Học thêm trong hè: Lựa chọn của phụ huynh hay nhu cầu của trẻ?

Học thêm trong hè: Lựa chọn của phụ huynh hay nhu cầu của trẻ?
một ngày trướcBài gốc
Học sinh Trường THCS Him Lam hân hoan chia tay năm học, cùng nhau lưu giữ kỷ niệm bằng những dòng lưu bút.
Sau lễ tổng kết năm học, thay vì nghỉ ngơi không ít học sinh lại bước ngay vào các lớp học thêm văn, toán, tiếng Anh... với lịch học dày đặc, kéo dài. Điều đáng nói là nhiều lớp không phải do nhà trường tổ chức chính thức mà do phụ huynh “tự nguyện” tìm nơi cho con theo học. Lý do phần lớn xuất phát từ lo lắng của cha mẹ nếu nghỉ hè hoàn toàn, con sẽ quên kiến thức, thua kém bạn bè, sẽ không đủ sức cạnh tranh khi bước vào năm học mới. Tâm lý ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều phụ huynh, đến mức một mùa hè không học thêm trở thành điều gì đó bất an, thậm chí là sai lầm.
Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh có con học lớp 5 tại TP. Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Tôi cũng muốn để con nghỉ ngơi, cho cháu về quê chơi với ông bà. Nhưng nghĩ tới chuyện bạn bè cùng lớp đều đi học thêm, mình không cho con đi, sợ năm học tới cháu không theo kịp, lại mặc cảm”.
Với nhiều phụ huynh, học hè không hẳn là mong muốn của con mà là sự tính toán đầy áp lực của người lớn, dựa trên những kỳ vọng về thành tích, điểm số và tương lai.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng sẵn sàng hay hào hứng với việc học hè. Em Trần Gia Bảo, học sinh lớp 7, nói với vẻ ngao ngán: “Cả năm con học rồi, hè chỉ muốn được chơi, đi bơi, đá bóng, tập võ. Con không muốn lại phải học thêm. Cảm giác không có mùa hè thật sự, lúc nào cũng là đi học”.
Điều đó phản ánh một thực tế: Nhiều học sinh đang bị “đánh cắp” tuổi thơ!
Trước kỳ nghỉ hè, học sinh Trường PTDTBT THCS Phình Giàng tranh thủ chăm sóc vườn hoa, tận hưởng những ngày cuối năm học một cách ý nghĩa.
Ở góc độ giáo dục, theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý báu để trẻ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và phát triển các kỹ năng sống. Việc ép trẻ học thêm trong hè, nếu không xuất phát từ nhu cầu thực sự của trẻ, có thể khiến các em mệt mỏi, chán học, thậm chí phản tác dụng.
Là giáo viên dạy giỏi, lại có thâm niên công tác nhiều năm từ vùng sâu vùng xa đến thành phố, cô giáo Hoàng Thị Hường, Trường Tiểu học – THCS Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: “Tôi từng gặp nhiều học sinh sau hè đến lớp với trạng thái uể oải, chán nản vì không có thời gian nghỉ ngơi. Các em học như cái máy, thiếu sự hào hứng, thiếu cả động lực”.
Nhiều thầy cô cũng cho rằng, nếu muốn trẻ học tốt hơn, cần để các em có một mùa hè đúng nghĩa, với sự cân bằng giữa học và chơi, giữa kiến thức và kỹ năng sống.
Ở chiều ngược lại, một số học sinh, đặc biệt ở cấp THPT chuẩn bị thi tốt nghiệp, ôn thi đại học, hoặc có định hướng rõ ràng trong học tập, thì việc học thêm là lựa chọn chủ động và tích cực. Tuy nhiên, không thể lấy đó làm mẫu số chung để áp dụng cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng.
Một yếu tố khác khiến phụ huynh buộc phải chọn giải pháp cho con học thêm trong hè là vấn đề "trông con". Nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm, không có người trông nom con trong ba tháng nghỉ hè. Gửi con vào các lớp học thêm, lớp năng khiếu, hay trung tâm kỹ năng không chỉ là học mà còn là “giữ chỗ” an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, giữa một bên là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và một bên là quyền được nghỉ ngơi, vui chơi của trẻ, cần có sự điều tiết hợp lý thay vì “đóng gói” kỳ nghỉ hè bằng những buổi học kéo dài.
Mặc dù học cả ngày ở trường, tuy nhiên em Nguyễn Phú An ở phường Mường Thanh vẫn luôn được kèm cặp và làm bài tập thêm ở nhà.
Từ góc nhìn xã hội, vấn đề học hè cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành giáo dục. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định cấm tổ chức dạy thêm trong hè đối với giáo viên trường công, nhưng thực tế hình thức dạy học này vẫn diễn ra. Dưới các hình thức: “củng cố kiến thức”, “rèn luyện kỹ năng” hay “ôn tập tự nguyện”... không ít lớp học thêm mang nặng tính hình thức, thương mại hóa giáo dục. Điều này không chỉ làm xói mòn tính tự giác trong học tập của học sinh, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các em có điều kiện và không có điều kiện học thêm.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tổng kết năm học. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh sẽ có gần 208 nghìn học sinh chính thức bước vào kỳ nghỉ hè kể từ ngày 1/6. Đây là khoảng thời gian được chờ đợi nhất trong năm của các em, không chỉ là nghỉ học mà còn là cơ hội khám phá, học hỏi theo cách riêng. Dù lựa chọn học thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa hay nghỉ tại nhà, mong rằng mỗi học sinh đều có một mùa hè bổ ích, đúng với nhu cầu và sở thích của bản thân.
Trẻ em cần có một mùa hè đúng với lứa tuổi của mình, được chơi, được khám phá, được tự do phát triển tư duy và cảm xúc. Việc học thêm, nếu có, chỉ nên là một phần nhỏ trong tổng thể kỳ nghỉ hè, được tổ chức phù hợp với độ tuổi, năng lực và sở thích của trẻ. Phụ huynh cần đóng vai trò là người đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu thay vì áp đặt. Hãy hỏi con: Con có muốn học không, con cần gì trong hè này? Một khi trẻ được tôn trọng và trao quyền lựa chọn, các em sẽ có động lực học tập hơn, đó mới là nền tảng thực sự cho sự phát triển lâu dài.
Kỳ nghỉ hè phải là khoảng thời gian để các em được sống trọn với tuổi thơ, được nạp năng lượng bước vào năm học mới một cách hào hứng. Học thêm trong hè không sai, nhưng cần đúng người, đúng thời điểm và đúng cách. Một mùa hè đúng nghĩa đôi khi là bài học cuộc sống mà không lớp học nào có thể mang lại.
Tú Anh
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/giao-duc/hoc-them-trong-he-lua-chon-cua-phu-huynh-hay-nhu-cau-cua-tre