Học và làm theo Bác về tinh gọn tổ chức bộ máy

Học và làm theo Bác về tinh gọn tổ chức bộ máy
4 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên phác thảo, khởi xướng và đặt nền móng cho việc đổi mới và tinh gọn bộ máy nhà nước, hướng đến mục tiêu hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, một nhà nước bảo đảm về yếu tố tinh, gọn, mạnh, lấy chất lượng và tinh thần phục vụ nhân dân lên trên hết, trước hết. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước kế thừa, phát huy, vận dụng và phát triển sáng tạo trong cuộc cách mạng tinh gọn hệ thống chính trị hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh gọn bộ máy
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết đó phải là bộ máy ít bộ, ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi được các nhà báo hỏi về sự cần thiết của việc tinh gọn các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời rất rõ ràng, ngắn gọn: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”. Người không chỉ quan tâm, chăm lo xây dựng các cơ quan tổ chức của Trung ương mà còn thiết lập bộ máy hành chính ở nhiều địa phương có tổ chức rất gọn nhẹ nhưng chức năng hoạt động hiệu quả, bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương, giảm thiểu các khâu trung gian, tầng, nấc. Người chỉ rõ: “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức chính phủ trong các địa phương… ủy ban có từ 5 đến 7 người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 5-9-1960. Ảnh: Tư liệu
Năm 1952, nói chuyện với cán bộ quân nhu, Người chính thức đưa ra khái niệm tinh giản bộ máy. Người nói: “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc tinh gọn bộ máy luôn đi liền với vấn đề tiết kiệm chi phí, chống lãng phí, chống quan liêu, cửa quyền. Người chỉ ra lý do cần thiết phải làm mạnh mẽ và triệt để vấn đề tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là: Nhằm xây dựng cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước; tránh được hiện tượng rườm rà, cồng kềnh trong các hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị, thực hiện chủ trương nhanh, gọn và tiện lợi; góp phần giảm bớt chi phí ngân sách cho Nhà nước và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tránh phiền hà, sách nhiễu, nhũng nhiễu nhân dân. Theo quan điểm của Người, chỉ để lại những bộ, cơ quan thực sự cần thiết trong công tác quản lý xã hội, còn lại đều phải tiến hành tinh gọn, tránh cồng kềnh, lãng phí. Người chỉ rõ, việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn bộ hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người…”. Theo Người: “Thực hành chấn chỉnh biên chế để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. Với tinh thần muốn tốt thì phải cắt bỏ, muốn phát triển thì phải tinh gọn bộ máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm mọi cách để nâng cao tính tích cực, nâng cao hiệu suất và chất lượng hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị gắn liền với nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Nhiều giải pháp đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhằm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Để có một bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người lãnh đạo, quản lý của các ban, bộ, ngành, những người hưởng lương phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về yêu cầu, sự cần thiết của việc tinh gọn biên chế bộ máy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Bên cạnh đó, cần xác định, sắp xếp một bộ máy khoa học, sử dụng nhân lực một cách hiệu quả. Người chỉ rõ: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
Kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề ra chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh giản biên chế, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã mang lại kết quả tích cực. Sau sắp xếp đã giảm các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; giải thể những tổ chức hoạt động không còn phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ quan trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã xây dựng, lựa chọn phương án tối ưu, kế hoạch sắp xếp, điều chỉnh theo hướng giảm tổ chức bộ máy ở những cơ quan, đơn vị, giảm biên chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện các nhiệm vụ, hướng tới giảm khâu trung gian phục vụ nhân dân. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, có tiêu chí, phù hợp với tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tổng Bí thư Tô Lâm khi đề cập vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã khẳng định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng, là vấn đề khó, thậm chí sẽ có cả những trở lực quyết liệt; đồng thời nhấn mạnh: “Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”".
Hiện nay, đất nước đang có những thời cơ, vận hội to lớn để bứt phá, tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để củng cố hơn nữa niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo cơ sở khoa học để làm thất bại các luận điệu xuyên tạc, phản động của kẻ thù, một số nhiệm vụ, giải pháp được Đảng và Nhà nước xác định cần tập trung như: Làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vai trò tham mưu của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục tranh thủ ý kiến của nhân dân về cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có tinh thần ý chí cách mạng, thay đổi tư duy thực hiện với tinh thần tất cả vì lợi ích chung trong tinh gọn bộ máy; bảo đảm sự đồng thuận của toàn xã hội, chủ động phát hiện, vạch trần, đấu tranh làm thất bại quan điểm chống phá của các thế lực thù địch.
N.D (Theo hochiminh.vn - quanlynhanuoc.vn)
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202505/hoc-va-lam-theo-bac-ve-tinh-gon-to-chuc-bo-may-aa232a7/