GS.TS Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị và phát động phong trào “Bình dân học vụ số". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Nhân dịp này, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khánh thành mô hình quản trị thông minh và ra mắt nền tảng bình dân học vụ số phục vụ cán bộ, viên chức, giảng viên; phần mềm quản lý ký số văn bằng, chứng chỉ của Học viện.
Chỉ đạo Hội nghị và phát động phong trào "Bình dân học vụ số", Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng, mang đến sự biến động rất sâu sắc để thay đổi tư duy tiếp cận, đặc biệt là trong phát triển các lực lượng sản xuất mới, quan hệ sản xuất thích ứng với những thay đổi này. Điều này cũng gắn liền với rất nhiều tiến bộ về khoa học công nghệ chưa từng có, phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây...
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị và phát động phong trào “Bình dân học vụ số". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số đã tham gia vào mọi mặt hoạt động của đất nước từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Tháng 9/2024, Liên hợp quốc công bố Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71 trong xếp hạng Chính phủ điện tử, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm có chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) “Rất cao”, đạt mục tiêu xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2024.
Đặc biệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Quán triệt và hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Học viện đã chủ động ban hành các quy chế, quy định trong triển khai, thực hiện đầu tư, vận hành các hệ thống công nghệ, chuyển đổi số phục vụ các hoạt động điều hành, tác nghiệp, đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của Đảng và Nhà nước.
Để đánh giá một cách hệ thống, tổng thể, toàn diện hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn hệ thống các cơ sở đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị, hành chính của Đảng tại Trung ương và các địa phương, tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cán bộ, giảng viên Học viện và các trường chính trị nâng cao nhận thức về phong trào “Bình dân học vụ số”, hoạt động chuyển đổi số đối với các cán bộ, viên chức, người lao động trên toàn hệ thống Học viện và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên liên tục và hiện mới chỉ bước đầu, không chỉ dừng lại ở phát động phong trào mà cần phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng yêu cầu, trong thời gian tới, hệ thống Học viện và các Trường Chính trị trên toàn quốc cần thực hiện đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp, đến đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống theo hướng toàn diện, tổng thể, đột phá, trọng tâm, trọng điểm để chuyển đổi số là động lực cho sự phát triển…
Ra mắt mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo báo cáo Tổng kết công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Học viện đã từng bước tích hợp công nghệ kỹ thuật số và Internet nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý, bao gồm cập nhật phương pháp giảng dạy, ứng dụng khoa học công nghệ vào bài giảng và từng bước tạo ra môi trường “quản lý mềm”, tạo nên môi trường học tập hiện đại, linh hoạt, công khai, minh bạch trong tất cả các hệ đào tạo tại Học viện, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.
Trong 5 năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của Học viện từng bước được triển khai đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ việc thiếu cả về nguồn lực, hạ tầng cũ, chắp vá, nhiều năm không được nâng cấp, hạ tầng công nghệ thông tin trên toàn hệ thống Học viện đã đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hiện đại hóa như dự án nâng cấp hệ thống cầu truyền hình trực tuyến từ Trung tâm Học viện đến các Học viện trực thuộc và các trường chính trị; dự án xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện (dự án công nghệ đầu tiên của Việt Nam sử dụng phương thức đấu thầu quốc tế với các sản phẩm, trang thiết bị thuộc các quốc gia tiên tiến; phần mềm có bản quyền, mã nguồn thuộc về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Các Học viện trực thuộc cũng từng bước, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ của đơn vị, bước đầu hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số toàn diện, mọi mặt hoạt động của Học viện.
Việt Đức (TTXVN)