Hội chứng mệt mỏi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng mệt mỏi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
3 ngày trướcBài gốc
1. Nguyên nhân gây hội chứng mệt mỏi
Hội chứng mệt mỏi thực chất là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch tấn công lại cơ thể con người.
Nói cách khác hội chứng mệt mỏi là một rối loạn phức tạp, đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi cực độ, kéo dài ít nhất 6 tháng và không thể giải thích đầy đủ bằng một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Nguyên nhân của hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS), cũng được gọi là bệnh không dung nạp gắng sức toàn thân (Seid) chưa được biết. Một số giả thuyết cho là nhiễm trùng mạn tính Epstein Barr virus, bệnh Lyme, hội chứng dị ứng toàn bộ, hội chứng mạn cảm với nhiều chất hóa học, nhiễm nấm men toàn thân, và virus XMRV và virus bệnh bạch cầu ở chuột. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu được thực hiện một cách cẩn thận, không có điều kiện nào được chứng minh là gây ra hội chứng mệt mỏi mạn tính.
Một số nguyên nhân nghi ngờ khác của hội chứng mệt mỏi mạn tính đang được nghiên cứu. Có một số bằng chứng cho thấy rằng hội chứng mệt mỏi mạn tính là một rối loạn miễn dịch, gây ra hệ thống phòng thủ của cơ thể hoạt động một cách bất thường. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Một hướng nghiên cứu khác tập trung vào hạ huyết áp mạn tính (huyết áp thấp) gây ra bởi một vấn đề trong hệ thống thần kinh.
Các yếu tố kích hoạt tiềm năng bao gồm nhiễm virus, các vấn đề về hệ thống miễn dịch, sự mất cân bằng nội tiết tố, chấn thương thể chất hoặc tình cảm.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính bao gồm: tuổi tác, giới tính nữ mắc nhiều hơn nam giới… Các biến chứng như giảm chất lượng cuộc sống như hạn chế về lối sống, phải nghỉ việc, cách ly xã hội, mắc trầm cảm…
2. Triệu chứng hội chứng mệt mỏi
Triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể khác nhau ở từng người và mức độ nghiêm trọng có thể dao động theo thời gian.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: mệt mỏi, thiếu tập trung, viêm họng, nhức đầu, hạch bạch huyết mở rộng ở cổ hoặc nách, đau cơ hoặc khớp không rõ nguyên nhân, chóng mặt trầm trọng hơn khi chuyển từ tư thế nằm hoặc ngồi sang đứng, kém ngủ, cực kỳ kiệt sức sau khi tập luyện thể chất hoặc tinh thần…
Thông thường, sự mệt mỏi xuất hiện đột ngột, thường sau một nhiễm trùng như nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nhiễm bạch cầu đơn nhân. Có thể có một số triệu chứng khác nhưng than phiền chủ yếu vẫn là mệt. Nhiều người, ngoài sự mệt mỏi, có thể có một hoặc nhiều điều sau đây:
Sự gia tăng mệt mỏi sau khi tập thể dục hoặc khi gắng sức;
Rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung;
Khó ngủ;
Chóng mặt khi đứng lên.
Tình trạng mệt toàn thân và việc thiếu một nguyên nhân mang tính chất cụ thể làm cho việc đối phó với bệnh này rất khó khăn.
3. Hội chứng mệt mỏi có lây không?
Nguyên nhân gây hội chứng mệt mỏi hiện nay chưa được biết rõ nguyên nhân, không phải bệnh lây nhiễm nên không lây. Tuy nhiên hội chứng mệt mỏi có liên quan đến nhiều yếu tố trong đó có các bệnh lây nhiễm như do virus.
4. Phòng ngừa hội chứng mệt mỏi
Hội chứng mệt mỏi có thể không rõ nguyên nhân nên việc giảm yếu tố nguy cơ có thể là:
Tự chăm sóc, những bước quan trọng có thể giúp duy trì tốt sức khỏe tổng quát:
Ngủ đủ giấc là cần thiết. Ngoài phân chia đủ thời gian cho giấc ngủ, thực hành thói quen ngủ tốt, chẳng hạn như đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày và hạn chế ngủ trưa.
