Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
9 giờ trướcBài gốc
Hội chứng Sudeck là tình trạng hiếm gặp, việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn đối với điều trị, giảm nhiều tác động tiêu cực của hội chứng này đến sức khỏe.
Nội dung
1. Nguyên nhân gây hội chứng Sudeck
2. Triệu chứng hội chứng Sudeck
3. Hội chứng Sudeck có lây không?
4. Phòng ngừa hội chứng Sudeck
5. Điều trị hội chứng Sudeck
1. Nguyên nhân gây hội chứng Sudeck
Hội chứng Sudeck là loạn dưỡng giao cảm phản xạ hay còn gọi là hội chứng vai-tay được đặc trưng lâm sàng bởi đau kiểu bỏng buốt, rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn ngón tay, kết hợp với viêm quanh khớp vai thể đông cứng cùng bên.
Hội chứng vai - tay được Kahlmeter mô tả từ 1936, đây là hội chứng ít gặp, chỉ dưới 1% các bệnh nhân viêm quanh khớp vai, nhưng lại là hội chứng nặng nề, khó điều trị nhất, có thể dẫn đến một bên tay bị tàn phế.
Nguyên nhân của hội chứng Sudeck cho đến nay vẫn chưa được biết, cơn đau do hội chứng Sudeck gây ra được cho rằng đến từ các vấn đề trong hệ thần kinh giao cảm. Hệ thống thần kinh giao cảm kiểm soát các chuyển động của lưu lượng máu giúp điều chỉnh nhịp tim và huyết áp.
Khi bị thương, hệ thần kinh giao cảm khiến các mạch máu nhỏ lại để không bị mất quá nhiều máu tại vị trí bị thương và sau đó khiến chúng giãn trở lại để máu có thể đến sửa chữa các mô bị tổn thương.
Hệ thống thần kinh giao cảm của người bệnh hội chứng Sudeck nhận được các tín hiệu hỗn hợp. Nó hoạt động sau một chấn thương, nhưng không chịu dừng lại. Điều này gây ra rất nhiều đau đớn và sưng tấy tại vị trí chấn thương. Mặc dù không phổ biến nhưng chúng ta có thể bị hội chứng Sudeck ngay cả khi không bị chấn thương.
Hội chứng Sudeck ở phụ nữ điển hình hơn so với nam giới. Bệnh này cũng có thể mắc ở trẻ em, nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 60.
Một số yếu tố nguy cơ đã được đề cập cụ thể là:
Tuổi: thường gặp ở người 40-60 tuổi, tỉ lệ nữ/nam là 2/3 số bệnh nhân.
Sau chấn thương gãy xương vùng cổ tay, 1/3 dưới hai xương cẳng tay, nhất là khi cố định gãy xương không tốt, xương liền lệch trục.
Bệnh nhân có hội chứng ống cổ tay (hội chứng chèn ép bó mạch thần kinh ở ống cổ tay).
Sau chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống cổ, chấn thương vùng vai.
Sau đột quỵ não, thường từ 1-6 tháng.
Bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân có cơn đau thắt ngực, bệnh nhân có các bệnh nội tiết…
Hội chứng Sudeck - loạn dưỡng giao cảm phản xạ hay còn gọi là hội chứng vai - tay được đặc trưng lâm sàng bởi đau kiểu bỏng buốt, rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn ngón tay.
Hội chứng Sudeck thường xảy ra sau một sự kiện có tính chất kích hoạt (triggering event), tuy nhiên có một phần ba trường hợp khởi phát không rõ sự kiện kích hoạt. Các sự kiện kích hoạt gây hội chứng vai - tay có thể gặp gồm: Chấn thương vùng vai, tay; Các phẫu thuật; Bệnh tim; Thoái hóa cột sống cổ; Đột quỵ não; Kích thích thần kinh do bị đè ép (hội chứng ống cổ tay); Các bệnh lý vùng khớp vai; Ung thư vú; Sử dụng một số thuốc như: thuốc kháng lao, thuốc nhóm barbiturat.
