Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao việc cấm dạy thêm học thêm bởi đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng trong xã hội. Nhiều người đồng tình và cũng không ít người băn khoăn. Là một người trong cuộc, thầy giáo Bùi Duy Phong (Giáo viên Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Hoài Nhơn, Bình Định) đã chia sẻ góc nhìn về vấn đề này:
Học thêm do nhiều nguyên nhân
Thứ nhất, cung đáp ứng cầu. Nhu cầu học thêm cần thiết của nhiều đối tượng học sinh, phụ huynh. không phải mọi học sinh đều có sự tiếp nhận kiến thức ở lớp như nhau. Nếu không học thêm thì các em học sinh yếu sẽ bị tụt hậu và khoảng cách giữa các em trong một lớp ngày càng xa dần.
Thứ hai, bệnh thành tích trong giáo dục còn nặng. Phụ huynh nào cũng mong muốn con mình giỏi, xuất sắc, điểm cao chót vót. Trường nào cũng lấy thành tích phần trăm tốt nghiệp, thi vào 10, học sinh giỏi các cấp làm thước đo thi đua.
Ảnh minh họa.
Thứ ba, chương trình giáo dục thay đổi. Đến năm học này chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 mới tới năm cuối. Nhiều giáo viên, học sinh vẫn còn đang loay hoay với chương trình. Kỳ thi THPT sắp tới đây sẽ làm nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh vô cùng lo lắng vì quyết định đến tương lai của các em. Việc cấm dạy thêm ở trường sẽ là những bất lợi cho những em không thể tự học được. Những môn học tích hợp ở cấp THCS thì giáo viên vừa học, vừa dạy. Kỳ thi vào 10 sắp tới và những năm tiếp theo sẽ là mối lo cho nhiều người nếu không đầu tư việc học cho con em mình…
Thứ tư, học để thi. So với nền giáo dục của các nước tiên tiến thì chúng ta còn quá nặng nề về thi cử. Đổi mới giáo dục toàn diện nhưng đích cuối vẫn nặng hình thức thi cử. Hãy nhìn "cuộc chiến" vào 10 ở các thành phố lớn trong những năm gần đây. Cuộc đua vào các đại học tốp đầu. Các cuộc thi đánh giá năng lực thì phổ quát mà học sinh thì học tổ hợp môn. Nếu chẳng đến các lớp học thêm thì liệu mục tiêu đặt ra liệu có đạt không?... Sự bất cập giữa học và thi đòi hỏi học sinh, phụ huynh sẽ tìm những "chiếc cầu" để qua sông và nhu cầu này là thiết thực. Các lớp học thêm trong và ngoài nhà trường chính là những "chiếc cầu kiều".
Thứ năm, vấn đề tự học. Học sinh bây giờ hầu như không biết tự học như ngày trước mà quá lệ thuộc vào giáo viên, vào sự hướng dẫn. Với quá nhiều phương tiện nhưng ngược lại học sinh ít có tinh thần tự giác tìm tòi, học hỏi. Giáo viên dạy gì học nấy. Nếu thế đã tốt lắm rồi vì có khi dạy mười, học chỉ có bốn, năm thôi. Nhiều em rất lười vì giờ toàn "cậu ấm, cô chiêu" được cưng chiều. Chính sự chu cấp đầy đủ của gia đình góp phần tạo ra một thế hệ không năng động, thiếu sự tự học. Các lớp học thêm trở thành lớp học thứ hai để giúp các em bắt kịp chương trình.
Thứ sáu, sự ảnh hưởng của xã hội và môi trường. Với sự hấp dẫn của quá nhiều phương tiện và cám dỗ mà sinh ra nhiều học sinh hư. Ba mẹ đi làm không có ai trông nom, nhắc nhở nên học sinh nhỏ thì coi ti vi, máy tính, laptop, điện thoại..., học sinh lớn thì chơi game, ngồi như lên đồng ở các quán trà sữa, cà phê mỗi khi không có giờ học hoặc trốn học. Sự thiếu sân chơi cho giới trẻ làm nhiều phụ huynh lo lắng. Biện pháp quản lý tốt nhất là đưa đến các lớp học thêm trong trường, ngoài trường học được chữ nào hay chữ ấy vẫn có ích nhiều hơn là nhiễm nhiều thói hư.
Thứ bảy, thu nhập thêm. Một khoản tiền thêm để trang trải cho cuộc sống chính đáng khi làm cái việc "sưng cổ nổ hầu". Vì học thêm bị thương mại hóa nên sinh ra cạnh tranh, tiêu cực gây bức xúc cho xã hội.
Làm sao để giải quyết?
Làm sao giải quyết được những nguyên nhân trên thỏa đáng, phù hợp với sự đồng tình của toàn xã hội là một câu hỏi quá khó cần sự chung tay của nhiều người, nhiều tầng lớp của xã hội.
Thông tư 29 nên có những điều chỉnh cho phù hợp để đem lại sự bình đẳng, giúp những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trau dồi kiến thức trước những kỳ thi quan trọng sắp tới.
Hầu hết những người thầy, người cô vẫn cháy hết mình theo nghiệp mà mình đã chọn. Những tiêu cực từ việc học thêm của các nhà trường, các cá nhân gây bức xúc cho xã hội cần phải được xử lý thích đáng để trả lại môi trường trong lành cho giáo dục, trả lại vị trí của những người thầy chân chính, trả lại sự công bằng cho mọi học sinh.
Bùi Duy Phong - Giáo viên Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Hoài Nhơn, Bình Định