Người dân sơ tán tránh xung đột tại TP Gaza, ngày 5/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phiên họp được tổ chức theo yêu cầu của Algeria, đại diện khối các nước Ả-rập tại Hội đồng Bảo an LHQ trong bối cảnh các cơ quan y tế Gaza cho biết cuộc đột kích trên của Israel đã khiến 50 người thiệt mạng, bao gồm cả nhân viên bệnh viện. Trong khi đó, con số mà Israel đưa ra là 19 tay súng thiệt mạng.
Cùng ngày, Quân đội Israel (IDF) thông báo đã tiến hành các cuộc oanh kích vào khoảng 40 địa điểm của Hamas trên khắp Gaza.
Theo các nguồn thạo tin, các cuộc không kích của Israel nhắm vào những trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hamas, cũng như các điểm tập trung mà Israel cho là nơi mà các tay súng Hamas sử dụng, khiến hàng chục người thương vong.
Người phát ngôn quân đội Israel Avichay Adraee đã kêu gọi cư dân trại tị nạn Al-Bureij ở trung tâm Gaza sơ tán, cảnh báo một làn sóng tấn công sắp tới trong khu vực.
Cũng trong ngày, các phong trào Hồi giáo ở Gaza đã phóng một tên lửa và hai quả rocket về phía Israel. Tên lửa nhắm mục tiêu vào một trực thăng quân sự, đã bị Israel chặn lại.
Trong khi đó, hai quả rocket được phóng từ phía Bắc Gaza về phía Nam Israel, một quả đã rơi gần cộng đồng Nir Am, quả thứ hai rơi xuống một khu vực trống. Hamas vẫn chưa bình luận về thông tin này.
Nhà Trắng hối thúc Hamas ký thỏa thuận mới
Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi Hamas ký một thỏa thuận ngừng bắn mới nhằm đảm bảo việc thả các con tin ở Gaza.
Theo ông Kirby, Nhà Trắng hoan nghênh quyết định của Israel cử thêm một phái đoàn tới Doha để tiếp tục đàm phán.
Chính quyền của Tổng thống Biden đang cho thấy những nỗ lực cuối cùng trong vài tuần còn lại trong nhiệm kỳ để tạo điều kiện cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza và đảm bảo việc thả các con tin mà Hamas giam giữ tại đây.
Trước đó, ngày 2/1, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông Netanyahu đã ủy quyền cho các nhà đàm phán Israel tiếp tục đàm phán ở Doha. Vào tháng 12 năm ngoái, Qatar bày tỏ lạc quan rằng các cuộc đàm phán đã có "động lực" sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024.
Tuy nhiên, bất đồng đã nổ ra với việc Hamas cáo buộc Israel nêu "các điều kiện mới", trong khi Israel cáo buộc Hamas tạo ra "những trở ngại mới" đối với một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong tuyên bố ngày 3/1, Hamas đã khẳng định sự nghiêm túc và tích cực, đồng thời cam kết đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt nhằm đáp ứng nguyện vọng và mục tiêu của người dân Palestine. Việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ thể hiện những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1 tới.
Cùng ngày, phong trào Hamas tuyên bố họ đã gửi cho Ai Cập danh sách đề xuất các thành viên của Ủy ban quản lý Dải Gaza hậu chiến. Ủy ban này có chức năng quản lý tạm thời các vấn đề của Dải Gaza. Đây là một phần trong sáng kiến do Ai Cập đứng đầu được các nước Ả-rập và Hồi giáo ủng hộ.
Hamas cho biết danh sách này bao gồm những cá nhân có chuyên môn được lựa chọn theo thỏa thuận với các phe phái khác nhau của Palestine, các nhân vật độc lập và nhà hoạt động phi đảng phái, những người có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến kinh tế, giáo dục, y tế, viện trợ nhân đạo và tái thiết.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng ủy ban trên sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Palestine và coi Dải Gaza là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Palestine.
Hamas bày tỏ hy vọng phong trào Fatah và Chính quyền Palestine sẽ hợp tác thành lập ủy ban này thông qua sự đồng thuận quốc gia. Hamas cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với sự thống nhất quốc gia và khôi phục tính hợp pháp của hệ thống chính trị Palestine.
IOM quan ngại thảm họa nhân đạo "chưa từng có" ở Gaza
Cùng ngày, Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) đã lên án tình trạng trẻ sơ sinh và nhiều người tử vong vì giá lạnh ở Dải Gaza. IOM bày tỏ quan ngại tác động tàn khốc của những cơn mưa trong mùa Đông và nhiệt độ xuống thấp làm gia tăng thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza.
Tổng Giám đốc IOM Amy Pope nhấn mạnh những người dễ bị tổn thương, bao gồm ít nhất bảy trẻ sơ sinh, đã thiệt mạng vì hạ thân nhiệt. Những cái chết thương tâm này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nơi trú ẩn và sự trợ giúp cần thiết khác để tiếp cận người dân Gaza ngay lập tức.
Cũng theo IOM, những hạn chế về khả năng tiếp cận đã cản trở nghiêm trọng quá trình cung cấp viện trợ, với chỉ 285.000 người nhận được hỗ trợ nơi trú ẩn kể từ tháng 9 năm ngoái.
Tính đến giữa tháng 12, Shelter Cluster - một nhóm điều phối của LHQ, các tổ chức nhân đạo quốc tế và địa phương - ước tính rằng ít nhất 945.000 người vẫn cần hỗ trợ khẩn cấp trong mùa đông.
IOM đã chuẩn bị sẵn hơn 1,5 triệu vật dụng mùa Đông như lều, giường… tại các nhà kho để hỗ trợ phần nào nhu cầu cấp thiết về quần áo giữ nhiệt, chăn và bạt. Tổ chức này kêu gọi ngừng bắn và không cản trở tiếp cận viện trợ nhân đạo, đồng thời hối thúc các bên liên quan thực hiện việc thả tất cả các con tin.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)