Hỏi - đáp pháp luật: Quyền và nghĩa vụ của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự

Hỏi - đáp pháp luật: Quyền và nghĩa vụ của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự
4 giờ trướcBài gốc
Trả lời: Nghĩa vụ quân sự và tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ quân sự
Theo khoản 1, 2 và 3 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì:
1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Còn Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Về tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ quân sự, khoản 1 Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.
Các tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe, văn hóa được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và các thông tư liên quan, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiêu chuẩn chính trị:
- Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15-4-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng tiêu binh, nghi lễ; lực lượng vệ binh và kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Bộ đội đảo Sinh Tồn chơi kéo co trong ngày nghỉ. Ảnh: qdnd.vn
Thứ hai, tiêu chuẩn sức khỏe:
Tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 105/2023/TT-BQP ngày 6-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (thay thế Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự).
Theo đó, công dân cần đáp ứng tiêu chuẩn chung là: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này; không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25-8-2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Ngoài ra còn một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Thứ ba, tiêu chuẩn văn hóa
- Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
- Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
Huấn luyện thu-phát báo cho chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29 (Quân khu 9). Ảnh: qdnd.vn
Quyền và nghĩa vụ của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự
Khi được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở thành hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, công dân có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ:
a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;
c) Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;
d) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;
đ) Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.
QĐND
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-quyen-va-nghia-vu-cua-cong-dan-thuc-hien-nghia-vu-quan-su-803138