Đoàn Công tác Tri ân Hội CCB Bộ Tư pháp thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nơi các anh ngã xuống
Đoàn công tác Tri ân của Hội CCB Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Văn Bốn, Phó giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ tịch Hội dẫn đầu cùng các hội viên đến từ các Chi hội CCB Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp. Hành trình tri ân trên hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Sáng sớm, Đoàn công tác Tri ân đã đến thăm viếng tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk. Tại Đền thờ, trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những anh hùng liệt sỹ của dân tộc đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đoàn Công tác Hội CCB dâng hương tại đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sỹ Buôn Ma Thuột
Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk tọa lạc tại phường Tân Lập (TP Buôn Ma Thuột), là nơi an nghỉ của 2.268 anh linh liệt sỹ (số liệu tháng 6/2022) đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường trong nước và liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, anh dũng hi sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại chiến trường Campuchia.
Với tổng diện tích hơn 92.000m2, bao gồm khu Đền thờ liệt sỹ, khu công viên cây xanh, khu đài tưởng niệm và khu phần mộ. Đây không chỉ là nơi an nghỉ của anh linh các anh hùng liệt sỹ mà còn là công trình đền ơn đáp nghĩa, là nơi để đồng bào, chiến sĩ, Nhân dân cả nước thể hiện niềm thương nhớ, biết ơn đối với sự hi sinh anh dũng những người con ưu tú trên khắp mọi miền Tổ quốc không tiếc máu xương dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
50 trở về trước, sự kiện 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng và trí tuệ con người. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông Việt Nam thu về một mối.
Để có được chiến thắng vĩ đại ấy, đất nước và Nhân dân ta đã phải trải qua biết bao gian khổ, đau thương, mất mát. Hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hi sinh trên khắp các chiến trường để dân tộc Việt Nam được sống trong độc lập, tự do, hòa bình và phát triển như ngày hôm nay. Sau phút mặc niệm, với tất cả lòng thành kính tri ân và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Đoàn công tác tri ân Hội CCB Bộ Tư pháp đã kính cẩn dâng lên những nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ tịch Hội CCB Bộ Tư pháp
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ tịch Hội CCB Bộ Tư pháp bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương: "Tôi cũng như các thành viên trong đoàn đến đây với lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dành trọn thanh xuân anh dũng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tinh thần đoàn kết hữu nghị quốc tế cao cả. Sự hi sinh của các anh hùng đã làm rạng rỡ quê hương đất nước, ươm mầm xanh, lộc biếc cho hòa bình và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sự hi sinh của các thế hệ cha, anh sẽ sống mãi với quê hương, sống mãi với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí và Nhân dân cả nước. Chuyến đi này không chỉ để tri ân mà còn nhằm mục đích giáo dục chính trị, tư tưởng cho các hội viên luôn luôn làm hết sức mình để không phụ công các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh dành Độc lập - Tự do cho Tổ quốc".
"Trường học Cách mạng"
Trên chặng hành trình, Đoàn Công tác tri ân Hội CCB Bộ Tư pháp tiếp tục ghé thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột - Trường học Cách mạng của những người ái quốc. Đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Địa danh này không chỉ là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt mà còn là "địa chỉ đỏ" quan trọng để giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh của dân tộc ta.
Nhà đày Buôn Ma Thuột còn có tên khác nữa là “nhà phạt” - một minh chứng sống động cho những tội ác tàn bạo mà thực dân Pháp đã gây ra trong suốt những năm tháng xâm lược Việt Nam. Ngoài lối kiến trúc độc đáo, nhà đày còn là nơi mà thực dân Pháp đã giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng như Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… nhưng đến cuối cùng vẫn không thắng nổi tinh thần bất khuất và sự kiên cường của các chiến sĩ yêu nước.
Mô phỏng lính Pháp tra tấn tù nhân bằng dùi sắt tại Nhà đày Buôn Ma Thuột
Ghé thăm nhà đày, tham quan từng phòng lao, các đại biểu không cầm được nước mắt khi chứng kiến từng cảnh tra tấn dã man của bọn thực dân cũng như những đau đớn, khổ ải mà các chiến sĩ yêu nước phải chịu đựng hàng ngày nơi ngục tù. Cũng từ nơi tối tăm đó, cả bầu trời quá khứ hào hùng của dân tộc hiện lên, với sự đấu tranh bất khuất, kiên cường của những người con ưu tú để dành tự do cho dân tộc và đất nước.