2. Triệu chứng hội chứng Sudeck
Các triệu chứng của người bị hội chứng Sudeck có thể xuất hiện từ từ. Ban đầu người bệnh có thể không nhận ra cơn đau của mình là bất thường và sau đó nó có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Các loại tổn thương có thể gây ra hội chứng Sudeck bao gồm:
Cắt cụt chi
Vết bầm
Bỏng
Vết cắt
Gãy xương
Tiểu phẩu
Kim đâm
Xạ trị
Bong gân
Khu vực hay bị ảnh hưởng nhất là ở cánh tay, vai, chân hoặc hông. Cơn đau thường lan ra ngoài vị trí chấn thương. Trong một số trường hợp, các triệu chứng cũng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Hội chứng Sudeck cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của người bệnh, gây ra: Đỏ; Da ấm xung quanh vết thương; Sưng tấy.
Cơn đau thường liên tục và nghiêm trọng. Nhiều người mô tả cơn đau hội chứng Sudeck như sau: Đau âm ỉ; Bỏng rát; Lạnh; Đau sâu; Nhói...
Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau khi làm những việc mà thông thường như tắm vòi sen hay mặc quần áo.
Các triệu chứng khác của hội chứng Sudeck bao gồm: Rối loạn hệ thống phụ của da như tóc, móng tay hay thay đổi kết cấu của da; Mồ hôi nhiều ở một số vùng nhất định; Yếu hoặc co thắt cơ; Cứng khớp; Khó di chuyển vùng bị thương; Da trắng, lốm đốm, đỏ hoặc xanh..
3. Hội chứng Sudeck có lây không?
Hội chứng Sudeck là loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ là một chứng rối loạn gây ra cơn đau kéo dài, thường ở cánh tay hoặc chân, xuất hiện sau một chấn thương, đột quỵ hoặc đau tim vì vậy, không phải bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng Sudeck
Để phòng tránh hội chứng Sudeck cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời một số bệnh như: đái tháo đường, gút, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, viêm màng ngoài tim, lao phổi, viêm phế quản, ung thư phế quản, cường giáp, Parkinson, u não,…
Tăng cường vận động để tránh loãng xương, teo cơ, cần duy trì tư thế đầu và cổ thích hợp trong sinh hoạt, công việc, học tập và các hoạt động thể thao, tránh những tư thế ngồi, tư thế làm việc gây gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ quá mức kéo dài, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, chú ý tư thế ngồi và ghế ngồi thích hợp
Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng.
Ở những bệnh nhân có hội chứng đau vùng phức tạp, liệu pháp tâm lý có thể được sử dụng để điều trị trầm cảm và lo âu; nó cũng có thể giúp bệnh nhân cải thiện thành công chức năng và khả năng kiểm soát cuộc sống của họ bất chấp chứng rối loạn đau mạn tính.
5. Điều trị hội chứng Sudeck
Phát hiện sớm là chìa khóa trong điều trị hội chứng Sudeck, càng được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả. Một số trường hợp hội chứng Sudeck không đáp ứng với điều trị. Hội chứng Sudeck không có cách chữa trị, nhưng có thể phục hồi sau nhiều triệu chứng.
Một số loại thuốc mà bác sĩ có thể đề xuất bao gồm:
Các loại kem gây mê như lidocaine
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc kháng viêm NSAID
Thuốc chống động kinh có thể giúp điều trị cơn đau
Thuốc xịt mũi điều trị loãng xương
Tiêm phong bế dây thần kinh
Các thuốc không kê đơn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen để giảm đau
Các phương pháp khác để điều trị các triệu chứng bao gồm:
Đặt điện cực trên xương sống để tạo ra những cú sốc điện nhỏ nhằm giảm đau
Vật lý trị liệu giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn và giảm đau
Liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh thư giãn
Nẹp để đỡ đau tay
Nếu cơn đau không biến mất ngay cả sau khi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị một cuộc phẫu thuật gọi là phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm. Trong đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một số dây thần kinh xung quanh mạch máu để giúp cải thiện lưu lượng máu của người bệnh.
BS. Nguyễn Văn Thành
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-sudeck-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250325155331981.htm