1. Nguyên nhân gây Hội chứng Volkmann
Nội dung
1. Nguyên nhân gây Hội chứng Volkmann
2. Triệu chứng Hội chứng Volkmann
3. Hội chứng Volkmann có lây không?
4. Phòng ngừa hội chứng Volkmann
5. Điều trị Hội chứng Volkmann
Hội chứng Volkmann - co cứng chi do thiếu máu nuôi dưỡng khoang gân xương là hậu quả của tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cẳng tay.
Nguyên nhân của hội chứng Volkmann là do hội chứng chèn ép khoang bán cấp ở khu trước cẳng tay gây ra. Sự thiếu máu bán cấp không đủ gây hoại tử tay, nhưng gây ra sự thiếu máu trường diễn, sự thiếu máu ấy đủ để làm xơ hóa các cơ gấp, làm cho các cơ này không còn độ chun giãn, đàn hồi nữa.
Một nguyên nhân chủ quan khác có thể xảy ra: khi bó bột, thầy thuốc không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bắt buộc được quy định từ lâu đời, đó là việc phải rạch dọc bột trong bó bột cấp cứu, gây ra hậu quả chèn ép bột.
2. Triệu chứng Hội chứng Volkmann
Hội chứng Volkmann là một hội chứng co rút các cơ gấp cẳng tay.
Hội chứng volkmann gây những biến dạng tại các chi đặc biệt ở chi trên tại các vị trí như: Cơ cánh tay quay, cơ gấp khuỷu tay… Một số triệu chứng thường gặp ở tay là gấp cổ tay, gấp và dạng ngón cái, duỗi khớp ngón tay, gấp đốt ngón tay…
Chứng co cứng Volkmann được phân loại dựa trên mức độ biến dạng.
Độ 1: Co rút mức độ nhẹ.
Cơ co rút cục bộ, ảnh hưởng đến phần cơ gấp các ngón sâu.
Chỉ có khoảng 2 hoặc 3 ngón tay co lại, thường ảnh hưởng đến ngón tay giữa và ngón đeo nhẫn.
Không có hoặc mất cảm giác tối thiểu.
Độ 2: Co rút mức độ vừa phải.
Thường ảnh hưởng đến cơ gấp các ngón sâu và cơ gấp các ngón chân dài. Tuy nhiên một số cơ nông cũng có thể bị ảnh hưởng.
Bàn tay vuốt với tất cả ngón tay đều bị uốn cong, riêng ngón tay cái kẹt lại trong lòng bàn tay, gấp cổ tay lòng bàn tay. Một số trường hợp khác có cổ tay cong và kẹt lại, kèm theo mất một số cảm giác.
Độ 3: Co rút mức độ nặng.
Hầu hết các cơ ở cẳng tay đều bị co rút, đặc biệt là các cơ mở rộng và cơ gấp.
Biến dạng co rút nghiêm trọng, có cổ tay và ngón tay bị kẹt ở tư thế uốn cong.
Rối loạn chức năng cơ nội tại.
Thiếu hụt cảm giác rõ rệt.
Ngoài ra một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các triệu chứng của hội chứng volkmann thường đi kèm với những biểu hiện của hội chứng chèn ép khoang. Vì vậy cũng nên lưu ý một số biểu hiện của hội chứng chèn ép khoang như:
Đau ở nhiều mức độ, cảm giác đau tăng lên khi có tác động ngoại lực.
Da xuống sắc, xanh xao nhợt nhạt.
Khi thăm khám lâm sàng khó bắt được mạch.
Người bệnh xuất hiện cảm giác lạ (cảm giác kiến bò, tê bì…) thậm chí là mất hoàn toàn cảm giác.
Giảm vận động mức độ nặng.
Trong đa số các trường hợp bệnh có biểu hiện đau vì vậy, nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường khác của cơ thể có thể trực tiếp tới cơ sở khám để được tư vấn trực tiếp về tình trạng bệnh.
3. Hội chứng Volkmann có lây không?
Nguyên nhân chính của hội chứng volkmann là tình trạng thiếu máu cục bộ ở chi cụ thể là các vị trí nằm sâu trong khoang xương của chi… vì vậy, không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng Volkmann
Nguyên nhân chính của hội chứng volkmann là tình trạng thiếu máu cục bộ ở chi cụ thể là các vị trí nằm sâu trong khoang xương của chi… do vậy, để giảm nguy cơ mắc phải hội chứng Volkmann cần đảm bảo lưu thông tuần hoàn sau chấn thương.
