Học tập Bác làm một đảng viên tốt trong kỷ nguyên mới

Học tập Bác làm một đảng viên tốt trong kỷ nguyên mới
5 giờ trướcBài gốc
GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại tọa đàm: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890-19/5/2025.
Hằng năm, vào dịp 19/5, Chi bộ Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đều tổ chức tọa đàm sinh hoạt chính trị thông qua Tọa đàm với chủ đề: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với các chuyên đề khác nhau.
Mục đích của đợt học tập chuyên đề là một lần nữa thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh và học tập làm theo lời Bác dặn: "Sống phải có tâm trong sáng". Cái tâm ấy là đạo đức, là nhân cách sống có tình, có nghĩa, có tâm. Sống lương thiện, tử tế, có trách nhiệm với mình và xã hội.
Học tập và làm theo Bác, đại đa số mỗi tổ chức Đảng, đảng viên đã phấn đấu, tu dưỡng để góp phần nâng cao sức mạnh của Đảng, của chi bộ... vì sức mạnh của Đảng được hình thành từ sự vững mạnh của mỗi tổ chức và đội ngũ đảng viên.
Tư tưởng của Bác về hình mẫu người Đảng viên:
- Trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin.
- Kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân loại.
- Kết hợp tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Hình mẫu người đảng viên ấy được Bác gói gọn lại ở người đảng viên phải có tâm trong sáng, phải có đạo đức và nhân cách cách mạng.
Theo Người, đạo đức cách mạng là: "Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc" là "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư", là "khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ; bình tĩnh khi thắng thế". Đó chính là "Người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp".
Đạo đức người Đảng viên không phải cao siêu mà nó được biểu hiện hàng ngày thông qua thực hiện công việc, mối quan hệ, cách ứng xử và giải quyết vấn đề. Điều Bác dạy nêu trên rất dễ hiểu, mộc mạc và không khó thực hiện.
1. Bác dặn "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Mối quan hệ giữa Đức và Tài, trong đó Đức là gốc.
Giữ vững được phẩm chất đạo đức cách mạng trong điều kiện Đảng có chính quyền là cực kỳ khó vì tài năng con người thường biểu hiện ra ngoài, mọi người đều biết, còn động cơ xấu thường được giấu kín, rất khó kiểm tra. Chỉ có tự đảng viên mới hiểu rõ mình.
Do đó, mỗi Đảng viên không lấy việc tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức làm nhiệm vụ hàng đầu thì dễ sa ngã, dễ mắc sai phạm và có tội với nhân dân, như một số cán bộ, đảng viên cao cấp, cấp cao... vừa qua.
2. Bác Hồ dạy: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy dân làm gốc, thực hiện "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Gắn bó với quần chúng là phải hòa mình với quần chúng thành 1 khối.
-Lấy dân làm gốc nhưng không được mị dân, phải "miệng nói, tay làm". Quần chúng tin yêu Đảng thông qua cả lời nói và việc làm của đội ngũ đảng viên.
3. Về đoàn kết Bác dạy: Phải đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Toàn thể đảng viên phải "Tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí". "Phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
4. Bác dạy: Về tinh thần đấu tranh, đảng viên phải "Kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng và hành động sai trái, phản động, là địch dễ nhận biết bên ngoài, địch ở bên ngoài, chống lại nó là lâu dài, gian khổ, trước hết là chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, bệnh giáo điều và chủ nghĩa cá nhân là địch ở bên trong con người mình. Tự mình phải dũng cảm chống lại nó. Để là người Đảng viên có đạo đức phải "Học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình. Phải cố gắng học tập mà Đảng và Chính phủ giao cho mình. Phải cố gắng học tập văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
"Một bộ phận không nhỏ đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, thoái hóa, biến chất sa vào vòng lao lý. Tình trạng tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ở một bộ phận không nhỏ là rất nghiêm trọng".
HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM HỌC TẬP VÀ LÀM THEO ĐẠO ĐỨC, NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã vận dụng tư tưởng của Người vào thực hiện công việc hằng ngày và suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong suốt những năm qua.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Việt Nam đã duy trì bền bỉ những công việc sau:
1. Giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống về tấm gương đạo đức của Bác. Hằng năm, đều lấy lời dạy của Bác để chỉ đạo toàn hệ thống tổ chức Hội thảo khoa học ở địa phương mình và ở Trung ương Hội thì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chức Hội thảo cấp quốc gia về vấn đề lựa chọn. Các hội thảo đã thu hút được nhiều nhà khoa học tham gia và rất thành công.
Từ nội dung được làm rõ trong Hội thảo, đã đề xuất xây dựng được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo (tiêu chí về 5 mô hình, phong trào thi đua...). Có hội thảo kết quả được in thành sách "Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo công dân tốt, cán bộ tốt" (Tháng 9/2024).
Đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tổ chức được 8 hội thảo khoa học cấp quốc gia. Các tỉnh, thành cũng đều tổ chức hội thảo ở địa phương mình trước khi Trung ương Hội tổ chức.
2. Ngoài tổ chức các hội thảo lớn nêu trên, hằng năm chi bộ cơ quan Trung ương Hội phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc tọa đàm về lời dạy của Bác, vận dụng vào nội dung công tác của Hội như: "Học tập tấm gương tự học của Bác - liên hệ bản thân". "Mỗi cán bộ khuyến học là một cán bộ dân vận khéo", "Những biểu hiện cơ hội, thực dụng trong cán bộ, đảng viên hiện nay - liên hệ bản thân"... vận dụng thực hiện lời dạy của Bác "Học không bao giờ cùng" trong hệ thống Hội; Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện Di chúc của Bác nhân kỷ niệm 50 năm Di chúc ra đời..., Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện lời dạy "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu..."
Từ việc đúc kết tư tưởng tấm gương của Bác về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, tự học, về tiêu chuẩn của người Đảng viên về đạo đức, năng lực, trình độ (Đức - Tài) mà Hội đã có nhiều chương trình, nội dung triển khai nhiệm vụ được giao gắn với lời dạy của Bác (về xây dựng xã hội, học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt). Cán bộ, đảng viên cơ quan Trung ương Hội đã nâng cao nhận thức, nêu cao trách nhiệm, tu dưỡng đạo đức theo lời dạy của Bác.
Để không có "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" để "Dân ta ai cũng được học hành, học không bao giờ cùng", thông qua hội thảo, Hội đã xây dựng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư đánh giá 5 bộ tiêu chí cho 5 mô hình học tập "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập", "Công dân học tập" thực hiện trên toàn quốc nhằm giúp mọi người thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập của mình theo mong ước của Bác: "Ai cũng được học hành"... 5 bộ tiêu chí này đã được triển khai thực hiện trên 63 tỉnh, thành.
Hội đã hội thảo và xây dựng các nội dung phong trào thi đua, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện, chỉnh lý, xin ý kiến các cơ quan, ban ngành để tháng 6/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" và đã ban hành Quyết định 1315/QĐ-TTg để thực hiện trong phạm vi toàn quốc sau 75 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Thấm nhuần lời dạy của Bác về "Học không bao giờ cùng", Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam quyết định ra đời Học bổng "Học không bao giờ cùng". Học bổng mang tên lời dạy của Bác nhằm khuyến khích, thúc đẩy cả người lớn ở mọi lĩnh vực và học sinh, sinh viên các cấp học có thành tích học tập xuất sắc. Học bổng ra đời có sức lan tỏa lớn, tạo động lực phấn đấu, động viên tinh thần học tập của tất cả các lứa tuổi hăng say học tập. Học bổng được trao hàng năm, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Cùng với đó, để cổ vũ tinh thần học tập của toàn dân, đặc biệt lan tỏa các tấm gương học tập tiêu biểu, Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình "Khuyến học - Hành trình tri thức" được phát sóng vào chiều chủ nhật hàng tuần. Tạp chí Công dân và Khuyến học phát hành hằng ngày thông tin về khuyến học, lan tỏa rộng rãi những tấm gương học tập, phấn đấu tốt, làm theo lời Bác dạy trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Uy tín của Hội ngày càng được nâng cao chính vì hàng ngày học Bác, thực hiện lời dạy của Bác, vận dụng sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao: "Khuyến khích, thúc đẩy, vận động toàn dân học tập, học tập suốt đời", hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường; phối hợp với các lực lượng xã hội thực hiện khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập". Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đã ký chương trình phối hợp với 14 tổ chức có tổ chức chính trị - xã hội, bộ, ngành...
Đó mới là 1 phần công việc của Hội trong triển khai, thực hiện lời dạy của Bác ở lĩnh vực chuyên môn.
2. Cán bộ, đảng viên cơ quan Hội Khuyến học Việt Nam là những công dân học tập, chăm học, chăm viết (vì rất nhiều hội thảo buộc phải đọc, phải viết), do đó tri thức được nâng lên, lời dạy của Bác được thấm nhuần "Để là người đảng viên có đạo đức phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng, Chính phủ giao cho mình", phải học không bao giờ cùng...
Cơ quan Trung ương Hội là một tập thể "Già nhưng trí tuệ không già - vui tính - truyền lửa cho nhau", yêu đời và đều xứng đáng là học trò của Người.
Cán bộ các Hội Khuyến học tham dự tọa đàm Học tập đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bác dạy: Đảng viên phải có tâm trong sáng, phải là đạo đức, là nhân cách cách mạng, sống có nghĩa, có tình, sống lương thiện, tử tế, có trách nhiệm với mình và xã hội; được thể hiện hàng ngày, thông qua công việc, mối quan hệ, cách ứng xử và giải quyết vấn đề.