Điều đặc biệt nhất tại khuôn viên nhà đày có dãy xà lim gồm 21 phòng biệt lập, mỗi phòng dài 2.5 mét, rộng 1 mét, dành riêng cho việc giam giữ những tù nhân được coi là nguy hiểm. Hệ thống tháp canh cũng được xây dựng với lính gác thường trực để kiểm soát toàn bộ hoạt động nội bộ.
Mô phỏng hình ảnh chiến sỹ cách mạng làm việc cực khổ trong Nhà đày Buôn Ma Thuột
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Mỹ vào Việt Nam, nhà đày Buôn Ma Thuột tiếp tục được sử dụng và mở rộng với nhiều công trình mới bao gồm nhà nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ, nhà Quốc thái dân an và nhiều hạng mục khác nhằm giam giữ càng nhiều tù nhân chính trị càng tốt. Các tù nhân nơi đây phải ngày đêm chịu đựng các điều kiện sống khắc nghiệt, bị tra tấn và lao động nặng nhọc. Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan và khí tiết của các chiến sĩ cộng sản không bao giờ bị khuất phục. Nhà tù đã trở thành một “Trường học Cách mạng” nơi các chiến sĩ cộng sản tổ chức học tập và hội họp, biến nơi đây thành một phần không thể tách rời trong lịch sử Cách mạng của Việt Nam.
Mô phỏng các tù nhân chính trị đang lao nhọc tại khu bếp Nhà đày Buôn Ma Thuột
Cựu chiến binh Dương Ngọc Lâm chia sẻ: "Trước những cảnh phục dựng tại nhà đày, tôi như tận mắt chứng kiến không ít các cuộc tra tấn dã man và tàn ác, và đau đớn hơn khi biết nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại nơi này. Dù phải chịu đựng sự hành hạ đau đớn, các anh hùng vẫn không chịu khuất phục hay đầu hàng, trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm và sức mạnh tinh thần không gì lay chuyển được của dân tộc Việt Nam. Tôi cảm thấy vinh hạnh là người Việt Nam, và biết ơn trước sự hi sinh của các thế hệ cha, anh cũng như đồng chí, đồng đội để các thế hệ sau được sống trong hòa bình, ấm no".
Rời khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột, đoàn đã đến thăm Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. Biểu tượng lịch sử trên tọa lạc tại ngã sáu trung tâm thành phố, được xây dựng nhằm tôn vinh và tưởng nhớ những cống hiến và sự hi sinh của các thế hệ đi trước trong Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3 năm 1975.
Hành trình thăm lại chiến trường xưa dọc Miền Trung - Tây Nguyên với những "địa chỉ đỏ" ghi lại dấu ấn Cách mạng một thời hoa lửa không chỉ gợi lại những ký ức hào hùng một thời trong lòng các thành viên của Hội CCB Bộ Tư Pháp. Mà đây còn là chuyến đi tri ân những mảnh đất anh hùng, những người con anh hùng đã hi sinh tuổi trẻ, thanh xuân để dành độc lập tự do cho Tổ quốc yêu thương.
Trước đó, ngày 22/4, Hội CCB Bộ Tư pháp đã đến các “địa chỉ đỏ” ở Quảng Trị, TP Huế; dâng hương, tham quan Khu quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh Đoàn Công tác Tri ân Hội CCB Bộ Tư pháp thăm những "địa chỉ đỏ" ở Miền Trung, Tây Nguyên:
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ tịch Hội CCB Bộ Tư pháp dẫn đầu Đoàn Công tác Tri ân đến thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk
Mặc niệm tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ.
Những nén hương tri ân tại phần mộ liệt sỹ
Thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.
Thành viên Hội CCB Bộ Tư pháp thắp nhang tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Đoàn Công tác Hội CCB Bộ Tư pháp thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Xem mô phỏng các chiến sỹ đang học tập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Hội CCB Bộ Tư pháp tham quan Tượng đài chiến thắng Ngã sáu Buôn Ma Thuột.
Hội CCB Bộ Tư pháp tham quan Tượng đài chiến thắng Ngã sáu Buôn Ma Thuột.
Đoàn CCB Bộ Tư pháp dâng hương tại Khu quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Video Đoàn Công tác Hội CCB Bộ Tư pháp thăm lại chiến trường xưa ở Tây Nguyên.
Tự Lập - Trần Dật
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/hoi-cuu-chien-binh-bo-tu-phap-tri-an-cac-dia-chi-do-tai-chien-truong-xua-tay-nguyen-post546535.html