Đoàn CCB Bộ Tư pháp thực hiện nghi lễ dâng hương hoa, tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Nguyên Phong
Khởi hành từ sáng sớm ngày 21/4 tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn công tác Tri ân của Hội CCB Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Văn Bốn, Phó giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ tịch Hội dẫn đầu cùng các hội viên đến từ các Chi hội CCB Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp đã lên đường bằng hành trình thiêng liêng. Đoàn sẽ vượt qua hàng nghìn cây số đường bộ dọc theo dải đất miền Trung – Tây Nguyên để về thăm những chiến trường xưa.
Về đất thiêng Trường Sơn
Những ngày tháng Tư lịch sử này, nắng nhuộm rực vàng khúc ruột miền Trung. Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác sau quãng đường gần 600km là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp. Đây là chốn yên nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sĩ trong 10 khu vực chính với tổng diện tích mộ khoảng 23.000m2. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông (đường Hồ Chí Minh ngày nay) – con đường chiến lược huyết mạch để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng Tư này, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tấp nập người. Huyền sử Trường Sơn gắn liền với câu chuyện xây dựng nghĩa trang này với những mối duyên kỳ lạ như: Cây bồ đề thiêng tự nhiên mọc như dang tay ôm lấy, chở che tượng đài chính ở trung tâm nghĩa trang; câu chuyện về mạch nước ngầm trong khu hồ vọng cảnh dù nằm trên đồi cao và thời tiết khô hạn cháy, vẫn không bao giờ vơi cạn; giữa thời bình mà đêm đêm, nhiều người vẫn nghe tiếng chân bộ đội hành quân…
Cây bồ đề thiêng mọc từ sau lưng như ôm lấy, chở che tượng đài trung tâm Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Ảnh: Nguyên Phong
Đó là những câu chuyện lạ kỳ đến khó tin mà nếu ai muốn xác thực, hãy tìm những người quản trang - những cựu chiến binh từng chiến đấu trên Trường Sơn Đông này. Họ sẵn sàng ngồi cả ngày để kể lại và lý giải đó như là những phúc âm trời ban cho một vạn anh linh các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.
Tại đây, Chủ tịch Hội CCB Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn đã dẫn đầu đoàn công tác Hội CCB Bộ Tư pháp lên khu vực tượng đài chính ở trung tâm của nghĩa trang để dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ những đóa hoa tươi thắm, những nén hương thơm với tất cả tấm lòng tri ân. Sau phút tưởng niệm, các thành viên trong đoàn hòa cùng dòng người đến các khu vực trong nghĩa trang để dâng hương lên từng phần mộ.
Những đồng chí sau thời gian binh nghiệp đã trở về cuộc sống đời thường, cùng góp công sức xây dựng tái thiết quê hương đất nước. Hôm nay, các CCB đã trở về bên những người anh hùng ngã xuống. Những người lính Trường Sơn ấy, đã nằm lại vĩnh viễn bên nhau nơi “đất lửa” này và vẫn chung một đội hình hàng hàng lớp lớp chỉnh tề bên nhau như lúc còn sống.
Chủ tịch Hội CCB Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Ảnh: Nguyên Phong
Điểm đến tiếp theo trong ngày 22/4 của Hội CCB Bộ Tư pháp trong hành trình tri ân về chiến trường xưa là Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9, ở phía Tây TP Đông Hà (Quảng Trị).
Đây là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước, cũng là nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sĩ hy sinh chủ yếu trên các chiến trường Tây Trường Sơn Quảng Trị và Đường 9 – Nam Lào.
Sau khi dâng hương, dâng hoa và dành phút tưởng niệm tại khu trung tâm của nghĩa trang này, các CCB đã tỏa đi giữa bạt ngàn cây, bạt ngàn mộ, bạt ngàn hương khói tỏa mờ, nhiều người đứng lặng người hồi lâu, trước một mộ phần lớn phía Đông nghĩa trang. Đó là phần mộ chung của một tiểu đội giữ Cứ điểm 241 Tân Lâm (huyện Cam Lộ, Quảng Trị).
Trong trận chiến cuối cùng ấy, họ quyết không rời hầm chiến đấu để giữ cứ điểm. Một quả bom dội xuống nóc hầm, họ ngã xuống bên nhau. Hài cốt của họ hòa lẫn vào nhau, lực lượng cất bốc đã không thể tách rời và đưa về đây dựng thành một nấm mồ chung để đồng đội được mãi mãi bên nhau.
Hội viên Chi hội CCB Tạp chí Dân chủ và Pháp luật dâng hương các mộ phần ở NTLSQG Trường Sơn. Ảnh: Nguyên Phong
Thăm nghĩa trang chỉ một nấm mồ
Rời Nghĩa trang Đường 9, Đoàn CCB của Bộ Tư pháp đi qua dòng sông Thạch Hãn chói lọi sử sách chiến tranh để vào phía Nam thăm chiến trường xưa Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ nằm dung dị bên dòng Thạch Hãn êm đềm.
