh
Theo thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi THPT 2025, đề thi môn Ngữ văn sẽ nằm ngoài sách giáo khoa 100%. Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi bài thi gồm 3 phần (trừ môn Ngoại ngữ).
Phần I bài thi môn Toán có 12 câu, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý gồm 18 câu, các môn còn lại sẽ là 24 câu. Thí sinh sẽ chọn một trong 4 đáp án, mỗi câu trả lời đúng sẽ được 0,25 điểm.
Phần II là các câu hỏi dạng đúng sai. Mỗi câu hỏi của phần này sẽ bao gồm 4 ý, trả lời đúng 1 ý thí sinh được 0,1 điểm, đúng 2 ý được 0,25 điểm, 3 ý là 0,5 điểm và đúng cả 4 ý trong một câu thí sinh mới được 1 điểm.
Phần III là các câu hỏi ngắn, thí sinh phải tô chọn đáp án đúng. Mỗi câu đúng thí sinh được 0,25 điểm, riêng môn Toán là 0,5 điểm cho mỗi câu.
Theo các chuyên gia về giáo dục, mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đặt ra nhiều thách thức, nhưng sự thay đổi này cũng mở ra những cơ hội tích cực. Việc chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực giúp học sinh phát triển tư duy toàn diện và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Đây là sự thay đổi cần thiết để chuẩn bị cho các em sẵn sàng với những thách thức trong môi trường học tập đại học và công việc trong tương lai.
Thêm vào đó, đề thi có cấu trúc mới với mức độ phân hóa rõ ràng sẽ giúp phân loại và đánh giá đúng năng lực của từng học sinh, tạo ra một môi trường thi cử công bằng hơn. Điều này cũng giúp cho học sinh giảm bớt áp lực học thuộc lòng, khuyến khích các em học cách giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Những thay đổi này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các em phát huy tiềm năng, rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và tiếp cận với cách học tập hiệu quả hơn.
Không chỉ học sinh, sự thay đổi trong cách thi cũng khuyến khích các giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến mục tiêu đào tạo ra những thế hệ học sinh không chỉ giỏi kiến thức mà còn linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại mới.
Trong bối cảnh đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà trường và sự đồng hành của phụ huynh sẽ là yếu tố then chốt để giúp các em học sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách tự tin và thành công.
Bài và ảnh: Hà Chi
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hoc-sinh-va-phu-huynh-dung-ngoi-khong-yen-voi-nhung-thay-doi-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-353535.html