Tình trạng sinh viên chọn sai ngành học đang trở thành vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), đến năm 2020, khoảng 60% sinh viên sau khi ra trường làm trái ngành hoặc không tìm được việc làm đúng chuyên môn.
Không chỉ vậy, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, có tới 20 đến 30% sinh viên năm nhất nhận ra mình chọn sai ngành học, và nhiều người trong số đó bày tỏ mong muốn chuyển ngành hoặc nghỉ học ngay từ năm đầu. Cũng theo khảo sát này, khoảng 30% sinh viên cảm thấy không hứng thú với ngành học đang theo đuổi.
Khảo sát của nền tảng tuyển dụng JobsGo năm 2022 cho thấy, 50% sinh viên sau tốt nghiệp không làm đúng ngành, 40% người lao động nhận ra mình học sai ngành sau một thời gian đi làm. Đáng chú ý, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED – chỉ ra rằng, khoảng 70% học sinh cấp 3 lựa chọn ngành học không dựa trên sở thích hay năng lực cá nhân, mà theo xu hướng, định hướng gia đình hoặc xã hội.
Những con số trên đặt ra câu hỏi lớn: "Nên chọn ngành học theo sở thích cá nhân, hay theo nhu cầu thị trường?" - đây là bài toán cần sự đồng hành của cả nhà trường, phụ huynh và chính bản thân học sinh để đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.
Em Trương Quỳnh Anh cho rằng: "Các tiêu chí để chọn ngành học trước hết cần xuất phát từ bản thân. Nên chọn ngành, nghề theo lĩnh vực mà bản thân giỏi nhất, có hứng thú nhất. Sau đó có thể nhờ mọi người xung quanh tư vấn để chọn sâu hơn và kỹ hơn. Với em, việc ủng hộ từ phía gia đình là điều quan trọng".
Tự tin theo đuổi ngành học yêu thích
Quyền Mai Phương sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cách đây bốn năm, đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, em từng bị bố mẹ phản đối khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Giao thông Vận tải. "Em từng phân vân giữa các ngành nghề như báo chí, kỹ thuật,... nhưng em thích các môn khoa học tự nhiên nên chọn học Trường Đại học Giao thông Vận tải. Chuyên ngành đòi hỏi tính toán tỉ mỉ, đôi khi em cũng thấy áp lực. Nhưng thầy cô chỉ dẫn chuyên môn, kiến thức xã hội giúp em tiếp cận với nghề dễ dàng hơn", Phương cho hay.
Hiện tại, khi là sinh viên năm thứ 4, Quyền Mai Phương và nhóm của mình đã giành giải nhất Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Cũng chọn ngành kỹ thuật điều khiển tự động hóa, em Trần Mai Phương từng khiến rất nhiều người thân và bạn bè ngạc nhiên. Nhưng đằng sau lựa chọn ấy là cả một hành trình tìm hiểu kỹ lưỡng. Phương cho biết ban đầu bố mẹ em định hướng cho em học kinh tế, nhưng với niềm đam mê tìm tòi về dây chuyền sản xuất và máy móc kỹ thuật, Phương quyết định học điều khiển tự động hóa. "Em cảm thấy là một quyết định đúng đắn vì đã theo đuổi đam mê và không hối tiếc", cô sinh viên điều khiển tự động hóa nói.
Mùa nghiên cứu khoa học năm nay, đề tài thiết bị gậy đo lường thông minh do Trần Mai Phương cùng với nhóm bạn tham gia đã lọt top 10 đề tài xuất sắc của cấp trường.
Hai câu chuyện của hai cô bạn cùng tên Mai Phương đều có một điểm chung, đó là dám theo đuổi điều mình yêu thích. Ngành học không phân biệt giới tính, thành công không chờ ai sẵn sàng, mà dành cho những người biết lựa chọn và kiên trì đến cùng.
Còn với Ngô Ngọc Bảo Anh, gần bốn năm theo đuổi kiến thức và cả những trải nghiệm khi theo học Khoa Chăn nuôi, chuyên ngành Chăn nuôi - Thú y, cô sinh viên đã cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn, dù đôi lúc có những rào cản, những nghi hoặc từ gia đình, bạn bè hoặc của chính bản thân, về ngành học được coi là vất vả này.
"Khi đưa ra quyết định, tôi đã gặp nhiều phản đối từ bạn bè, người thân xung quanh và thầy cô, vì tôi đã từ bỏ việc tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao để theo đuổi đam mê của mình. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã có cơ hội tham gia rất nhiều chương trình quốc tế, đi trình bày tại Hội nghị sinh viên quốc tế tại Nhật Bản, hay có cơ hội đi học trao đổi ở Canada. Qua câu chuyện của chính tôi, tôi nghĩ rằng việc bạn lựa chọn học trường nào không đánh giá năng lực và tố chất của bạn. Điều quan trọng là bạn cố gắng nỗ lực trong cuộc sống hằng ngày và có bản lĩnh, sự dũng cảm để viết lên câu chuyện của mình", Bảo Anh chia sẻ.
Quan điểm kết hợp - giải pháp hài hòa
Tâm lý học vốn không phải là ngành học khó, song cũng không dễ dàng bởi đòi hỏi kiến thức sâu rộng khi làm nghề. Chính vì vậy, để lựa chọn học ngành tâm lý học ở bậc đại học, em Nguyễn Hồ Quỳnh Anh và gia đình đã dành nhiều thời gian cân nhắc. Trong đó, có cả những tìm hiểu, trải nghiệm về ngành học từ sớm.
"Biết là học tâm lý không hề dễ, nhưng em là người thích thử thách bản thân mình. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến em mong muốn được học tập trong lĩnh vực này", Quỳnh Anh chia sẻ.
Chị Hồ Thị Như Quỳnh, phụ huynh em Quỳnh Anh cho rằng: "Mình thấy rằng nên để cho các bạn học ngành đúng với sở thích và sở trường của các bạn thì sẽ phát triển tốt hơn. Như vậy thì khi học các bạn sẽ yêu thích và phát triển, khi ra nghề các bạn sẽ có nhiều cơ hội và có nhiều đam mê hơn. Các bậc phụ huynh hiện nay cũng có áp lực rất lớn. Có những gia đình đã có nghề nên rất thuận lợi, nhưng có những ngành là đam mê của các bạn, dù đôi khi sẽ khó khăn hơn khi các bạn ra trường. Nhưng với quan điểm của mình, mình vẫn sẽ tôn trọng ý kiến của các bạn".
Theo các chuyên gia, sự khác nhau trong cách nhìn nhận và quan niệm về nghề nghiệp là nguyên nhân khó dung hòa nhất. Ngoài ra, còn nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như cái tôi quá cao ở cả hai phía; sự áp đặt của phụ huynh; tình trạng thiếu giao tiếp và lắng nghe lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Với Quỳnh Anh, được bố mẹ ủng hộ và tạo điều kiện trong việc lựa chọn ngành học là may mắn. Song không phải bạn trẻ nào cũng có được may mắn này.
Quỳnh Anh cho rằng: "Em biết là bố mẹ đều muốn những điều tốt đẹp cho con, nhưng nếu được thì bố mẹ nên lắng nghe để có những quyết định không làm ảnh hưởng, tổn thương cho các bạn. Ngay như bạn của em, bạn muốn học ngành kinh tế, nhưng bố mẹ không muốn. Đó là khoảng thời gian căng thẳng của bạn ấy. Một bên là đam mê, một bên là mong ước của bố mẹ. Thật sự rất khó để lựa chọn".
Thu Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/hoc-theo-so-thich-hay-nhu-cau-thi-truong-336001.htm