Ông Ngô Huy Tâm.
Giáo viên là người định hướng tư duy
Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, ông Ngô Huy Tâm, nguyên Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường PTLC Phenikaa, Hà Nội cho rằng, xu thế phát triển AI trong giáo dục đang thúc đẩy một tiến trình chuyển hóa trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.
AI đang thay thế các cỗ máy tìm kiếm (search engine) bằng các phần mềm có khả năng tổng hợp thông tin đa nguồn. Đây là việc trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thông tin của học sinh.
So với quá khứ, AI sẽ thúc đẩy tự học qua dịch chuyển cách tiếp cận thông tin từ các chiều đơn lẻ (từ giáo viên tới học sinh, từ học sinh tới học sinh, từ các nguồn thông tin đơn lẻ tới học sinh), sang một định dạng thông tin có tính tổng hợp cao hơn, rộng hơn hẳn so với trần và độ rộng kiến thức trung bình của một giáo viên.
Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc giáo viên cũng có thể nâng cấp kiến thức bản thân từ các định dạng thông tin tổng hợp; và vai trò của giáo viên với kinh nghiệm chuyên môn thực tế sẽ là người kiểm duyệt, định hướng tư duy đối cho học sinh.
Các định dạng kiến thức tổng hợp học sinh tiêu thụ qua tự học cùng các công cụ AI rất cần các tư duy phân tích, phản biện, kiểm chứng đi kèm.
AI hỗ trợ chứ không thể thay thế giáo viên
Ông Ngô Huy Tâm nhận định, hiện AI đã có thể giúp giáo viên viết giáo án, thiết kế chương trình, chuẩn bị tài liệu, tạo sinh các định dạng media phục vụ giảng dạy. Điều này cũng tương đồng với năng lực AI trong việc cá nhân hóa học tập cho học sinh.
Câu hỏi đặt ra là học sinh có cần “học thêm” với giáo viên nữa không khi có thể “tự học” qua việc sử dụng chính các công cụ AI mà giáo viên dùng để tự lên chương trình, tự tạo bài tập cho chính mình?
“Câu trả lời không đơn giản là có hoặc không”. Làm rõ hơn điều này, ông Ngô Huy Tâm cho biết, AI có thể thay giáo viên ở một số điểm, ví dụ như chấm bài tự động, giúp luyện nói ngôn ngữ/ngoại ngữ với học sinh, thiết kế ra lộ trình học tập cá nhân hóa dựa trên dữ liệu cá nhân học sinh.. Nói chung ở khía cạnh quy mô chi tiết, AI có thể hộ trợ học sinh nhanh hơn giáo viên.
Tuy nhiên, xét tổng thể thì tuy AI có thể hỗ trợ giáo viên lẫn học sinh các tác vụ liên quan đến học kiến thức, rèn kỹ năng, nhưng việc truyền tải hiệu quả kiến thức, kỹ năng lại là việc cần người giáo viên có phương pháp sư phạm được thực hành theo đúng khoa học giáo dục, am hiểu tâm lý học giáo dục, có kinh nghiệm thực tế.
Đây là điểm học sinh khó có thể tự làm, tự đánh giá hiệu quả tổng thể mà không có giáo viên đi kèm và định hướng.
Việc “tự học” cũng đòi hỏi việc rèn kỷ luật tự thân từ “tự giác” đến “tự nhận thức” tới “siêu nhận thức” rồi mới tới “tự học” thực thụ. Quá trình rèn luyện tư duy này, AI có thể hỗ trợ nhưng sẽ khó thay thế được tương tác giữa người và người trong mối quan hệ thầy - trò.
Vai trò của “dạy thêm” cần sự thay đổi tương ứng
Khẳng định thúc đẩy tự học thông qua các ứng dụng AI là cần thiết, ông Ngô Huy Tâm một lần nữa nhấn mạnh: tuy nhiên, vai trò của giáo viên như những người định hướng, kiểm định các quá trình hình thành tư duy, phát triển là chưa thể thay thế.
Ngay cả trong các báo cáo về tương lai việc làm trong kỷ nguyên AI bởi các tổ chức quốc tế, giáo viên vẫn là một nghề chịu ảnh hưởng, nhưng được xác định là khó thay thế.
“Học thêm” vẫn sẽ luôn là nhu cầu chính đáng, mang tính chất cạnh tranh trong nội tại, nhưng câu hỏi lớn hơn cần đặt ra là “học thêm để làm gì?”. Nếu chỉ phục vụ nhu cầu thi cử, AI có thể làm tốt việc luyện cho học sinh theo đúng định dạng các kỳ thi chuẩn hóa mà cần ít hơn sự tham gia trực tiếp của giáo viên.
Còn lại, “học thêm” trong thời kỳ AI sẽ chuyển hướng sang mục đích học tập suốt đời để thích nghi với môi trường biến đổi và biến động mạnh và nhanh.
Từ đó, vai trò của “dạy thêm” sẽ cần có sự thay đổi tương ứng để đáp ứng nhu cầu thời đại mới.
Hải Bình