1. Nguyên nhân gây hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Hội chứng đau nhức sọ mặt bao gồm các bệnh lý gây ra đau nhức vùng sọ, đáy sọ và vùng mặt. Đau nhức vùng sọ mặt do nhiều nguyên nhân gây nên có liên quan đến các dây thần kinh vùng sọ mặt như dây thần kinh 5, 9, 10. Trong đó dây thần kinh 5 chi phối cảm giác các xoang mặt, vùng mặt, da đầu, đáy sọ. Dây 9, 10 chi phối cho vùng họng và tai. Đau dây thần kinh V thường gặp hơn dây 9, 10.
Dây thần kinh 5 là dây thần kinh hỗn hợp. Các nhánh vận động của dây 5 chi phối tất cả các cơ nhai, còn các nhánh cảm giác của nó thì chi phối cảm giác các vùng trên mặt và khoang miệng. Ở ngoại vi dây thần kinh 5 chia làm 3 nhánh chính: hai nhánh trên chỉ có các dây cảm giác, còn nhánh thứ ba gồm cả các nhánh cảm giác và vận động
Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt còn do các nguyên nhân sau: Viêm, nhiễm trùng, khối u: các tổn thương trong trung ương - sọ não.
Do các dây thần kinh ngoại biên: về mạch máu, các khối u trong nội sọ - não màng não ở vùng hành não (hội chứng Wallenberg) cầu não, vùng tuyến yên, vùng đỉnh xương đá (hội chứng Willis, Gradenigo).
Do các bệnh lý viêm xương, tắc mạch máu, phình mạch cảnh, viêm động mạch màng não mạn tính (hội chứng Raeder), khối u hậu nhãn cầu-sau ổ mắt (hội chứng Tolosa-Hunt), viêm tắc tĩnh mạch xoang hang (hội chứng đỉnh xương đá), khối u vòm mũi họng, hốc mắt - nguyên phát, thứ phát (hội chứng khe bướm).
Do các nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ.
Do tai mũi họng (viêm các hốc xoang mặt hội chứng Migraines), amydale, tai, lao, ung thư tai mũi họng (khó phát âm, khó nuốt), hội chứng Eagle hay đau vòi nhĩ do chèn ép dây thiệt hầu do quá phát mỏm trâm hay canxi hóa dây chằng trâm móng. Những bất thường này có thể do hậu quả của sang chấn hay sau cắt lưỡi.
Do mắt: nhiễm trùng ổ mắt.
Do răng hàm mặt: sâu răng, nha chu viêm, khối u,..
Do chấn thương vùng mặt là nguyên nhân được xác định rõ ràng và dễ, còn do viêm và thoái hóa dây thần kinh có khi rất khó xác định hoặc hai loại này cùng kết hợp mà biểu hiện trên lâm sàng cũng gần giống nhau.
Ngoài ra, rối loạn vận mạch vùng mặt gây ra hội chứng đau nhức vận mạch vùng sọ mặt, đau đầu do huyết áp, do thay đổi thói quen sinh hoạt làm việc.
Hội chứng đau nhức sọ mặt bao gồm các bệnh lý gây ra đau nhức vùng sọ, đáy sọ và vùng mặt
2. Triệu chứng hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Tùy từng nguyên nhân mà các triệu chứng hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có thể là:
Nếu do dây thần kinh sinh ba gây ra hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có các biểu hiện sau: Cơn đau nhức khó chịu ở vùng sọ mặt, cảm giác như dao đâm hoặc điện giật. Cơn đau tự phát, đột ngột xuất hiện khi chạm vào vùng mặt, sọ mặt hoặc khi nhai thức ăn, khi đánh răng,… Cơn đau nhức do hội chứng đau nhức vùng sọ mặt kéo dài nhiều ngày, thậm chí lên đến vài tuần hoặc vài tháng. Người bệnh bị đau liên tục kèm theo cảm giác nóng rát. Có cảm giác đau ở nhiều vùng thuộc dây thần kinh sinh ba gồm có má, vùng hàm, răng, nướu, môi hoặc mắt và trán. Cơn đau ảnh hưởng đến một bên khuôn mặt tại thời điểm nhất định. Cảm giác đau nhức tập trung vào một điểm cụ thể hoặc lan rộng đến nhiều vùng.