Sau 81 ngày đêm Mùa hè rực lửa năm 1972, Mỹ - ngụy đã trút xuống thị xã này 328.000 tấn bom, đạn (bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 1945). Để giữ từng tấc đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi đẹp nhất đời. Một nhà báo lúc ấy đã viết rằng: “Mỗi m2 đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ là 1m2 máu”. Thành cổ cháy, mùa hè cháy, đất cháy, người cháy… Hơn 80% chiến sĩ của ta đã ngã xuống do sức ép của bom đạn quân thù.
Dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Phong
Các anh nằm xuống, máu xương hòa lẫn vào nhau, thấm lên từng nắm đất. Bởi vậy, các công trình của Thành cổ từ thời nhà Nguyễn không thể khôi phục lại được mà dựng thành một khu di tích tưởng niệm và tri ân. Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ được mô hình hóa thành nấm mộ chung cho các anh.
Khi đoàn công tác vào dâng nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, vang lên từ phía sau giọng của nữ hướng dẫn viên đọc trầm vọng 2 câu thơ của cựu binh từng tham gia chiến đấu tại Quảng Trị khi mới 15 tuổi 49 ngày và được phong tặng Dũng sỹ diệt Mỹ - nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”...
Nấm mồ chung được mô hình hóa tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Phong
Nhiều CCB trong đoàn đã rất xúc động. Đứng bên bến thả hoa Thành cổ nhìn về phía hạ nguồn, thế hệ hôm nay tự hào thổn thức: Phải chăng, một phần cốt hài của các anh đã hòa theo dòng phù sa sông Thạch Hãn, về tưới tắm cho những ruộng đồng đơm hoa, những làng quê đổi mới hiện đại hôm nay?
Những ngày này, đất và người Quảng Trị như dang rộng lòng ra để đón những đoàn khách, cựu chiến binh và thanh niên trở về tri ân mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có ánh hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa trong nhang khói linh thiêng ở khắp các nghĩa trang. Những dòng sông lấp lánh bởi ngàn vạn hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất tử với thời gian...
Địa danh bản lĩnh cách mạng
Chiều 22/4, Đoàn CCB Bộ Tư pháp đã đến thành Huế thơ mộng để tham quan Khu di tích lịch sử Chín Hầm - một địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng - nơi chứng kiến lòng dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Đoàn CCB Bộ Tư pháp tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm. Ảnh: Thùy Nhung
Được tận mắt thấy kiểu nhà tù đặc biệt dùng để giam chiến sĩ cách mạng với những vật dụng tra tấn tù nhân tàn nhẫn, nhiều CCB đã không cầm lòng được. Những đồng đội, đồng bào ta đã phải chịu cảnh tra tấn dã man của người “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn và thuộc cấp. Từ đó, các CCB càng hiểu thêm sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc chiến còn lưu giữ lại nơi này.
Tại đây, các thành viên đoàn đã bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc tới các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc và thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã đi qua nhưng hình ảnh đau thương bởi đạn bom như vẫn còn hằn trong trái tim nhiều người con đất Việt. Nhưng đó cũng là khẳng định bản lĩnh của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trước ách áp bức của kẻ thù. Chín Hầm nay là di tích lịch sử, một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng và là niềm tự hào của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các CCB vào thăm bên trong Khu di tích Chín Hầm. Ảnh: Thùy Nhung
Cuối chiều cùng ngày, Đoàn CCB Bộ Tư pháp chia tay đất thiêng “khúc ruột” miền Trung để tiếp tục hành trình tri ân về chiến trường xưa với các địa chỉ đỏ tiếp theo ở miền Trung – Tây Nguyên như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk...
Một số hình ảnh hoạt động về thăm chiến trường xưa của Hội CCB Bộ Tư pháp mà phóng viên Pháp luật Việt Nam đã ghi lại:
Chủ tịch Hội CCB Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Ảnh: Nguyên Phong
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 hôm nay. Ảnh: Nguyên Phong
Đoàn công tác thực hiện nghi lễ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Ảnh: Nguyên Phong
Trưởng đoàn công tác Nguyễn Văn Bốn thỉnh 9 tiếng chuông dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Nguyên Phong
Trưởng đoàn công tác dâng hương NTLS Đường 9. Ảnh: Nguyên Phong
Các CCB Bộ Tư pháp dâng hương NTLS Đường 9. Ảnh: Nguyên Phong
Đoàn công tác thực hiện lễ viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Phong
Đoàn CCB Bộ Tư pháp tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm. Ảnh: Thùy Nhung
Trần Nguyên Phong - Thùy Nhung