Tập thể dục thường xuyên. Có thể cần phải bắt đầu từ từ và xây dựng dần dần. Nhưng thường xuyên tập thể dục cải thiện triệu chứng. Nhiều người tìm thấy các bài tập như đi bộ, bơi lội, đạp xe và thể dục nhịp điệu nước có thể hữu ích. Một liệu pháp vật lý có thể giúp phát triển một chương trình tập thể dục. Duỗi và bài tập thư giãn cũng có thể hữu ích.
Cường độ hoạt động. Giữ hoạt động ở cấp độ ổn định. Nếu làm quá nhiều vào những ngày này, có thể có những ngày khác xấu hơn.
Duy trì một lối sống lành mạnh. Hãy cố gắng ăn một chế độ ăn uống cân bằng, uống nhiều nước, hạn chế lượng caffeine, hút thuốc phải dừng lại, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục thường xuyên.
Cần tránh căng thẳng, giảm bớt các áp lực, căng thẳng, cho phép bản thân có thời gian thư giãn mỗi ngày.
Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài cần đi gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Nên tham gia các khóa trị liệu và thư giãn khác như châm cứu, thư giãn thiền, massage, yoga, làm việc khoa học, nghỉ ngơi hợp lý để giảm mệt mỏi, lo lắng và cuối cùng nên nhớ, không quá cầu toàn bởi sống luôn tồn tại được và mất, vì vậy hãy thanh thản, giảm áp lực để giảm bệnh.
5. Điều trị hội chứng mệt mỏi
Các phương pháp điều trị hiện tại không thể chữa khỏi mọi người mắc hội chứng mệt mỏi. Đối với hầu hết các trường hợp, liệu trình điều trị chỉ giúp giảm nhẹ hoặc kiểm soát một số triệu chứng nhất định.
Vì các triệu chứng khác nhau tùy theo từng cá nhân, vì vậy không có một phương pháp chung nào được áp dụng cho tất cả mọi người. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc khác nhau để giúp kiểm soát các triệu chứng riêng lẻ, đặc biệt là các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Những người bị hội chứng mệt mỏi có xu hướng rất nhạy cảm với hóa chất và thuốc. Do đó, bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào cũng có thể gây ra phản ứng không mong muốn. Sử dụng thuốc với liều thấp và tăng dần giúp bác sĩ theo dõi chặt chẽ mọi tác dụng phụ và tìm ra liều thấp nhất có hiệu quả để giảm đau.
Một số phương pháp điều trị thử nghiệm cũng có sẵn để điều trị hội chứng mệt mỏi. Những loại thuốc này tập trung vào các vấn đề tiềm ẩn trong hệ thống miễn dịch có thể liên quan đến hội chứng.
Sự thành công của mỗi phương pháp điều trị có thể rất khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào các triệu chứng xảy ra đối với người cụ thể đó.
Đối với nhiều người mắc hội chứng mệt mỏi, thay đổi lối sống là một phần quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng. Nhiều người mắc hội chứng mệt mỏi phải tìm cách kiểm soát mức độ hoạt động của họ. Người bệnh có thể cần lên kế hoạch và trải đều các hoạt động cần tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phải tránh các hoạt động liên quan đến nhiều nỗ lực.
Tùy thuộc vào các triệu chứng hiện tại, các phương pháp điều chỉnh cuộc sống hàng ngày với hội chứng mệt mỏi mãn tính bao gồm:
Lên lịch hoặc lập kế hoạch hàng ngày;
Thực hiện các liệu pháp để quản lý cảm xúc và tâm lý;
Áp dụng các kỹ thư giãn như tập thở, thiền hoặc mát-xa;
Có chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng;
Bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt.
BS Nguyễn Xuân Sơn
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-met-moi-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250324191912105.htm