Với trường hợp do dây thần kinh IX và V gây ra hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có một số dấu hiệu như: Cơn đau tương tự với cơn đau do hội chứng đau nhức vùng sọ mặt dây thần kinh sinh ba và đau theo cơn. Thường là cơn đau 1 bên, phổ biến nhất là bên trái. Đau dạng khu trú dưới dạng bệnh lý viêm tai hoặc viêm màng nhĩ. Cơn đau có thể kèm theo ho, tăng tiết nước bọt và rối loạn nhịp tim dẫn đến hạ huyết áp hoặc ngất xỉu.
3. Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt có lây không?
Hội chứng đau nhức vùng sọ mặt bao gồm một loạt các rối loạn đau mạn tính, liên quan đến cấu trúc của khuôn mặt và hộp sọ. Các rối loạn này bao gồm: đau dây thần kinh sinh ba, đau dây thần kinh chẩm, đau dây thần kinh số 5, bệnh viêm khớp thái dương hàm… không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây. Tuy nhiên, tác nhân gây ra hệ lụy của hội chứng này như viêm nhiễm vùng đầu, mặt, hầu họng cũng có tính chất lây nhiễm.
4. Phòng ngừa hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Đến nay chưa có biện pháp cụ thể nào được khuyến cáo trong việc phòng ngừa hội chứng đau nhức vùng sọ mặt. Để hạn chế nguy cơ mắc phải hội chứng đau nhức vùng sọ mặt cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt,… cụ thể như sau:
Uống nhiều nước.
Áp dụng khẩu phầu có nhiều rau củ, trái cây, protein để giúp hệ thần kinh luôn mạnh khỏe. Bạn hãy bổ sung thêm vitamin B12 thông qua ngũ cốc, thực phẩm từ sữa, trứng, thịt, cá,…
Tránh tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất độc hại.
Không uống rượu, hút thuốc lá.
Tập thể dục tối thiểu 3 lần/tuần, 30 phút đến 1 tiếng/lần.
Hạn chế khiến tâm lý căng thẳng, duy trì lối sống vui vẻ, tích cực.
Tránh những yếu tố có thể làm tổn thương thần kinh. Điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng đầu, mặt, hầu họng tránh các biến chứng gây viêm dây thần kinh vùng sọ mặt.
Kiểm soát và chữa trị tốt những tình trạng gây viêm.
Nếu thấy có triệu chứng nghi ngờ, cần đến gặp bác sĩ thăm khám ngay. Trường hợp bệnh chưa thuyên giảm, bạn hãy tái khám định kỳ và tiếp tục chữa trị theo chỉ định của bác sĩ.
5. Điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt
Nguyên tắc điều trị hội chứng đau nhức vùng sọ mặt là điều trị nội khoa cắt cơn đau kết hợp điều trị nguyên nhân gây đau. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa giảm cắt cơn đau (carbazepine-Tegretol, Di-Hydan) hoặc nhóm clonazepam (Rivotril). Điều trị ngoại khoa về thần kinh khi thất bại với nội khoa: Đốt nhiệt bao myelin các nhánh cảm giác đau dây 5.
Điều trị các nguyên nhân tùy thuộc vào từng bệnh nhân, từng nguyên nhân gây đau từ tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sọ não.
Điều trị ngoại khoa có thể được đặt ra nếu có khối u trong nội sọ, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng.
Ngoài những phương pháp phổ biến nêu trên để chữa hội chứng đau nhức vùng sọ mặt, bác sĩ còn có thể chỉ định bệnh nhân tiến hành châm cứu, phục hồi sinh học hoặc trị liệu thần kinh cột sống kết hợp với liệu pháp dinh dưỡng để hỗ trợ chữa trị.
BS. Nguyễn Trung Khánh