Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Ngày 13/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố phương án tuyển sinh năm 2025.
Theo đó, trường vẫn chia các ngành đào tạo thành 4 nhóm: báo chí và xuất bản; lý luận; lịch sử; truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế. Tổng chỉ tiêu là 2.050, bằng năm 2024.
3 phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, nhưng thay đổi về chỉ tiêu ở từng nhóm. Yêu cầu chung là thí sinh có điểm trung bình mỗi năm ở THPT đạt 6,5 điểm và hạnh kiểm khá trở lên.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến dành 20% chỉ tiêu để xét học bạ, tăng 5% so với năm ngoái. Tùy nhóm ngành, điểm xét tuyển bằng điểm trung bình 6 học kỳ cộng với điểm trung bình môn ngữ văn, lịch sử hoặc tiếng Anh nhân hệ số hai.
Thí sinh được cộng 0,1-0,5 điểm nếu đạt IELTS từ 5.0 hoặc SAT từ 1.200 trở lên; 0,2-0,4 điểm khi có giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia hoặc nhất, nhì, ba cấp tỉnh.
Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp IELTS hoặc SAT với học bạ, chiếm 30% chỉ tiêu, gấp đôi năm 2024. Thí sinh có điểm trung bình học bạ 6 học kỳ từ 7 trở lên, IELTS tối thiểu 6.5 hoặc SAT 1.200 được đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, nhóm ngành 1 yêu cầu điểm trung bình 6 kỳ của môn ngữ văn không dưới 7; nhóm ngành 4 yêu cầu môn tiếng Anh tối thiểu 7.
Với 50% chỉ tiêu còn lại, trường dànhcho xét điểm thi tốt nghiệp THPT, giảm 20% so với năm ngoái. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh có thể quy đổi điểm để thay thế môn này.
Mức quy đổi IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2025
Trường chia tổ hợp xét tuyển theo từng nhóm ngành, mỗi nhóm có 4 tổ hợp, đều có môn ngữ văn. Tổng số tổ hợp của trường so với năm ngoái tăng gấp đôi.
Năm 2024, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ngành truyền thông đa phương tiện và lịch sử lấy đầu vào cao nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lần lượt là 28,25/30 điểm và 38,12/40 điểm.
TB (tổng hợp)