Lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người lao động ở Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long 20 tỉnh Hưng Yên). (Ảnh: TRẦN HẢI)
Bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Học tập không chỉ giới hạn trong nhà trường mà là một quá trình liên tục, diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi người. Đối với công nhân trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, việc học tập suốt đời không chỉ để nâng cao trình độ, tay nghề, cải thiện thu nhập mà còn để trang bị cho mình tác phong, kỷ luật công nghiệp. Không chỉ tiếp thu kiến thức qua sách vở, trường lớp, việc học tập suốt đời của người công nhân là quá trình không ngừng tích lũy kinh nghiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, sáng kiến trong công việc.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Những năm qua, tổ chức công đoàn đã tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
5 năm qua, các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền về học tập suốt đời, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đến 21,6 triệu lượt công nhân, lao động. Các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng được công đoàn phối hợp doanh nghiệp, trường dạy nghề triển khai, giúp công nhân cập nhật kiến thức mới, nâng cao tay nghề. Phong trào thi đua “Công nhân giỏi”, “Lao động sáng tạo” chính là cơ hội để công nhân học hỏi, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động.
Tổ chức công đoàn - cầu nối tri thức
Tại nhiều doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đề xuất chủ doanh nghiệp hỗ trợ mở lớp dạy nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đoàn viên, công nhân ngay tại doanh nghiệp.
Điển hình như: Công đoàn Công ty PouYuen (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức các lớp dạy trang điểm, cắt tóc, điện gia dụng, may thời trang miễn phí vào buổi tối, ngoài giờ làm việc cho tất cả những công nhân có nhu cầu. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai phối hợp các trường cao đẳng nghề tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn sửa chữa điện dân dụng, tin học, tiếng Nhật, tiếng Hàn.
Nhiều “Tủ sách công nhân” do tổ chức công đoàn xây dựng tại các doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội góp phần nâng cao tri thức của công nhân, người lao động, là hành động thiết thực hưởng ứng phong trào “Học tập suốt đời”.
Đặc biệt, chương trình “Học bổng Công đoàn” do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh triển khai phát động từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ 153 trường hợp, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng với mức học bổng tương đương 30%-80% học phí thực tế một năm học.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Phùng Thái Quang cho biết: Đây không chỉ là món quà vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp nhiều công nhân, viên chức, người lao động vững tin vào tương lai, tiếp tục phấn đấu vì sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội.
Nhận được học bổng vào tháng 1/2025 đã giúp mong muốn của anh Phạm Quốc Đạt, kỹ thuật viên thiết kế gia công cơ khí tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung ấp ủ bấy lâu nay thành hiện thực. Anh Đạt cho biết đã tham gia khóa học ngành cơ khí chế tạo máy Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu là giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ tự động hóa trong nhà máy, thay thế sức người bằng máy và robot.
Hay như câu chuyện của 95 công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh vừa qua là biểu hiện sinh động cho sự phấn đấu không ngừng nghỉ, điển hình cho thế hệ công nhân mới, tiên phong học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình, xã hội.
Trí thức hóa công nhân - xu thế tất yếu
Trí thức hóa công nhân là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không nên hiểu đơn giản là biến công nhân thành trí thức mà là quá trình chuyển hóa làm cho công nhân từng bước nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề và sự sáng tạo trí óc nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của nền kinh tế và cách mạng khoa học kỹ thuật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Trường đại học Công đoàn
Có thể thấy, một nền kinh tế phát triển không thể dựa vào nguồn nhân công lao động giá rẻ, mà phải dựa vào đội ngũ công nhân có trình độ cao, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vững bước vào kỷ nguyên mới, tự tin hội nhập thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Trường đại học Công đoàn nhận định: Trí thức hóa công nhân là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không nên hiểu đơn giản là biến công nhân thành trí thức mà là quá trình chuyển hóa làm cho công nhân từng bước nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề và sự sáng tạo trí óc nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của nền kinh tế và cách mạng khoa học kỹ thuật.
Như vậy, để công nhân, lao động có điều kiện học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu cấp thiết với toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, cần đồng bộ đủ ba yếu tố: Người lao động có ý chí học tập, khát vọng vươn lên; tổ chức công đoàn đưa đường, dẫn lối, đồng hành trong hành trình đưa công nhân tiếp cận tri thức.
Việc học tập suốt đời không chỉ dừng lại như một khẩu hiệu, mà phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi công nhân, lao động. Thúc đẩy động lực này có trách nhiệm không nhỏ từ Công đoàn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời; tổ chức biên soạn tài liệu về học tập suốt đời cho công nhân, lao động; tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động công nhân, người sử dụng lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các khóa học, lớp học trực tuyến ngoài giờ để công nhân linh hoạt tham gia, sau giờ lao động sản xuất.
Tại lễ ký chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2030 nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong công nhân lao động giữa tổ chức công đoàn và Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tăng cường phối hợp, đề xuất các cơ chế, chính sách, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh triển khai mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
THANH HÀ