Nội dung trên được đề cập khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn tại dự thảo Luật Nhà giáo, phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (7/2).
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhiều nội dung liên quan những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức". Bên cạnh đó, nhà giáo không được ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: quochoi.vn)
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc dạy thêm, học thêm có "muôn hình vạn trạng" nên những hành vi không được làm của nhà giáo nếu liệt kê ra có thể đủ ở thời điểm hiện tại nhưng không đủ ở tương lai.
Do đó, bà đề nghị nên đưa thêm khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, khi phát sinh hành vi mới sẽ xử lý dễ hơn.
Liên quan hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, ép buộc người học nộp các khoản tiền, hiện vật ngoài quy định, Trưởng Ban Công tác Đại biểu đề nghị làm rõ hơn. Cần quy định rõ giáo viên không được thu tiền từ hoạt động dạy thêm như quy định của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm ban hành gần đây.
"Cần quy định rõ hơn nữa những hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, như vậy nếu tự nguyện thì vẫn được? Tuy nhiên, tôi đề nghị dù người ta tự nguyện cũng không được thu tiền", bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh và cho rằng, việc này để xử lý, chấm dứt triệt để với những hình thức trá hình.
Bà Nguyễn Thanh Hải phân tích, với quy định không được ép buộc người học tham gia học thêm có nghĩa nếu học sinh tự nguyện học thêm thì vẫn được phép. Quy định này dẫn đến tình trạng ép buộc học thêm "trá hình" bằng hình thức viết đơn "tự nguyện học thêm" của phụ huynh.
"Việc xác định ép buộc hay không ép buộc rất khó. Không ép buộc thì có đơn tự nguyện học thêm và phụ huynh cũng phải viết đơn tự nguyện. Học sinh nhỏ có thể không muốn đi học, nhưng nếu không đi học thì lại bị phân biệt đối xử", bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)
Giải trình thêm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, song cho rằng, các quy định chi tiết thì để các văn bản dưới luật cụ thể hóa. "Chẳng hạn dạy thêm, học thêm có cả một thông tư riêng. Nếu đưa thêm vào chi tiết nữa thì khó bao quát hết được", Bộ trưởng nói.
Anh Văn