Hội chứng đuôi ngựa có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là tê liệt vĩnh viễn hoặc đi tiểu không tự chủ.
1. Nguyên nhân gây hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng đuôi ngựa hay còn được gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa xảy ra khi rễ thần kinh ở đầu đuôi bị chèn ép hoặc tổn thương, làm gián đoạn quá trình vận động.
NỘI DUNG:
1. Nguyên nhân gây hội chứng đuôi ngựa
2. Triệu chứng hội chứng đuôi ngựa
3. Hội chứng đuôi ngựa có lây không?
4. Phòng ngừa hội chứng đuôi ngựa
5. Điều trị hội chứng đuôi ngựa
Chùm đuôi ngựa là tập hợp các dây thần kinh ở phần cuối của tủy sống, do hình thể của nó giống với đuôi ngựa. Tủy sống kết thúc ở phần trên của cột sống thắt lưng. Các rễ thần kinh riêng rẽ ở đoạn cuối của tủy sống tiếp tục dọc trong ống sống. Chúng chi phối vận động, cảm giác cho đôi chân và bàng quang. Chùm đuôi ngựa là sự tiếp nối của các rễ thần kinh ở vùng thắt lưng. Những dây thần kinh này gửi, nhận tín hiệu đến và đi từ hai chi dưới và các cơ quan vùng chậu.
Nguyên nhân thường gặp của hội chứng đuôi ngựa là thoát vị đĩa đệm lớn ở vùng thắt lưng. Một lần kéo căng quá mức hoặc chấn thương có thể gây ra thoát vị đĩa đệm.
Tuy nhiên, đĩa đệm thoái hóa tự nhiên theo tuổi, và các dây chằng cố định nó bắt đầu yếu đi. Khi trình thoái hóa này tiến triển, một lần kéo căng hoặc xoay người tương đối nhỏ có thể gây vỡ đĩa đệm.
Hội chứng đuôi ngựa có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là tê liệt vĩnh viễn hoặc đi tiểu không tự chủ.
Những nguyên nhân khác của hội chứng đuôi ngựa có thể là :
Các thương tổn và khối u cột sống.
Nhiễm trùng hoặc viêm cột sống.
Hẹp ống sống thắt lưng.
Chấn thương cột sống thắt lưng (hỏa khí, té ngã, tai nạn ô tô).
Bất thường bẩm sinh.
Dị dạng động tĩnh mạch cột sống (AVM).
Xuất huyết tủy sống (dưới nhện, dưới màng cứng, ngoài màng cứng).
Biến chứng phẫu thuật sau phẫu thuật cột sống thắt lưng.
Gây tê tủy sống.
2. Triệu chứng hội chứng đuôi ngựa
Triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa giống như những tình trạng khác. Triệu chứng của nó có thể thay đổi về cường độ và tiến triển chậm theo thời gian.
Hội chứng đuôi ngựa biểu hiện qua một dải biến thiên các triệu chứng với độ nặng phụ thuộc vào mức độ chèn ép và các rễ thần kinh cụ thể đang bị chèn ép. Ngoài thoát vị đĩa đệm, các bệnh có triệu chứng tương tự hội chứng đuôi ngựa bao gồm: bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng nón tủy (medullaris conus), chèn ép tủy, và kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh sau khi chúng đi ra khỏi cột sống và đi vào vùng chậu. Hay còn gọi là bệnh đám rối thắt lưng cùng.
Bệnh nhân bị đau lưng nên cảnh giác với các triệu chứng "cờ đỏ" sau đây có thể gợi ý hội chứng đuôi ngựa:
Đau dữ dội thắt lưng.
Yếu cơ, mất cảm giác, hoặc đau một, hoặc thường gặp hơn là cả hai chân.
Mất cảm giác vùng cơ thể ngồi trên yên ngựa.
Rối loạn chức năng bàng quang mới xuất hiện (như bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ).
Đi tiểu không tự chủ mới xuất hiện.
Rối loạn cảm giác trong bàng quang hoặc trực tràng.
Rối loạn chức năng tình dục mới xuất hiện.
Mất phản xạ ở chân.
3. Hội chứng đuôi ngựa có lây không?
Hội chứng đuôi ngựa thường do tổn thương ở thoát vị đĩa đệm lớn, vùng thắt lưng không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng đuôi ngựa
Các đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng đuôi ngựa phổ biến ở tuổi trung niên và cao niên. Đối tượng này cần chăm sóc đến bản thân nhiều hơn. Thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu canxi. Người cao tuổi có thể dùng thêm các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D và canxi.
Mỗi người nên tìm bác sĩ chuyên khoa uy tín để tư vấn về các hội chứng cơ xương khớp. Người tư vấn có kiến thức về bệnh có thể là chuyên gia tư vấn, bác sĩ, chuyên viên y tế.
Để tránh mắc hội chứng đuôi ngựa cần chú ý tránh ngồi sai tư thế hoặc ngồi quá lâu.
Tránh mang vác vật nặng, không sử dụng vùng thắt lưng quá mức.
Có biện pháp phòng ngừa chấn thương khi tập thể dục thể thao, tham gia giao thông, lao động.
Tránh cúi gập người tối đa, sau đó ngửa ra đột ngột vì sẽ gây rách vòng xơ bao quanh nhân nhầy đĩa đệm, làm nhân nhầy thoát ra, chèn ép vào rễ thần kinh vùng đuôi ngựa.
Kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và chất chống oxy hóa để tăng cường sức khỏe xương khớp, giảm nguy cơ thoát vị và chèn ép chùm đuôi ngựa.
5. Điều trị hội chứng đuôi ngựa
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân bị hội chứng đuôi ngựa có điều trị riêng tuy nhiên việc làm giảm áp lực lên dây thần kinh cần được thực hiện sớm nhất, để hạn chế tối thiểu biến chứng và tránh những tổn thương vĩnh viễn.
Trong tổn thương cấp, dưới 48 giờ là thời gian phù hợp nhất để phẫu thuật giải phóng dây thần kinh đang bị chèn ép để đạt khả năng khôi phục cao nhất. Phương thức phẫu thuật sẽ tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
Đối với những trường hợp được chẩn đoán và điều trị muộn: Tổn thương có thể không thể phục hồi được như: bị rối loạn chức năng ruột, bàng quang, liệt vận động hai chân…
Ngoài phẫu thuật, điều trị còn kết hợp với một số loại thuốc và phương pháp điều trị sau:
Điều trị giảm đau: Thuốc giảm đau uống bao gồm acetaminophen (paracetamol) và thuốc chống viêm non steroid (NSAID) có thể hữu ích. Có thể thử dùng thuốc giảm đau thần kinh bao gồm gabapentin, pregabalin và thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Hóa trị hoặc xạ trị khi sự chèn ép rễ thần kinh đuôi ngựa có nguyên nhân khối ung thư. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật kết hợp hóa trị hoặc xạ trị.
Tập phục hồi chức năng giúp cải thiện tình trạng hiện tại, đặc biệt trong trường hợp sau can thiệp ngoại khoa bao gồm:
Phục hồi chức năng vận động 2 chân
Phục hồi chức năng trực tràng
Phục hồi chức năng bàng quang
Phục hồi chức năng tình dục
Chăm sóc giảm nhẹ được chỉ định ở bệnh nhân đến muộn hoặc can thiệp ngoại khoa thất bại: mở bàng quang, giảm đau, nhuận tràng, chăm sóc phòng loét, dinh dưỡng …
BS. Nguyễn Văn Hùng