Không băng bó hoặc bó bột quá chật. Thường xuyên kiểm tra chi. Nếu có bất thường, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Cần xẻ dọc khi bó bột chỉnh hình cẳng tay hoặc cẳng chân.
Tập vận động từ từ sau phẫu thuật. Điều này giúp máu lưu thông tốt hơn ở vùng bị thương. Không nên gắng sức hoặc bất động kéo dài.
Thường xuyên thực hiện những bài tập duỗi thụ động cho vùng tổn thương.
Nếu có dấu hiệu của hội chứng khoang, cần tiến hành phẫu thuật giải nén kịp thời.
Thường xuyên luyện tập để tăng cường các cơ đối vận, giữ những cặp cơ ở trạng thái cân bằng. Từ đó hạn chế tình trạng co rút.
5. Điều trị Hội chứng Volkmann
Điều trị hội chứng Volkmann dựa trên mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.
Phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị biến dạng kiểu móng vuốt. Khi áp lực bên trong khoang > 30 mmhg, bác sĩ tiến hành rạch da và cân để giải nén khoang. Bác sĩ cũng giải phóng các mô cố định, kéo dài gân hoặc nối gân duỗi để cải thiện chức năng của bàn tay và giảm biến dạng do co rút.
Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật loại bỏ những mô xơ sẹo. Từ đó giúp sửa chữa các biến dạng.
Phẫu thuật sửa chữa thường mang lại hiệu quả tốt. Hầu hết các trường hợp có thể phục hồi chức năng và đặc điểm giải phẫu của bàn tay.
Điều trị hội chứng Volkmann cực kỳ gian nan, kể cả bằng phương pháp phẫu thuật (mổ để giải phóng chỗ bám của các cơ gấp, đánh trượt chỗ bám của cơ xuống thấp nhằm làm chùng các cơ). Điều trị nắn chỉnh kiểu giai đoạn cũng có mang lại kết quả nhất định, nhưng lại tốn nhiều thời gian và công sức.
Nắn bó bột kiểu giai đoạn là một kiểu bó bột để chỉnh sửa dần dần một tư thế xấu của chân hoặc tay (ở chân như nắn chỉnh hình tật chân khoèo bẩm sinh hoặc tật co gân Achille… chẳng hạn).
Các thuốc giảm đau không kê đơn như thuốc nhóm NSAID (Ibuprofen, Naproxen...) hoặc Acetaminophen có thể giúp ích. Việc sử dụng sẽ giúp giảm bớt cơn đau do chứng co cứng Volkmann và phẫu thuật. Opioid hoặc một loại thuốc mạnh khác được dùng nếu cơn đau nghiêm trọng hơn.
Nẹp thường được thực hiện kết hợp với phẫu thuật kéo dài gân. Ở trường hợp nhẹ, việc sử dụng nẹp giúp giữ cẳng tay và bàn tay bị ảnh hưởng ở tư thế duỗi thẳng, hỗ trợ kéo giãn gân và cơ. Điều này giúp giảm độ cong, cải thiện đặc điểm giải phẫu của tay ảnh hưởng.
Đối với những trường hợp nặng hơn, nẹp được thực hiện sau phẫu thuật. Thiết bị này giúp cố định khuỷu tay, cẳng tay và bàn tay ở vị trí thích hợp, hỗ trợ gân và cơ lành lại đúng cách.
Ngoài ra, vật lý trị liệu có thể được thực hiện trước cho trường hợp nhẹ hoặc sau khi phẫu thuật. Phương pháp này gồm các bài tập kéo giãn, giúp kéo dài gân và cơ. Từ đó giảm biến dạng, phục hồi chức năng, cải thiện phạm vi chuyển động cho cổ tay và các ngón tay.
Bệnh nhân cũng được hướng dẫn những bài tập giúp giảm nhẹ cơn co thắt, giảm co rút các cơ ở cẳng tay và ngăn hình thành mô sẹo. Nếu đã được phẫu thuật, vật lý trị liệu chủ yếu gồm những bài tập giúp phục hồi gân và cơ bị thương, lấy lại chức năng và tính linh hoạt cho tay ảnh hưởng.
BS Nguyễn Văn Dũng