Toàn thể cán bộ, đảng viên Hội Khuyến học Việt Nam đã thể hiện điều đó, luôn là tập thể đoàn kết, thương yêu nhau. Cán bộ khuyến học là những người "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" không chi tiêu vô lý, hết sức tiết kiệm, miệng nói tay làm. Công việc khó mấy cũng cùng bàn bạc dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng nhau, làm việc theo nguyên tắc, trên thuận, dưới hòa, là người con hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên và Tổ quốc.
Hằng năm, Trung ương Hội tổ chức về nguồn, về với tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người hy sinh vì Tổ quốc... Không có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, chưa thấy động cơ xấu trong công việc. Tất cả cán bộ đảng viên đều cống hiến hết sức, nhất là cán bộ đã nghỉ hưu. Tất cả đều tự giác thực hiện nhiệm được giao.
Cán bộ Hội là những công dân tốt, lao động giỏi, đam mê, mẫn cán, thể hiện rõ nhất ở kết quả công việc được hoàn thành hằng năm với khối lượng công việc rất lớn, có việc rất khó nhưng đều thành công.
Cán bộ, đảng viên Hội Khuyến học đã thực hiện: "Tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí", "Phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" theo lời Bác dạy "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - liên hệ bản thân", "Mỗi cán bộ khuyến học phải là người "Dân vận khéo".
Trong phạm vi buổi tọa đàm hôm nay, tôi xin điểm qua những khía cạnh chính trong lời dạy của Bác về đạo đức người đảng viên và sắp tới mỗi đảng viên phải làm gì để thực hiện lời dạy đó của Bác.
HỌC TẬP TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG BỐI CẢNH MỚI
Thế giới hiện đang phải đối mặt với xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và sự chia rẽ trong nội bộ các nước và giữa các nước. Điều này có ảnh hưởng khôn lường đến Việt Nam.
Đặc biệt là cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin. Sự ra đời của kinh tế tri thức tác động lên lực lượng sản xuất phát triển nhanh làm thay đổi cơ cấu kinh tế.
Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng tình hình, tích cực học tập, tự học, học tập suốt đời theo gương Bác, tu dưỡng, phấn đấu để phát triển bền vững bản thân, gia đình, xã hội và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót đã có (hoặc nếu có).
Muốn vậy thời kỳ hiện nay người đảng viên phải có đủ tư cách, nghĩa là phải đủ năng lực và đạo đức, đây cũng là những yếu tố cốt lõi của nhân cách con người. Hoàn cảnh mới buộc mỗi đảng viên phải tự điều chỉnh, tự hoàn thiện tư cách của mình để đáp ứng đòi hỏi của Đảng, quần chúng và cuộc sống đặt ra.
Tư cách đảng viên bao gồm những yếu tố cơ bản: Năng lực - đạo đức (Đức và Tài). Nhưng ở mỗi thời gian khác nhau lại có những đòi hỏi mức độ khác nhau, nó phải thể hiện cụ thể ở khả năng thực tế và hiệu quả xã hội mà mỗi đảng viên thể hiện, được xã hội đánh giá thông qua kết quả công việc và các mối quan hệ ứng xử với xã hội, tổ chức, đồng nghiệp, gia đình.
Có lẽ giữa Đảng viên và người ngoài Đảng ai cũng cần có tư cách công dân mà mẫu số chung là Đức và Tài. Song khác nhau ở chỗ: Đã là đảng viên thì trước hết phải là công dân và người lao động gương mẫu, lao động giỏi và thông qua hành vi của mình, họ phải có tác dụng giáo dục đối với quần chúng.
Lấy tấm gương của Bác Hồ soi vào chúng ta thấy sở dĩ Bác đã hội tụ đầy đủ nhân cách - tư cách người Đảng viên Cộng sản, Bác là một công dân Việt Nam gương mẫu, hết lòng phụng sự nhân dân, lắng nghe dân, gần dân, tin dân và trọng dân, sống cuộc sống của dân, tự nguyện vì nhân dân phục vụ... Do đó, tấm gương của Bác, cuộc sống của Bác, sự hy sinh của Bác vì dân tộc được cả thế giới biết đến, có sức lan tỏa mạnh mẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Học Bác, chúng ta mỗi đảng viên hãy làm tốt tư cách công dân của mình, gương mẫu trong lao động, học tập trong bối cảnh mới, tích cực chuyển đổi theo hướng xanh hóa trên nền tảng số và thông qua hành vi, có tác dụng giáo dục quần chúng. Làm được như vậy, tổ chức sẽ mạnh lên, sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
GS.TS Nguyễn Thị Doan
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-tap-bac-lam-mot-dang-vien-tot-trong-ky-nguyen-moi-179250515210838485.htm